Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị, Đà Nẵng đã để xảy ra một số sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Với tinh thần cầu thị, quyết liệt trong sửa sai, thành phố siết chặt việc quản lý theo hướng lành mạnh, minh bạch.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền của thành phố Đà Nẵng nghiêm túc sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình xây dựng, phát triển.
Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố quyết liệt khắc phục sai phạm trong quản lý đất đai. TRONG ẢNH: Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã đề xuất đền bù để thu hồi công trình nhà hàng và bến du thuyền của Công ty TNHH I.V.C. Ảnh: SƠN TRUNG |
Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) từ năm 2013 đã chỉ rõ sai phạm của Đà Nẵng trong việc giảm 10% tiền sử dụng đất cho các cá nhân và tổ chức. Ngoài ra, TTCP có kết luận việc định giá một số khu đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một số lô đất thương mại dịch vụ thành đất ở lâu dài là không đúng. Hiện thành phố đang nỗ lực khắc phục.
Tại kỳ họp lần thứ 7 HĐND thành phố khóa IX, ngày 12-7-2018, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, hoạt động quản lý Nhà nước ở địa phương đã dành nhiều thời gian để xử lý, khắc phục những sai phạm mà kết luận Thanh tra Chính phủ công bố năm 2013.
Đến nay, việc khắc phục những tồn tại mà Thanh tra Chính phủ nêu đã đạt được kết quả khả quan; vừa tổ chức thực hiện khắc phục sai phạm nhưng cũng chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước ở địa phương.
Ban Cán sự Đảng UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng phải truy cứu trách nhiệm các cá nhân - nhất là người đứng đầu các sở, ngành, địa phương liên quan một cách nghiêm khắc, không bao che, dung túng cho những hành vi sai trái.
Như vậy, với tinh thần sửa sai một cách quyết liệt, trật tự về quản lý đất đai, xây dựng tại thành phố Đà Nẵng đang được siết lại theo hướng lành mạnh, minh bạch. Nhiều nút thắt được tháo gỡ.
Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xây dựng Kế hoạch số 201-KH/BCS ngày 20-11-2017 về khắc phục những khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong Thông báo kết luận số 156-TB/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 558-TB/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chỉ đạo UBND thành phố tổ chức thực hiện.
UBND thành phố đã hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, trình Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thông qua; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng trong phân cấp quản lý, cấp phép xây dựng.
Trong quản lý đất đai, UBND thành phố thành lập các Ban giải phóng mặt bằng ở các quận, huyện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Về công tác quản lý đô thị - như thực hiện phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết về sử dụng đất các dự án, UBND thành phố tiếp tục bám sát ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 285-TB/TU ngày 13-12-2017, Nghị quyết số 112/NQ-HĐND, Nghị quyết số 141/NQ-HĐND của HĐND thành phố.
Kết quả: từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố phê duyệt 38 đồ án với diện tích 432.053m2. Đối với việc nhà đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm tiến độ so với dự án đầu tư, UBND thành phố đã thực hiện 2 đợt rà soát với 1.178 lô đất, đề xuất các biện pháp liên quan đến việc gia hạn thời gian sử dụng đất và chuyển nhượng dự án của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Việc xác định lại giá đất đối với 18 dự án, Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố đang tiến hành thẩm định, sẽ thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất đối với từng dự án. Về kiểm điểm các cá nhân liên quan đến những sai phạm tại các dự án sử dụng đất, hiện nay UBND thành phố đã yêu cầu các cá nhân liên quan thực hiện việc kiểm điểm và tiến hành thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, xử lý đối với các cá nhân có vi phạm.
Đối với việc thu hồi số tiền thất thu qua chủ trương miễn, giảm 5%, 10% theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tính đến nay, thành phố đã thu trên 574 tỷ đồng từ 30 tổ chức, cá nhân. UBND thành phố đang tiếp tục đề xuất các biện pháp, chế tài để truy thu số tiền đã giảm 5%, 10%.
Về điều chỉnh những Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho cơ sở sản xuất kinh doanh từ lâu dài xuống còn tối đa 50 năm và thu hồi số tiền 10%, 5% đã giảm cho người nộp tiền mua đất trong thời hạn 1-2 tháng, thực hiện kết luận của TTCP, UBND thành phố đã đưa ra giải pháp khắc phục.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, sở đã thực hiện điều chỉnh thời hạn sử dụng đất từ lâu dài xuống 50 năm được 94 trường hợp, trong đó 59 tổ chức và 35 cá nhân, hộ gia đình.
