Tô thắm truyền thống "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ"

.

Truyền thống Đại đội 2, Khu II Hòa Vang gắn liền với truyền thống chung của lực lượng vũ trang Hòa Vang, Quảng Đà và lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Hòa Vang, Đà Nẵng anh hùng.

Trải qua những chặng đường chống Mỹ cứu nước, Đại đội 2, Khu II Hòa Vang từng bước củng cố, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Được Đảng lãnh đạo, nhân dân đùm bọc che chở, đơn vị kiên cường đánh Mỹ, diệt ngụy, lập nên những chiến công vang dội, góp phần tô thắm truyền thống “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng anh hùng.

Đồng đội Đại đội 2 tưởng niệm các chiến sĩ Trung đội Lê Thị Hồng Gấm đã anh dũng hy sinh.            (Ảnh tư liệu)
Đồng đội Đại đội 2 tưởng niệm các chiến sĩ Trung đội Lê Thị Hồng Gấm đã anh dũng hy sinh. (Ảnh tư liệu)

Trước yêu cầu nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước của huyện Hòa Vang, ngày 18-7-1961, Trung đội 5 tách khỏi Tỉnh đội Quảng Nam về Hòa Vang và đứng chân ở phía đông bắc đập Đồng Nghệ. Vào tháng 10-1961, Trung đội 2 được thành lập.

Tháng 2-1962, Trung đội 3 được thành lập. Các trung đội này đều mang phiên hiệu là H16, tức Đại đội 2, Khu II Hòa Vang sau này. Đến tháng 10-1967, do yêu cầu nhiệm vụ, Hòa Vang giải thể và chia làm 3 khu (I, II, III).

Đại đội 2, trực thuộc Khu II Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà cho đến tháng 7-1975 và hoạt động tại các xã: Hòa Lương, Hòa Bình, Hòa Hưng, Hòa Phú, Hòa Thượng, Hòa Thịnh, Hòa Thọ, Hòa Thái, Hòa Lợi, Hòa Châu, Điện Sơn/Điện Bàn và thị trấn Túy Loan.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại đội 2, Khu II Hòa Vang tổ chức và phối hợp với bộ đội, du kích đánh nhiều trận tiêu biểu, diệt nhiều Mỹ-ngụy và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Tiêu biểu như:

Trận đánh đầu tiên của Đại đội 2 diễn ra tại khu dồn Nam Thành vào lúc 5 giờ ngày 7-3-1962, tiêu diệt 15 tên địch và làm bị thương 54 tên ngụy, bắt sống 4 tên, trong đó có 2 cố vấn quân sự Mỹ. Nói về ý nghĩa của chiến thắng Nam Thành, Thượng tá Nguyễn Kết, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Vang cho biết:

“Chiến thắng này mang nhiều ý nghĩa bởi đây là lần đầu tiên hợp đồng tác chiến giữa bộ đội tỉnh, huyện và cơ sở nội ứng trên địa bàn của huyện. Thứ hai là thực hiện chiến thuật tập kích bí mật diệt địch ở cấp đại đội tăng cường trong “ấp chiến lược” kiên cố, mở ra cho bộ đội huyện một khả năng tác chiến mới.

Thứ ba, phá vỡ một mắt xích kiên cố trong tuyến phòng thủ phía tây huyện của địch, mở rộng được hành lang, tạo điều kiện cho lực lượng ta phát triển xuống vùng trung và vùng đông. Trận đánh này cũng là lần đầu tiên bắt sống 2 tên cố vấn Mỹ trên chiến trường miền Nam, mở ra truyền thống bắt sống giặc Mỹ của quân và dân miền Nam”.

Đặc biệt, vào ngày 14-5-1965, 2 tiểu đoàn lính Mỹ đánh chiếm các xã cánh trung của huyện. Đại đội 2 phục kích tiêu diệt 26 tên Mỹ tại cầu Đá, thôn La Bông. Trận đánh này, anh Nguyễn Long đã dùng súng K44 bắn chết và bắn bị thương 8 tên Mỹ; anh Ngô Sỹ Khóa dùng súng K44 bắn chết và bị thương 5 tên Mỹ ngay trên đường sắt Dương Sơn, xã Hòa Tiến, buộc quân Mỹ co cụm về nam hầm Xẻ, Hòa Châu.

Đến ngày 22-6-1965, anh Huỳnh Đạm (Dạn), Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 3, chỉ huy tiểu đội tập kích vào Miếu Trắng, xã Hòa Lương (nay là xã Hòa Khương) diệt gọn 1 trung đội Mỹ 35 tên, thu toàn bộ vũ khí.

Sau trận đánh ngày 22-6-1965 và những trận đánh trước đây, Đại đội 2 rút ra được kinh nghiệm: “Đánh Mỹ phải đánh gần, đánh nhanh, rút nhanh”, đi đến kết luận: “Sờ chân Mỹ mà đánh là cách tốt nhất”. Từ kết luận trên, sau này tỉnh, quân khu đã phổ biến thành phong trào “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” trong lực lượng vũ trang toàn quân khu.

Trận đánh đồn Túy Loan đêm 13 rạng ngày 14-7-1967 của Đại đội 2 đã tiêu diệt gọn 2 trung đội Mỹ, 1 trung đội ngụy, thu 12 tấm bản đồ UMT cấu trúc hàng rào điện tử Macnamara bảo vệ khu liên hợp quân sự Đà Nẵng nên ta đã dành chủ động quan trọng trên chiến trường sau này.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, lúc 5 giờ 30 sáng 30-1-1968, Đại đội 2 đồng loạt tập kích vào đồn Túy Loan, đánh chiếm khu vực ngã tư và cơ quan Hội đồng xã Hòa Lương, đánh vào quận Hiếu Đức và Trung tâm thông tin ra-đa của quân Mỹ. Anh Lê Trung Nuôi đã dùng bộc phá đánh nát khu ra-đa này, cắt đứt thông tin liên lạc của quân Mỹ tại Đà Nẵng với Hạm đội 7 ở ngoài Biển Đông.

