Từ ngày 20-10, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) chính thức có hiệu lực.
Đây là hành lang pháp lý thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013, trong đó, mức xử phạt cảnh cáo trước đây được thay bằng hình thức xử phạt hành chính, có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Đặc biệt, việc kinh doanh thực phẩm đường phố sẽ được siết chặt, trong đó những “thói quen” tưởng nhỏ nhặt của người buôn bán có thể bị phạt tiền triệu.
Lực lượng chức năng lấy mẫu ớt bột tại các chợ trên địa bàn thành phố để kiểm tra việc sử dụng các loại chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Ảnh: PHAN CHUNG |
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý (BQL) ATTP thành phố cho biết:
- Nghị định 115 gồm 4 chương, 39 điều, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP với nhiều điểm đáng chú ý. Trước đây, dù Chính phủ đã quy định có thể phạt hành chính vi phạm về ATTP, song mức xử phạt khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, ở xã, phường, thị trấn, đa số sai phạm về ATTP chỉ bị nhắc nhở, cảnh cáo.
Để tăng tính răn đe, Nghị định 115 nêu rõ tất cả quy định về mức xử phạt hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả. Một điều đáng quan tâm ở Nghị định 115 đó là cho các cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm khẳng định chất lượng, thể hiện vai trò của mình đối với xã hội, còn cơ quan chức năng chỉ đóng vai trò hậu kiểm.
Cụ thể, Điều 38 Nghị định 115 quy định về hậu kiểm nhằm phù hợp với phương thức quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm (quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP) nhấn mạnh doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải tự chịu trách nhiệm về sản phẩm mình cung cấp; doanh nghiệp tự công bố sản phẩm về chỉ tiêu ATTP.
Nhưng nếu doanh nghiệp tự công bố không đúng thì bị xử phạt nặng và bị thu hồi toàn bộ sản phẩm tự công bố sai, cơ quan quản lý Nhà nước có quyền yêu cầu dừng sản xuất.
* Nghị định 115 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP tăng cao hơn so với hiện nay, cụ thể tăng như thế nào, thưa ông?
- Điểm mới của Nghị định 115 quy định chỉ một hình thức xử phạt chính là phạt tiền, bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo. Mức xử phạt được quy định tại Nghị định 115 cũng cao hơn so với nghị định cũ gấp 2 - 3 lần, có hành vi tăng gấp 10 lần.
Ví dụ, trước đây hành vi bơm tạp chất vào tôm nếu bị phát hiện sẽ xử phạt 100.000 – 300.000 đồng (theo Nghị định 178), nhưng từ ngày 20-10, hành vi này bị phạt 1-3 triệu đồng, tức tăng gấp 10 lần.
Bên cạnh đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về ATTP trước đây là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức thì đến nay mức phạt này tăng gấp đôi. Thêm một điểm đặc biệt nữa, Nghị định 115 quy định 7 hành vi xử phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm (gấp 7 lần giá trị hàng hóa), không giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa nêu trên. Đồng thời, một cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc các hành vi vi phạm.
Do đó, một cơ sở vi phạm ATTP có thể bị phạt hành chính tối đa hàng tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại mức tối đa 200 triệu đồng. Đơn cử, một doanh nghiệp có tổng số hàng hóa vi phạm trị giá 400 triệu đồng, thì mức tiền phạt có thể tăng gấp 7 lần giá trị lô hàng, tương đương 2,8 tỷ đồng.
Từ ngày 20-10, các hành vi vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sẽ bị phạt nặng. Trong ảnh: Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 6 tấn thịt không rõ nguồn gốc tại địa phận huyện Hòa Vang. |
* Ngoài mức phạt tiền, Nghị định 115 còn có các hình phạt bổ sung, cụ thể ra sao?
- Nghị định 115 bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi che giấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố ATTP hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về ATTP (mức phạt tiền 10-20 triệu đồng).
Ngoài ra, Nghị định 115 cũng bổ sung các hình phạt như tước giấy sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm…
Đối với các cơ quan Nhà nước, quy định trách nhiệm tổ chức việc thực hiện hậu kiểm về ATTP thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP của các bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý theo quy định.
* Vậy theo ông, đối chiếu với thực tế hiện nay thì loại hình kinh doanh thực phẩm nào dễ vi phạm các quy định được nêu trong Nghị định 115?
- Đó chính là loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, vỉa hè. Thức ăn đường phố vốn đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là cư dân thành thị. Những bữa ăn nhanh, gọn, rẻ luôn là lựa chọn hàng đầu của hầu hết người dân lao động, sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp, trung bình...
Tuy nhiên, Điều 9, Mục 2 của Nghị định 115 về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm có nêu rất rõ các hành vi vi phạm với mức phạt tăng nặng so với trước.
Cụ thể, phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; có đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Thậm chí, hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm chín, thức ăn ngay sẽ bị phạt 500.000 – 1 triệu đồng.
