Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) cũng như luật hiện hành chưa có quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá. Việc thử thách đối với người được đặc xá là cần thiết, đảm bảo tính răn đe, giáo dục của pháp luật.
Sáng ngày 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Xác định rõ như thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước?
Về thời điểm đặc xá, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn. |
Nhấn mạnh đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Quý (Hưng Yên) đồng tình về 3 thời điểm đặc xá được quy định như trong dự thảo Luật.
Chỉ rõ trong Bộ luật Hình sự đã có chế tài tha tù trước thời hạn có điều kiện nên để tránh trùng lặp với chế định này, ĐB Trần Văn Quý cho rằng việc không quy định cụ thể về thời điểm đặc xá, không quy định tần suất thực hiện đặc xá là hợp lý. “Để quyền này do Chủ tịch nước quyết định tùy theo tình hình đất nước cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung”, ĐB Quý nói.
Tuy nhiên, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, nên xác định thời điểm đặc xá một cách cụ thể. “Nên chọn vào 3 thời điểm mà gắn với 3 sự kiện lớn lao của dân tộc, của Đảng và Nhà nước, đó là Quốc khánh 2-9, ngày Tết Nguyên Đán, ngày 30-4 ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Về tần suất đặc xá, ĐB Vũ Trọng Kim cho hay: Rút kinh nghiệm trong 10 năm vừa qua tần suất hơi dày, 1 năm rưỡi tổ chức một lần. Nếu không quy định cụ thể 3 đến 5 năm tiến hành một lần dễ sinh ra chuyện du di tùy tiện, không tốt cho công tác đặc xá.
Để đảm bảo tính minh bạch trong việc áp dụng pháp luật, tránh tình trạng áp dụng tùy nghi, ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ ban hành những văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định những sự kiện được xem là sự kiện trọng đại của đất nước làm cơ sở cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá.
“Việc xác định rõ nội dung này sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất khi áp dụng chế định đặc xá đối với người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù”, ĐB nói.
Nới điều kiện xét đặc xá với người nghèo
Điều kiện về thực hiện nghĩa vụ bồi thường và các nghĩa vụ dân sự khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không quy định điều kiện phải thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác để tạo điều kiện cho người chấp hành án là người nghèo, chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì vẫn được xét đặc xá.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, quy định như dự thảo Luật của Chính phủ trình sẽ dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, đáp ứng nhiều điều kiện luật định... nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự (mà không phải do họ cố tình chây ì, không tự nguyện chấp hành án) thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội và giảm đi ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật bổ sung quy định: Đối với trường hợp người bị kết án về tội phạm khác không phải là tội phạm tham nhũng mà đã chấp hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì vẫn được xét đặc xá nếu có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác còn lại đó theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Về vấn đề này, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) đặt vấn đề: Dự thảo luật quy định điều kiện phải chấp hành xong án phí, các khoản tiền phạt mới được xem xét đặc xá là chưa hoàn toàn đúng với bản chất đặc xá là chính sách khoan hồng của nhà nước đối với người phạm tội.
Theo ĐB Mão, tại thời điểm xét đặc xá, những trường hợp quá nghèo, không đủ tiền để nộp phạt có cải tạo tốt hoặc công lớn cần đề xuất lên Chủ tịch nước quyết định. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về vấn đề này để tránh tạo dư luận hiểu sai về chính sách khoan hồng của nhà nước.
ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chỉ rõ: Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) cũng như luật hiện hành chưa có quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá. Việc thử thách đối với người được đặc xá là cần thiết, đảm bảo tính răn đe, giáo dục của pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá và các nghĩa vụ của người được đặc xá trong thời gian thử thách, chế tài xử lý trong trường hợp họ vi phạm nghĩa vụ tương ứng với quy định với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để bảo đảm phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam