Sáng 6-11, Thường trực HĐND thành phố tổ chức chương trình “HĐND với cử tri lần thứ 4” dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung. Tham dự chương trình có Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, cùng đại diện các sở, ban ngành của thành phố.
Báo cáo tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, trong 75 vấn đề cử tri phán ánh thì đến thời điểm này thành phố đã giải quyết được 47 vấn đề; còn lại tồn đọng 28 vấn đề đang tiếp tục thực hiện.
Cử tri quận Ngũ Hành Sơn bức xúc vì cống xả nước mưa ra bãi biển du lịch gây ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Cống xả nước mưa bị ô nhiễm chảy ra bãi biển thuộc phường Mỹ An. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
“Khoanh vùng” 300 đối tượng chuyên cho vay nặng lãi
Theo ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế - HĐND thành phố, qua công tác giám sát cho thấy, tình hình tội phạm ma túy, tình trạng băng nhóm đòi nợ thuê ngày càng xuất hiện nhiều, gây mất an ninh trật tự, bất an cho người dân thành phố.
Còn theo cử tri Hà Quốc Lân (quận Sơn Trà), vấn đề kiểm soát an toàn giao thông (ATGT) trên trục đường Ngô Quyền, Yết Kiêu dù đã có nhiều giải pháp căn cơ nhưng ý thức chấp hành của lái xe còn quá kém. Thành phố cấm bốc hàng ban ngày thì ban đêm xe container tranh nhau chạy, lúc nào cũng dàn hàng hai, hàng ba tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Liên quan đến tình trạng tín dụng đen, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố cho biết: Lực lượng Công an thành phố đã phát hiện trên địa bàn có gần 300 đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và đòi nợ thuê.
Do nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp rất lớn, đối tượng này đánh trúng tâm lý thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn nên hoạt động này ngày càng bành trướng. Trên cả nước có hơn 7.000 vụ hình sự liên quan loại hình này.
Những việc này diễn ra âm thầm nên biện pháp phòng ngừa rất khó khăn. Hiện Công an thành phố đã lập được danh sách 262 đối tượng câu kết với các đối tượng tỉnh khác chuyên cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Công an thành phố cũng đã nắm được 13 đơn vị núp bóng doanh nghiệp (DN) có biểu hiện cho vay nặng lãi và đã phân công lực lượng giám sát chặt.
Đề cập giải pháp bảo đảm ATGT trên tuyến đường Yết Kiêu, Ngô Quyền, Thiếu tướng Viên cho rằng, những năm gần đây, hàng hóa ở cảng Tiên Sa tăng rất nhanh kéo theo sự gia tăng lượng xe container. Trên tuyến đã xảy ra nhiều vụ TNGT đáng tiếc.
Thiếu tướng Viên cho biết, sẽ tăng cường lực lượng tuần tra khép kín và kéo dài thời gian tuần tra trên các tuyến đường; đồng thời, triển khai lắp đặt camera giám sát để phạt nguội, kiểm soát chặt chẽ hơn.
Doanh nghiệp khổ vì “giấy phép con”
9 tháng đầu năm 2018, Đà Nẵng có hơn 5.000 DN thành lập mới, thu hút 106 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD và đang xúc tiến 23 dự án với tổng vốn 520 triệu USD... Tuy vậy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Trần Chí Cường cho rằng, kết quả mang lại từ “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” chưa cao, nhiều nội dung công việc vẫn chưa được tháo gỡ.
Trong đó, việc rà soát, công bố quy hoạch quỹ đất để kêu gọi đầu tư, xem xét đưa ra giá thuê đất tham khảo để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tính toán chi phí còn chậm. Giá cho thuê đất tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng chưa được xác định để áp dụng cho DN mà chỉ thực hiện tạm tính, gây khó khăn cho DN trong việc lập hồ sơ đầu tư dự án.
“Hiện nay, chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ DN nhưng được thực hiện ở các sở khác nhau, dẫn đến phân tán, nguồn lực hạn chế, mức hỗ trợ không nhiều, hiệu quả mang lại không cao”, ông Trần Chí Cường đánh giá.
Từ đó, ông Cường đề xuất UBND thành phố nghiên cứu kỹ, chọn lọc một số lĩnh vực ưu tiên; trong mỗi lĩnh vực ưu tiên nên chọn lọc DN đủ tiềm năng phát triển để hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, bứt phá tốt hơn.
Về các vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đặt câu hỏi: “Thành phố đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhưng DN có tiếp cận được không?”; đồng thời, đề nghị UBND thành phố rà soát lại chính sách hỗ trợ nào hiệu quả, không hiệu quả và chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp.
Trong khi đó, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Phan Thanh Long cho biết, việc công khai, minh bạch thông tin về đất đai dành cho DN trong thời gian qua chưa cao; nhà đầy tư chưa thể tiếp cận thông tin về tình hình sử dụng đất, quỹ đất trống của các KCN.
Theo Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng Huỳnh Khánh Vân, hiện nay, nhiều DN sản xuất, nhất là các DN sản xuất công nghiệp đang lo lắng về tính ổn định mặt bằng sản xuất kinh doanh. Công tác quản lý quy hoạch bất cập nên có tình trạng khu dân cư, nhà ở của người dân tịnh tiến sát chân nhà máy, KCN.
Cùng với đó, việc lúng túng, chậm trễ trong xử lý vấn đề này đã ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh của thành phố cũng như bảo đảm môi trường sống của người dân. Từ đó, bà Vân đề nghị UBND thành phố có giải pháp nhằm giải quyết căn cơ, thỏa đáng.
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến chia sẻ, mặc dù thành phố đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn tồn tại bất cập.
“Hiện nay, có thực trạng các sở, ngành đẻ ra nhiều “giấy phép con” gây khó khăn cho DN. Các DN phản ánh có những loại giấy phép không có trong quy định của pháp luật”, ông Tiến nói. Bên cạnh đó, ông Tiến cũng nêu một vài trường hợp DN liên hệ thực hiện thủ tục hành chính phải đi lòng vòng từ sở này qua sở nọ, rồi từ sở xuống quận do không tập trung đầu mối xử lý.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, trở ngại lớn về thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố hiện nay là chưa hoàn chỉnh về mặt quy hoạch tập trung, quy hoạch phân khu.
Thành phố đang xúc tiến hợp tác với một đơn vị nước ngoài để triển khai điều chỉnh quy hoạch chung và đang trong giai đoạn xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhà đầu tư lập dự án điều chỉnh quy hoạch chung.
Chủ tịch thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung xử lý rốt ráo các vướng mắc mà DN đã nêu. Trong thời gian đến, UBND thành phố sẽ thực hiện rà soát các lô đất trống và công khai để nhà đầu tư lựa chọn, đăng ký; thiết lập lại cơ chế một cửa...
Cử tri Nguyễn Được ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn phản ánh tình trạng ngập nước ở khu dân cư An Thượng. Ảnh: SƠN TRUNG |
Bức xúc ô nhiễm môi trường kéo dài
Theo ông Nguyễn Thành Tiến, tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm. Trong đó, tập trung chủ yếu là ở bãi rác Khánh Sơn, Âu thuyền Thọ Quang, Nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc; tình trạng xả nước thải trực tiếp ra biển.
Ngoài ra, công tác thu gom rác trên địa bàn thời gian gần đây chưa đồng bộ, dẫn đến ô nhiễm cục bộ, gây bức xúc với cử tri.
“Hiện nay, công tác thu gom rác của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng quay về thời gõ kẻng thu gom rác thủ công như trước. Do vậy, thành phố phải có kế hoạch và công bố cho dân biết việc xử lý những “điểm nóng” về môi trường. Đề nghị thành phố cuối năm 2018 phải chốt phương án về địa điểm và kế hoạch đầu tư Khu liên hiệp xử lý rác thải”, ông Tiến nói.
Liên quan đến tình trạng ÔNMT tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang, cử tri Hà Phước Long (quận Sơn Trà) cho rằng, vấn đề ÔNMT ở Khu cảng cá âu thuyền Thọ Quang đã nói rất nhiều và giải pháp xử lý ô nhiễm đưa ra cũng nhiều, thế nhưng đến giờ người dân vẫn phải chịu cảnh hôi thối, bốc mùi.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, trung bình mỗi năm thành phố chi 400 triệu xử lý ÔNMT tại Âu thuyền Thọ Quang nhưng vẫn không xử lý được. “Hiện chúng ta nuôi cả bộ máy, bỏ tiền ngân sách ra làm nhưng vẫn ÔNMT thì phải xem lại”.