Đêm 8-3-1968, Đại đội 2 tập kích vào đồn Túy Loan và cơ quan Hội đồng xã Hòa Hưng. Sau 15 phút chiến đấu, ta làm chủ trận địa, tiêu diệt hoàn toàn đồn Túy Loan trong đó có 1 trung đội Mỹ, 2 trung đội ngụy và toàn bộ ngụy quyền xã Hòa Hưng, thị trấn Túy Loan cùng bọn chiêu hồi chỉ điểm. Đây là trận đánh quyết chiến của Đại đội 2 có sự chỉ huy trực tiếp của Khu đội II giành thắng lợi lớn, ít thương vong.

Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực từ ngày 27-1-1973, tưởng chừng như hòa bình đã đến với quê hương Hòa Vang sau bao năm ngút ngàn khói lửa chiến tranh, nhưng kẻ thù vẫn ngoan cố dùng nhiều đơn vị lớn có xe tăng, pháo binh, không quân yểm trợ đồng loạt lấn chiếm tất cả các vùng giải phóng.

Vào ngày 28-1-1973, 1 tiểu đoàn lính ngụy tấn công vào An Tân, Dương Lâm, xã Hòa Hưng. Địch sử dụng tiểu đoàn 143 địa phương quân có máy bay yểm trợ tấn công vào 6 điểm chốt chặn của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm do Trung đội trưởng Nguyễn Thị Xuân Mai chỉ huy.

Ngay từ 5 giờ sáng, trên toàn tuyến đã diễn ra những trận đánh chống địch phản kích hết sức ác liệt. Trung đội Lê Thị Hồng Gấm đã chặn đánh hơn 20 lần phản kích của địch, tiêu diệt và làm bị thương gần 1 đại đội. Đến 17 giờ 45 phút, trung đội nữ chỉ còn lại 3 nữ cán bộ, chiến sĩ: Nguyễn Thị Xuân Mai, Ông Thị Nguyệt, Hồ Thị Vân, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh.

Trong khí thế ta đang thắng địch trên khắp chiến trường miền Nam, ngày 27-3-1975, Đại đội 2 phối hợp với du kích các xã tiến vào giải phóng Khu II, quận lỵ Hiếu Đức, thị trấn Túy Loan và các xã Hòa Châu, Hòa Thái, Hòa Thọ...

Đến 17 giờ 30 cùng ngày, hơn 3.000 tân binh của quân địch tại Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm đã tan rã và ra hàng quân giải phóng. Đến 8 giờ 10 ngày 28-3-1975, Đại đội 2 và lực lượng vũ trang Hòa Vang tiến công và tiếp quản quận lỵ Hòa Vang, Chi khu cảnh sát, nhà máy dệt Hòa Thọ. Toàn bộ mảnh đất Hòa Vang “đau thương mà anh dũng” đã được hoàn toàn giải phóng.

Những chiến công của Đại đội 2, Khu II Hòa Vang đã đạt được trong kháng chiến chống Mỹ là minh chứng về sự gan dạ, dũng cảm, không sợ hy sinh gian khổ của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ không tiếc máu xương chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Những trận đánh tiêu biểu của Đại đội 2 đánh dấu những cột mốc quan trọng trong lịch sử của lực lượng vũ trang huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng anh hùng.

Theo ông Hoàng Minh Nghiêm, Trưởng ban liên lạc Đại đội 2, Khu II Hòa Vang, khi mới thành lập Đại đội 2 có 180 người. Sau nhiều lần sáp nhập, bổ sung quân số, số quân của đại đội tăng thêm khá nhiều và có một trung đội nữ duy nhất mang tên Lê Thị Hồng Gấm.

Đến nay, Đại đội 2 có 250 người còn sống ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có khoảng 70% cựu binh của đại đội sống ở 11 xã thuộc Khu II ngày trước (những người gia nhập đại đội từ khoảng năm 1969-1975).

Nhưng chỉ còn 18 người còn sống thuộc đại đội từ những ngày mới thành lập; người cao tuổi nhất là 83, người nhỏ nhất cũng 67, đều đã lên chức ông, chức bà. Ông Nghiêm cũng vui mừng thông báo là hầu hết 250 cựu binh của Đại đội 2 sẽ về Hòa Vang gặp mặt trong ngày lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tổ chức vào ngày 25-8.

Từ 18-7-1961 đến 30-4-1975, Đại đội 2, Khu II Hòa Vang chiến đấu trên 300 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 700 tên Mỹ và chư hầu, hơn 300 lính ngụy; thu trên 400 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác; phá hủy 6 máy bay, 35 xe quân sự, đánh sập hoàn toàn 14 ấp chiến lược và khu dồn dân kiểu mẫu của Mỹ-ngụy.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại đội 2, Khu II Hòa Vang được tặng 3 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 1 (1968, 1968, 1972); 4 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 2 (1962, 1969, 1969, 1971) và nhiều bằng khen, giấy khen các loại...

Ngoài ra, còn có 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 1, 3 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 2 và 18 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 3.

Để tôn vinh và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 24-6-2018, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký Quyết định số 623/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 2, Khu II huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG
(Tổng hợp từ tư liệu do Ban Chỉ huy Quân sự
huyện Hòa Vang cung cấp)

;
.
.
.
.
.
.