Vượt hàng ngàn cây số dưới mưa rừng, băng qua nhiều đoạn đường đèo sạt lở, những bước chân của các y, bác sĩ và tình nguyện viên Đà Nẵng đã đến với các bản làng xa xôi của nước bạn Lào tại hai tỉnh Salavan và Champasak trong những ngày tháng 7, để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng những người dân nơi đây.
Các tình nguyện viên nhanh chóng chuyển vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh miễn phí. |
Từ thành phố Đà Nẵng, vượt hơn 200km, chúng tôi đến cửa khẩu La Lay (Quảng Trị). Trời vẫn mưa tầm tã, núi rừng trùng điệp khiến không khí trở nên buốt giá hơn. Từ đằng xa, xe của các cán bộ thuộc Tỉnh Đoàn Salavan đã đợi sẵn.
Trao cho chúng tôi những bó hoa rừng dân dã, Bí thư Tỉnh Đoàn Salavan Kamsamay Sentheluang vui mừng nói: “Biết tin đoàn thanh niên tình nguyện Việt Nam đến với đất Lào, chúng tôi rất vui. Cảm ơn các bạn đã mang đến cho chúng tôi những món quà và tình cảm tốt đẹp”.
Và rồi những cái ôm thật chặt giữa trời mưa cứ thế trao nhau. Sau phút giây gặp gỡ, bạn lên xe đi trước dẫn đường, đưa đoàn chúng tôi vào địa phận Salavan với hơn 160km nữa. Trời nhá nhem tối, đoàn chúng tôi dừng chân tại Tỉnh Đoàn nghỉ ngơi.
Sáng sớm hôm sau, mặc dù đã qua hơn một ngày ngồi xe mệt mỏi nhưng 5 giờ cả đoàn đã dậy sắp xếp đồ đạc di chuyển đến điểm khám, phát thuốc. Trời Salavan vẫn mưa nặng hạt. Ăn vội ổ bánh mì, cả đoàn xắn quần, nhanh chóng chuyển những thùng thuốc, quà tặng nặng trịch vào trung tâm y tế thuộc làng Pác Pồng (huyện Salavan, tỉnh Salavan).
Con đường độc đạo vào trung tâm y tế trở nên lầy lội hơn bởi những vết xe và chân người vận chuyển dưới trời mưa. Dẫu vậy, những thùng thuốc, thùng quà vẫn nhanh chóng được chuyển đến vị trí cao ráo chuẩn bị cho đợt khám bệnh, phát thuốc, trao quà. Bên trong, một nhóm thanh niên đã sắp xếp xong bàn khám, bàn đo huyết áp, phòng máy siêu âm, đo điện tim…
Phía trước, các ô dù và bạt được căng lên để bà con ngồi trú mưa. Chị Phét (29 tuổi), vừa bồng con vừa nói với chúng tôi: “Biết có đoàn bác sĩ Việt Nam đến khám nên từ sáng sớm chúng tôi đã đến đây. Từ nhà Phét đến điểm khám khoảng 3km, do không có xe nên Phét cùng một số bà con phải nhờ xe công nông trong bản chở giúp”.
Cô Ét (50 tuổi), trông bộ dạng hốc hác, khuôn mặt xanh lét đang được các bác sĩ Việt Nam thăm khám ân cần. Qua các thông dịch viên, chúng tôi được biết, cô Ét bị bệnh tiểu không tự chủ, mặc dù đã đi khám nhiều nơi nhưng chưa khỏi. Sáng nay, cô Ét lặn lội hơn 9km về đây.
Cô Ét nói: “Bình thường, muốn lên bệnh viện tỉnh phải đi gần 20 cây số, đường sá khó khăn nên có đoàn tình nguyện đến khám, tôi rất vui và mong có thuốc hỗ trợ để khỏi bệnh”.
Ngoài sân, ông Bun Láp (65 tuổi), đến từ bản Phon Bốk chậm rãi từng bước chống gậy, giọng run run nói: “Tôi có tiền sử đau dạ dày và loạn nhịp tim nên khi biết các bác sĩ sang, tôi gác lại công việc mùa màng, cùng gia đình tranh thủ đến khám. Bác sĩ Việt Nam nhiệt tình, chu đáo và thân thiện, không chỉ khám, cho thuốc mà còn hướng dẫn, tư vấn tận tình cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân nên chúng tôi rất yên tâm”.
