Chính trị - Xã hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: 'Tài sản bất minh là phải xử lý triệt để'
Sáng 26-11, tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri, nhân dân phường An Phú, quận Ninh Kiều, sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã báo cáo tóm tắt tới cử tri và nhân dân về kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 6, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã thông tin những điểm mới, cũng như một số nội dung chủ yếu của 9 luật mà Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Làm rõ một số nội dung về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã đưa ra một số phương án, xem xét về quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; nhận định đây là vấn đề mới, phức tạp. Nguyên tắc khi đưa vào luật phải thật rõ, “đủ độ chín”, đạt được sự đồng thuận cao. Do đó, các phương án đưa ra không đạt số phiếu theo yêu cầu, từ đó Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng nội dung này trước khi đưa vào luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các cử tri. Ảnh: Trọng Đức/ TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, “tài sản bất minh là phải xử lý, xử lý triệt để”. Hệ thống pháp luật có đầy đủ những quy định, công cụ để xử lý vấn đề này. Quan điểm rõ ràng và nhất quán của Đảng và Nhà nước là phải xử lý hành vi tham nhũng, đồng thời có nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh quan điểm, cán bộ, đảng viên kê khai thiếu trung thực sẽ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, Nhà nước, sẽ bị xóa tên nếu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân…
Việc Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội đã xem xét thận trọng, trên tinh thần xây dựng tổ chức bộ máy Bộ Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường cho cơ sở theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” - đây là quan điểm xuyên suốt.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri phường An Phú bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào hoạt động Quốc hội nói chung, cho rằng tại Kỳ họp thứ 6, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng lên, hoạt động lập pháp có nhiều tiến bộ. Có 11 ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương nêu các vấn đề về: Công tác phòng, chống tham nhũng, bảo hiểm y tế, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác đào tạo và đầu ra cho sinh viên đại học, vấn đề giáo dục, môi trường, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Sau khi lắng nghe các ý kiến cử tri, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, lãnh đạo quận Ninh Kiều, các đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp thu và lần lượt giải đáp về các vấn đề liên quan trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân tại địa phương; khẳng định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xử lý từng vụ việc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, lãnh đạo thành phố Cần Thơ, quận Ninh Kiều, đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã nắm chắc vấn đề, có những giải đáp rõ đối với các ý kiến cử tri, nhân dân trên địa bàn; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ ghi nhận các ý kiến, tiếp tục xem xét, giải quyết từng vụ việc mà nhân dân, cử tri đã nêu theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các cử tri phường An Phú, Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trọng Đức/ TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với ý kiến cử tri cho rằng, mặc dù là vựa lúa nhưng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tại thành phố Cần Thơ nói riêng vẫn còn một bộ phận hộ nghèo. Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, hiện nay, miền núi phía Bắc vẫn là vùng có nhiều khó khăn nhất cả nước. Đối với những vùng khó khăn, hộ nghèo, Nhà nước đã có chủ trương và từng địa phương đều có những giải pháp đặc thù. Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện an sinh xã hội, bằng chính sách, Nhà nước có hai Chương trình mục tiêu Quốc gia, đó là Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016- 2020 với những ưu tiên nguồn lực tập trung cho vùng lõi nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững một cách hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao ý kiến của cử tri phường An Phú cho rằng, trong đóng bảo hiểm y tế, đối với những người đã tham gia đóng bảo hiểm y tế 5-7 năm nhưng không bị ốm đau để phải đến bệnh viện thì nên có chính sách cho người đó khám sức khỏe tổng quát. Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi sửa đổi Luật bảo hiểm y tế sẽ xem xét ý kiến này.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Cần Thơ, đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã giải đáp ý kiến cử tri liên quan đến công tác giáo dục hiện nay; trong đó nêu những điểm mới của Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) và dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng trên tinh thần phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, cùng với việc đầu tư cho trường công lập, nhà nước cũng khuyến khích xã hội hóa ngoài trường công lập và ngày càng đưa hoạt động của trường nghề vào quy củ, theo đúng tiêu chuẩn; các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề có sự kết hợp theo xu hướng nâng cao chất lượng...
Theo TTXVN