Bài cuối: Giải pháp bền vững để giữ chân người tài
Sự việc nhiều học viên xin rút khỏi Đề án 922 trong thời gian qua phần nào gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như tính đến hiệu quả của đề án mang lại. Thực tế này đòi hỏi thành phố cần ban hành những chính sách mới trong công tác đào tạo, trọng dụng và sử dụng người tài.
Thành phố cần xây dựng những chính sách mới để phát huy năng lực của nguồn nhân lực chất lượng cao. TRONG ẢNH: Lãnh đạo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gặp gỡ các học viên đang học tập tại Úc. |
Điều chỉnh nhiều chính sách mới
Để phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế trong thực hiện Đề án 922, thời gian qua, thành phố có nhiều điều chỉnh trong thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (PTNNLCLC) khu vực công của thành phố.
Từ năm 2013, thành phố không cử học viên đào tạo thêm ở cấp đại học như trước đây mà chú trọng đào tạo sau đại học tương ứng với yêu cầu công việc, vị trí mà học viên đang làm nhằm khắc phục tình trạng đào tạo và bố trí công việc không khớp với nhau.
Bên cạnh các chính sách giữ chân, Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố triển khai nhiều chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” hài hòa giữa nhiều đối tượng, nhất là chính sách hỗ trợ một lần chứ không phải từng tháng.
Từ tháng 4-2015, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định số 13100-QĐ/TU về việc ban hành Đề án PTNNLCLC khu vực công thành phố Đà Nẵng đến 2020 (gọi tắt là Đề án 13100). Ngày 7-7-2017, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 107/2017/NQ-HĐND về quy định chính sách PTNNLCLC khu vực công thành phố Đà Nẵng.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên các hoạt động PTNNLCLC khu vực công, bao gồm công tác bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao, công tác thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được quy định trong một văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận cũng như bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả của việc thực hiện chính sách này.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, UBND thành phố đang chuẩn bị ban hành quy định thực hiện chính sách PTNNLCLC khu vực công thành phố Đà Nẵng để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2017/NQ-HĐND theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, việc đào tạo sau đại học ở nước ngoài được quy định đối tượng tham gia chặt chẽ hơn và chỉ dành cho cán bộ, công chức, viên chức nằm trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia của cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, nếu người được cử đi học nhận được học bổng toàn phần của cơ sở đào tạo hoặc của tổ chức hợp pháp khác thì được xem xét hỗ trợ lại 40% mức sinh hoạt phí được cấp trong thời gian học tập theo quy định hiện hành.
“Sau khi khảo sát liên quan đến kiến nghị của học viên đề án 922, Sở Nội vụ và TTPTNNLCLC đã sắp xếp, tổ chức nhiều cuộc gặp mặt để để lãnh đạo UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị lắng nghe tâm tư của các học viên nhằm giải quyết các ý kiến đề xuất, kiến nghị”, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng nói.
Trọng dụng, trọng đãi người tài
Đánh giá về công tác PTNNLCLC của Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, việc triển khai các đề án đã phần nào giải quyết được sự thiếu hụt về nhân lực chất lượng cao của thành phố trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhất là đáp ứng kịp thời nhân lực chất lượng cao cho các ngành mũi nhọn như: công nghệ thông tin, thu hút đầu tư, y tế, giáo dục, hành chính công... Đề án 922 thực sự tạo chuyển biến trong ý thức trọng dụng người tài.
“Qua quá trình theo dõi và đánh giá, tôi thấy nhiều học viên sau khi tốt nghiệp rất năng động, nhiệt tình và hết mình với công việc. Đây là điều rất đáng mừng”, ông Đặng Công Ngữ nói.
Theo ông Ngữ, để hạn chế học viên bỏ việc, việc đưa học viên đi đào tạo ở nước ngoài phải khớp với những ngành nghề mà thành phố có nhu cầu và triển vọng phát triển nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Có được điều này thì cả người lao động và người sử dụng lao động cảm thấy yên tâm, thoải mái.
Còn theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thì vấn đề con người luôn là vấn đề then chốt, đặc biệt là vấn đề đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phải luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
“Tôi nghĩ rằng lương bổng chỉ là phần phụ, tuy nhiên phải nhìn nhận rằng nếu mức lương, thưởng xứng đáng phần nào đó tạo sự yên tâm để họ dốc toàn lực cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị”, ông Bùi Văn Tiếng nêu quan điểm của mình.
Được đào tạo ở nước ngoài, PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, môi trường học tập và làm việc ở nước ngoài có độ chênh nhất định so với môi trường trong nước vì những khác biệt về ngôn ngữ, phong cách và văn hóa.
“Học viên được đào tạo ở nước ngoài, được bố trí công tác về các cơ quan, đơn vị trong nước thì xem như là một bước chuyển đổi giữa hai môi trường khác nhau. Do đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị này phải từng bước có những động thái cụ thể để học viên nhanh chóng hòa nhập.
Song song với đó là thay đổi môi trường theo hướng làm việc năng động, chuyên nghiệp hơn, đây là điều mà bất kỳ cơ quan, đơn vị nào cũng cần thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Khi tư tưởng đã thông thì làm việc gì cũng nhanh chóng, thuận lợi”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp nhấn mạnh.
Tại cuộc đối thoại với học viên Đề án 922 vào ngày 2-6-2018, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng: mỗi học viên khi đã tham gia Đề án 922 phải thể hiện giá trị đóng góp, cống hiến cao hơn. Kiến thức chỉ là một phần, tự bản thân học viên phải cố gắng, nỗ lực, tự vận động, rèn luyện ý chí, đặc biệt là phải học hỏi nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác.
“Quá trình đối thoại giữa các học viên và lãnh đạo thành phố phải thực hiện một cách thường xuyên liên tục. Trong đó, Sở Nội vụ, TTPTNNLCLC cần tăng cường quản lý, giám sát và rà soát về quá trình bố trí công việc, đào tạo, đãi ngộ, tuyển dụng ở từng sở, ban, ngành và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng học viên”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nội vụ cuối tháng 7-2018, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị Sở Nội vụ cần mạnh dạn đánh giá hiệu quả của Đề án 922, chỉ ra những chỗ còn hạn chế và chưa ổn để kịp thời khắc phục. Đi đôi với việc đào tạo, thu hút, cần phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Học viên Đề án 922 sau khi tốt nghiệp nên có cơ hội được lựa chọn cơ quan làm việc theo thứ tự ưu tiên và bảo đảm tiếp nhận công việc phù hợp nhất với năng lực, sở trường và chuyên môn được đào tạo. “Cần kết hợp chặt chẽ giữa trọng thị, trọng dụng và trọng đãi người tài, tạo môi trường làm việc thuận lợi để người có năng lực được cống hiến, phát huy tài năng”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
QUỐC KHẢI