Trời Pác Pồng vẫn mưa lớn, người dân đến ngày một đông khi đồng hồ đã qua 12 giờ 30. Bữa trưa là món cơm chiên giữa trời mưa lạnh nhưng ai nấy không hề cảm thấy mệt mỏi mà vẫn háo hức làm việc đến bệnh nhân cuối cùng mới nghỉ.
Kết thúc ngày khám, phát thuốc tại Salavan, hôm sau, 5 giờ sáng, đoàn tiếp tục vượt hơn 160km nữa đến Champasak. Mặc dù mới 6 giờ sáng, nhưng theo thông tin từ huyện Ba Chiêng (tỉnh Champasak), bà con đã đến rất đông nên chuyến xe chở y, bác sĩ và tình nguyện viên vì thế chạy nhanh hơn để rút ngắn sự chờ đợi của bà con.
Trong đợt khám, phát thuốc lần này, đoàn tình nguyện còn mang theo 200 máy trợ thính phát miễn phí. Bên trong phòng khám tai im ắng, chốc chốc chỉ nghe tiếng bác sĩ, thông dịch viên và bệnh nhân trao đổi với nhau. Ông In Tha (60 tuổi), làng Nong Kọc, huyện Ba Chiêng bị điếc hơn 2 năm nay nhưng không có điều kiện điều trị nên bệnh tình nặng thêm.
Ông In Tha cho biết, cách đây 2 năm ông bị nước vào tai và thấy đau nhưng vẫn chủ quan bỏ qua; dần dà, hai tai nghe không rõ dẫn đến điếc. Ông In Tha hiện nuôi 4 đứa con, gia đình làm nông nên rất vất vả. “Được khám và hỗ trợ miễn phí máy trợ thính, tôi vui lắm. Tôi rất cảm ơn các bác sĩ và đoàn tình nguyện Việt Nam. Tôi hy vọng sau lần điều trị này có thể nghe được”, ông In Tha mừng rỡ nói.
Trên bàn siêu âm, một phụ nữ nhỏ thó, trạc hơn 20 tuổi đang nằm chờ thăm khám. Bác sĩ siêu âm Nguyễn Thị Lam (Hội Chữ thập đỏ quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, đi cùng đoàn công tác) tỏ vẻ ái ngại khi cô gái còn trẻ mà đã có con gần 3 tuổi và thêm một đứa con đang ẵm bồng, khát sữa.
Thấy đứa trẻ khóc ré không chịu cho mẹ nằm xuống siêu âm, bác sĩ Lam nhẹ nhàng nói người mẹ tên Hap ngồi dậy vừa cho con bú vừa được siêu âm. Hap cho biết: “Nhà em nghèo lắm, cả gia đình làm nông. Em phải lấy chồng sớm. Em chưa từng biết phương pháp tránh thai nào, cứ thấy bụng to, đi khám biết mang thai thì đợi ngày sinh…”.
Trong những ngày tình nguyện trên đất bạn Lào, các y, bác sĩ trực tiếp khám bệnh dường như không ngơi nghỉ, có lúc ngả người trên ghế chợp mắt để lấy sức tiếp tục làm việc, nhưng cùng chung một tâm sự: “Dù vất vả nhưng thấy nhiều bà con được điều trị ban đầu thì mọi mệt mỏi đều tan biến”.
Bác sĩ Nguyễn Đức Bảo (Khoa Y Dược, Đại học Đà Nẵng) đã 2 lần đến khám, phát thuốc tại Lào, cho biết: “Lần nào cũng tràn đầy yêu thương và ý nghĩa. Mang được cho bà con những viên thuốc chữa bệnh, những phần nhu yếu phẩm là chúng ta đang mang niềm tin, tình cảm của người Việt đến nước bạn Lào”.