Sở TN&MT tiếp tục thông báo đến người sử dụng đất, giải thích sai sót, thực hiện điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thông qua đăng ký nội dung điều chỉnh trên GCNQSDĐ đã cấp (không phải thu hồi GCNQSDĐ), hồ sơ địa chính cho phù hợp với quy định.
Đồng thời, Sở TN&MT cũng phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan thực hiện thu hồi ngân sách số tiền đã giảm 5%, 10% tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư trước khi thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định.
Để gỡ vướng mắc này, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo và đề xuất Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo để tạo điều kiện cho thành phố giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện kết luận của TTCP, qua đó góp phần cho Đà Nẵng thu hút đầu tư, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
Cụ thể, với trường hợp GCNQSDĐ đã cấp có thời hạn sử dụng lâu dài với mục đích đất cơ sở sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng đất đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất và đã thực hiện đăng ký biến động về đất đai do chuyển quyền và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật thì không phải thực hiện thu hồi hoặc điều chỉnh.
Đối với trường hợp đã giảm 10% tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư để thực hiện dự án theo kết luận TTCP thì tiếp tục truy thu số tiền này đối với nhà đầu tư để nộp ngân sách. Trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất thì cho phép không thực hiện truy thu 10% tiền sử dụng đất đã giảm đối với người đã nhận chuyển quyền sử dụng đất (do trường hợp này không thuộc đối tượng truy thu 10%).
Trong việc thực hiện phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết về sử dụng đất các dự án, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố bám sát ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố.
Việc triển khai thực hiện công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc xây dựng theo đúng quy hoạch và các quy định hiện hành. Thành phố cũng xác định đội ngũ nhân lực yếu kém, thiếu chuyên môn là nguyên nhân quan trọng để xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng. Theo đó, tiến hành sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại cấp cơ sở và đội quy tắc đô thị cấp cơ sở.
Thường trực Thành ủy ban hành Thông báo số 245-TB/TU ngày 27-9-2017, trong đó có nội dung thống nhất hủy chủ trương về việc áp dụng giá thuê đất đối với dự án nhà hàng và bến du thuyền tại khu vực phía nam cảng Sông Hàn của Công ty TNHH I.V.C (tại điểm 5, mục 4, Thông báo kết luận số 55-TB/TU ngày 4-3-2016 của Thường trực Thành ủy); đồng thời giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng rà soát, tiến hành các thủ tục liên quan đến việc thuê đất đối với dự án nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, với lý do chỉ hủy 1 chủ trương trong Thông báo số 55-TB/TU chứ không phải thu hồi Thông báo số 55-TB/TU với tất cả các nội dung trong đó.
Thường trực Thành ủy đã ban hành Thông báo số 360-TB/TU ngày 14-4-2018 thống nhất hủy chủ trương cho triển khai đồng thời quyết định chủ trương đầu tư và đánh giá tác động môi trường đối với dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (tại điểm 1, mục 2, Thông báo kết luận số 176-TB/TU ngày 11-02-2017 của Thường trực Thành ủy); đồng thời giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, triển khai các thủ tục theo quy định, với lý do chỉ hủy 1 chủ trương trong Thông báo số 176-TB/TU chứ không phải thu hồi Thông báo số 176-TB/TU với tất cả các nội dung trong đó.
Về kiểm điểm các cá nhân liên quan đến những sai phạm tại các dự án sử dụng đất, hiện nay UBND thành phố đã yêu cầu các cá nhân liên quan thực hiện việc kiểm điểm và tiến hành thành lập Hội đồng kỷ luật xem xét, xử lý đối với các cá nhân có vi phạm.
Có thể nói, sau những bài học quý báu được rút ra từ quá trình khắc phục vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, thành phố Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để công tác này hiệu quả, minh bạch hơn, tránh xảy ra vi phạm, tiêu cực.
Thực tế, các số liệu thống kê từ đầu năm 2018 đến nay cho thấy tình trạng vi phạm trật tự xây dựng có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, số lượng các công trình vi phạm đã giảm so với thời gian trước. Hiện nay, quá trình khắc phục sai phạm tại các dự án liên quan tới quản lý đất đai, trật tự xây dựng vẫn đang được thành phố chủ động triển khai quyết liệt.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG - SƠN TRUNG