Vượt chặng đường gần 400km, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí dẫn đầu đã đến huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu (Lào) để chia sẻ khó khăn, mất mát của người dân sau sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (thứ hai, từ trái sang) thăm hỏi, động viên người dân, học sinh tỉnh Attapeu vượt qua khó khăn sau sự cố vỡ đập thủy điện. |
Suốt 56 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (1962-2018) và 41 năm kể từ ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (1977-2018), mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không ngừng được củng cố và vun đắp ngày càng keo sơn, gắn bó mật thiết, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, trên nhiều lĩnh vực.
Trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, quan hệ giữa thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Nam Lào, trong đó có tỉnh Attapeu ngày càng được tăng cường và mang lại hiệu quả rõ nét.
Thế nên, ngay sau khi sự cố vỡ đập thủy điện xảy ra, gây thảm họa cho nhân dân Attapeu, ngày 29-7, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí dẫn đầu đã xuất phát từ Đà Nẵng đến Attapeu. Tối cùng ngày, vượt chặng đường hơn 300km, đoàn đến tỉnh Attapeu nhưng không thể tiếp cận huyện Sanamxay lẫn các vùng lân cận vì con đường dân sinh vào khu vực đang bị chia cắt bởi dòng nước lũ lẫn bùn non ngập ngụa. Hàng ngàn phương tiện vẫn đang ùn ứ, sốt ruột ngóng về “rốn” lũ Sanamxay.
Sáng hôm sau (30-7), sau khi trao cho chính quyền tỉnh Attapeu 2 tỷ đồng và huyện Sanamxay 200 triệu đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng bày tỏ nguyện vọng được tiếp cận hiện trường và gặp gỡ, thăm hỏi các gia đình bị tổn thất nặng.
Đáp lại là những cái lắc đầu của chính quyền bạn vì đường vào khu vực rốn lũ vẫn đang bị chia cắt, có nơi cô lập hoàn toàn. Theo chính quyền tỉnh Attapeu, thời tiết khu vực tỉnh Attapeu đang diễn biến xấu, mực nước tại các con suối đang ở mức cao khiến con đường nguy hiểm khi đi lại.
Cuối cùng, dẫu tiếc nuối nhưng đoàn phải lựa chọn phương án trao phần hỗ trợ gồm tiền mặt và quà khoảng hơn 130 triệu đồng cho Hội Người Việt Nam tại tỉnh Attapeu và đại diện Công ty Hữu nghị 206 - đơn vị quân đội của Quân khu 5 đang tham gia cứu trợ tại Attapeu.
Trước lời hỏi thăm của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Attapeu Võ Văn Mừng xúc động cho biết, hiện có 363 người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn tại tỉnh Attapeu. Trong sự cố vỡ đập thủy điện, may mắn không có người Việt nào thương vong, chỉ có 4 hộ gia đình người Việt sinh sống ở bản May rơi vào cảnh không nhà, không tài sản…
Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Attapeu Trần Quốc Tuấn chia sẻ thêm: “Ngay sau sự cố vỡ đập thủy điện, Hội Người Việt Nam tại tỉnh Attapeu đã liên lạc hỏi thăm tình hình bà con người Việt. Cùng cảnh xa quê, bà con vẫn kết nối với nhau trong cuộc sống hằng ngày nên nóng lòng điện thoại hỏi han nhau.
Ai liên lạc được thì yên tâm, ai không liên lạc được lại sốt sắng đi tìm, ngóng chờ. Không thể diễn tả được niềm vui vỡ òa khi bà con biết tin 4 hộ gia đình người Việt sinh sống ở bản May không có ai thương vong...”.
Với nghĩa tình ấy, Hội Người Việt Nam tại tỉnh Attapeu đã huy động bà con người Việt Nam chung tay giúp đỡ người gặp nạn. Ai có tiền góp tiền, ai không có tiền thì góp nhu yếu phẩm. Chỉ vài ngày, số tiền và các nhu yếu phẩm giúp các gia đình vùng bị ngập lũ đã hơn 125 triệu đồng.
“Chúng tôi không phân biệt người Lào hay người Việt, giúp đỡ được ai thì giúp đỡ, chỉ tiếc là chúng tôi không thể tiếp cận sâu vào “rốn lũ”; vì vậy đã gửi tặng chính quyền tỉnh Attapeu 53 triệu đồng”, ông Tuấn nhấn mạnh. Bày tỏ lòng cảm kích trước sự hỗ trợ quý giá của thành phố Đà Nẵng, ông Mừng và ông Tuấn khẳng định sẽ trao tận tay số tiền này đến các gia đình bị thiệt hại nặng, giúp mọi người sớm ổn định đời sống.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Hữu nghị 206 tại Nam Lào chia sẻ, ngay sau khi nghe tin vụ vỡ đập, công ty đã huy động cán bộ, nhân viên, các y, bác sĩ tức tốc lên đường, từ huyện Paksong, tỉnh Champasak đến tỉnh Attapeu phối hợp với y tế địa phương đưa người vào địa bàn để trực tiếp cấp cứu, khám, phát thuốc và hướng dẫn người dân xử lý vệ sinh môi trường ở những nơi lực lượng y tế của Lào chưa vào được.
Đồng thời, công ty cũng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cứu hộ, tìm kiếm người mất tích và trao hàng cứu trợ trị giá hơn 200 triệu đồng. “Số tiền 30 triệu đồng mà thành phố Đà Nẵng hỗ trợ là món quà quý giá lúc này, tiếp thêm động lực về vật chất, tinh thần cho chúng tôi trong việc hỗ trợ cứu nạn”, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Có thể nói, sự thăm hỏi, động viên của thành phố Đà Nẵng đối với tỉnh Attapeu không chỉ góp phần vào công tác khắc phục hậu quả do sự cố vỡ đập thủy điện gây ra, mà càng thắt chặt tình hữu nghị Việt-Lào ngày càng bền chặt, keo sơn.
Sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu xảy ra ngày 23-7, mang theo 5 tỷ m3 nước nhấn chìm 6 bản của huyện Sanamxay, nhiều nơi mực nước dâng cao đến 10m. Khoảng 1.300 gia đình và khoảng 6.600 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Theo chính quyền tỉnh Attapeu, tính đến thời điểm sáng 30-7, có 131 người chết (trong đó có 9 thi thể đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy), 1.122 người hiện vẫn đang mất tích sau thảm họa vỡ đập thủy điện. Hiện, vẫn còn hơn 1.400 người đang mắc kẹt do nước lũ, bùn nhão ngập sâu. |
Bài và ảnh: NAM BÌNH