Bác sĩ Trần Đình Trung (Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng) lại có đến 4-5 lần sang Lào làm tình nguyện. Những lần trước, đoàn khám ở các vùng sâu, vùng xa, có điểm phải lội 70-80km đường bùn lầy và khám trong các trường học vách nứa xập xệ, nhưng những lần gần đây, bác sĩ Trung nhận thấy cuộc sống của bà con đã khá hơn nhiều, tuy vẫn còn khó khăn.
Do vậy, năm nào Thành Đoàn tổ chức đoàn khám bệnh, nếu tranh thủ được, bác sĩ Trung cũng xung phong tham gia. “Không gì vui hơn khi thấy niềm vui trong nụ cười, ánh mắt bà con. Bà con đã đội mưa, đội gió giữa đường trơn trượt đến với mình thì không lý do gì mình không sẵn lòng phục vụ”, bác sĩ Trung nói.
Người dân Lào mong mỏi được các bác sĩ Việt Nam khám và phát thuốc chữa bệnh. |
Trong những ngày khám, có ngày không đủ thông dịch viên, các bác sĩ phải bập bẹ học tiếng Lào để có thể giao tiếp những câu cơ bản. Những tình nguyện viên còn lại tích cực hỗ trợ khuân vác, lau bàn ghế, lo bảng tên, hậu cần…
Đứng suốt buổi sáng không được nghỉ, chị Hồ Thị Thục Nhi (Bí thư Đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng) vẫn nở nụ cười: “Các bác sĩ đã vất vả khám thì chúng tôi phải cố gắng hỗ trợ phần nào tốt phần đó. Giúp được nhiều người dân khiến chúng tôi vui và trưởng thành hơn”.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Salavan Su Viêng Thong cho biết, đây là chuyến đầu tiên tỉnh đón đoàn tình nguyện từ Đà Nẵng đến khám, phát thuốc cho bà con trong năm nay. “Việc làm này một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh thêm truyền thống gắn bó, đoàn kết giữa 2 nước Việt Nam - Lào nói chung và Đà Nẵng - Salavan nói riêng.
Và không chỉ Salavan, chúng tôi rất mong muốn ngày càng nhiều đoàn đến Lào hơn để tình cảm hai nước càng keo sơn, gắn kết”, anh Su Viêng Thong nói. Bí thư Huyện Đoàn Ba Chiêng (tỉnh Champasak) Phoxay Chan Tha Vi Xay chia sẻ: “Chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân tình đến với đoàn. Những hành động, món quà của đoàn dành cho chúng tôi là những tình cảm trân quý, không thể phai nhạt”.
Trong đợt tình nguyện lần này, bác sĩ kiêm thông dịch viên Thiên Xay Tham Vi Sith (33 tuổi, đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Salavan) được xem là người tận tình nhất. Bác sĩ Thiên Xay cho biết, anh đã may mắn được sang Việt Nam học tiếng Việt và học ngành bác sĩ đa khoa từ năm 2006.
“Lúc ở Việt Nam, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều. Và nay, khi đi làm, chúng tôi cũng tiếp tục nhận sự hỗ trợ từ các bạn. Bằng cách này hay cách khác, các bạn đã góp phần làm cho sợi dây gắn kết tình hữu nghị giữa hai nước thêm bền chặt”, bác sĩ Thiên Xay bày tỏ.
Những ngày khám, phát thuốc, rồi những đêm giao lưu văn nghệ, các tình nguyện viên Việt Nam và các bạn Lào tay trong tay cùng múa điệu lăm-vông và tự bao giờ tình cảm trở nên thân thuộc như một gia đình.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, Trưởng đoàn tình nguyện chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi dẫn đoàn tình nguyện đến với nước bạn Lào và thực sự bất ngờ khi biết khả năng nói tiếng Việt lưu loát của các bạn. Bất ngờ hơn là tình cảm của các bạn dành cho đoàn rất hồn hậu, vì thế, không lý do gì chúng tôi không dốc hết sức mình”. Sau chuyến đi này, đoàn sẽ huy động thêm thật nhiều nguồn lực chung tay hỗ trợ cho bà con nơi đây...
Bài và ảnh: THANH TÌNH