* Việc tăng mức xử phạt vi phạm về ATTP có thể dẫn đến tăng nguy cơ tiêu cực đối với lực lượng chức năng khi họ làm ngơ, dung túng hoặc tiếp tay cho các sai phạm. Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, BQL ATTP thành phố có lường trước vấn đề này?
- Công tác quản lý Nhà nước về ATTP hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi lực lượng chuyên trách quá mỏng, còn lực tuyến quận, huyện, phường, xã chủ yếu kiêm nhiệm.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND ngày 28-9-2018 quy định phân công, phân cấp và phối hợp quản lý ATTP trên địa bàn thành phố, trong đó giao UBND các phường, xã quản lý loại hình thức ăn đường phố.
Tuy nhiên, là cơ quan trực tiếp thay UBND thành phố làm công tác quản lý ATTP, chúng tôi cũng không thể “khoán” hết cho lực lượng phường, xã, đặt biệt trong bối cảnh hiện nay, khi Nghị định 115 siết chặt các quy định về ATTP. Để tránh tình trạng cán bộ có biểu hiện tiêu cực, chúng tôi đã bố trí cán bộ của BQL ATTP thành phố đứng điểm tại các địa phương; thành lập các đội phụ trách tuyến quận, huyện.
Hằng tháng sẽ có sự luân chuyển cán bộ đứng điểm, đội phụ trách sang địa bàn mới để tạo công bằng, khách quan trong kiểm tra, giám sát. Lực lượng này sẽ tổ chức đánh giá, kiểm tra ATTP tại địa phương, sau đó báo cáo bằng văn bản về BQL ATTP thành phố để có biện pháp xử lý, khắc phục; đồng thời có nhiệm vụ bàn giao hồ sơ công việc cụ thể cho các cán bộ, đội chuẩn bị tiếp quản.
Những quy định này nhằm tạo sự khách quan, đồng nhất từ trên xuống dưới, tránh tình trạng bao che, tiêu cực trong quản lý ATTP. Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm của lực lượng chức năng, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định, bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
* Xin cảm ơn ông!
Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang: Ủng hộ việc phạt nặng hành vi vi phạm Mức xử phạt vi phạm ATTP trước đây còn nhẹ nên đã xảy ra tình trạng người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phớt lờ các quy định của pháp luật, thậm chí chấp nhận bị xử phạt để thu lợi nhuận lớn hơn. Thực trạng này gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng và nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tăng mức xử phạt để tạo tính răn đe, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, mới bước đầu áp dụng quy định mới, chắc chắn sẽ gặp vấn đề phát sinh ngoài ý muốn. Chính vì thế, vai trò của chính quyền, các cơ quan phối hợp hết sức cần thiết trong việc tuyên truyền, thực thi cũng như tiếp nhận ý kiến phản hồi từ nhiều phía để Nghị định 115 được đi vào cuộc sống một cách nghiêm minh, hiệu quả. Ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1, quận Hải Châu: Cần có lộ trình Tôi tin mức xử phạt đối với hành vi vi phạm ATTP thức ăn đường phố được quy định tại Nghị định 115 hoàn toàn đủ sức răn đe đối với người kinh doanh loại hình này. Tuy nhiên, việc triển khai cần có lộ trình. Người kinh doanh thức ăn đường phố chủ yếu có thu nhập thấp, mặt bằng kinh doanh không ổn định, giá trị mặt hàng kinh doanh thấp, có khi chưa tới 1 triệu đồng. Mức xử phạt lên đến 3 triệu đồng đối với hành vi vi phạm là rất cao nên dễ gây “sốc”, thậm chí gây phản ứng tiêu cực và nhìn rộng ra là ảnh hưởng đến sinh kế của cả gia đình họ. Để thực hiện luật hiệu quả, tôi nghĩ cần có lộ trình. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nên nhắc nhở đối với hành vi vi phạm lần đầu, tiếp đến là cảnh cáo rồi mới ban hành quyết định xử phạt nếu vẫn tiếp diễn. Lộ trình như vậy không những bảo đảm tính nhân văn trong thực thi pháp luật mà hiệu quả, tính răn đe cũng tăng lên. Bà Nguyễn Thị Cảnh (người kinh doanh vỉa hè tại đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê): Sẽ tập thay đổi thói quen Những quy định như phải cắt móng tay, đeo găng tay khi bán đồ ăn chính là thay đổi thói quen trong buôn bán lâu nay chứ chúng tôi không hề nghĩ đó là hành vi vi phạm. Chúng tôi sẽ cố thay đổi, nhưng cần phải có thời gian. Về phía cơ quan Nhà nước, tôi đề nghị, nếu ban hành quy định thì nên triển khai đồng bộ, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cả người kinh doanh và người tiêu dùng được biết; bởi hiện nay có những hành vi gây mất ATTP xuất phát từ thói quen của người kinh doanh lẫn sự dễ dãi chấp nhận của người tiêu dùng. |
PHAN CHUNG thực hiện