Đề cập tình trạng ngập nước ba lần từ đầu mùa mưa năm nay tại khu dân cư An Thượng, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), cử tri Nguyễn Được (quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, nguyên nhân là do cống xả thải không đẩy nước mưa ra được. Vì vậy, nhà ngập sâu nhất lên đến 50cm, nhà ít thì ngập 20 cm.
Trả lời việc xử lý ÔNMT tại một số “điểm nóng”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng thông tin, tại bãi rác Khánh Sơn đã được lắp đặt 2 camera để giám sát trực tiếp; đồng thời thu hẹp diện tích chôn lấp dưới 2.000m2 như cam kết.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch vị trí để chôn lấp chất thải công nghiệp cũng như bùn bể phốt phía tây bãi rác đã được thực hiện. Vừa qua, Trạm xử lý nước rỉ rác với công suất 750m3 đã đưa vào vận hành thử nghiệm. Kết quả quan trắc nguồn nước thải sau khi xử lý vào ngày 5-11 cho thấy rất tốt, cải thiện nhiều so với kết quả trước đó mà Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng bị xử phạt 1,2 tỷ đồng.
Sở đang tiếp tục đo khảo sát để xác định diện tích phủ bạt hố chôn rác để hạn chế nước rỉ rác; đồng thời, cuối năm 2018 sẽ trình HĐND thành phố thông qua nghị quyết về thu gom rác sinh hoạt, trong đó có đề án phân loại rác sinh hoạt.
Đối với vấn đề xử lý nước thải tại các cửa xả ven biển, ông Hùng cho hay, thành phố đang có 3 dự án cải thiện xử lý nước thải ven biển. Trước mắt, dự án 1.400 tỷ đồng đang thực hiện các thủ tục, ngoài ra, có 2 dự án khác từ dự án nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Những dự án này sẽ được hoàn thành trong năm 2019 và 2020, chắc chắn sẽ xử lý tốt tình trạng ô nhiễm nguồn nước do các cửa xả ven biển thải ra. “Hiện nay, có hơn 1.200 cơ sở kinh doanh nhưng chỉ hơn 200 cơ sở có giấy phép được đấu nối vào hệ thống xả thải chung của thành phố. Do đó, các nhà đầu tư cần xem đây là trách nhiệm của mình. Thành phố cũng cần tăng cường nạo vét để khơi thông, tăng diện tích”, ông Hùng thông tin thêm.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định, UBND thành phố đang tập trung mọi nguồn lực để xử lý rốt ráo các điểm nóng ÔNMT.
Cụ thể: dự án cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà (đoạn từ bán đảo Sơn Trà đến đường Phạm Văn Đồng) dự kiến khởi công vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2020, dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn cũng đang hoàn chỉnh báo cáo khả thi để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Trước khi các giải pháp dài hạn đi vào hoạt động, UBND thành phố cũng triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn nhằm giải quyết nghiêm ngặt vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ mong muốn người dân thành phố cùng chung tay trong việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn để việc xử lý rác thải được hiệu quả, tránh lãng phí.
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị UBND thành phố, các ngành, địa phương tiếp thu ý kiến của các thành viên Thường trực HĐND, các tổ chức, cá nhân có liên quan; tập trung triển khai những giải pháp cụ thể, nhất là việc phân công, phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để hoàn thành đúng tiến độ các nội dung kết luận của Thường trực HĐND thành phố và kiến nghị của cử tri.
Trong đó, chú trọng giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, bức xúc kéo dài và báo cáo tại kỳ họp cuối năm; có giải trình cụ thể đối với các nhóm vấn đề: tăng cường bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông; tiếp tục thực hiện hiệu quả “Năm văn hóa văn minh đô thị”; đẩy mạnh giải tỏa đền bù và giải ngân theo tiến độ; xử lý ÔNMT tại khu vực cửa xả ven biển, các khu dân cư do ảnh hưởng KCN Liên Chiểu, bãi rác Khánh Sơn…
Liên quan đến 2 Nhà máy thép Dana – Ý và Dana – Úc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho hay, một số vi phạm của 2 nhà máy đã được xử lý, xử phạt; sai phạm của UBND thành phố, các cơ quan tham mưu thời kỳ trước trong việc cấp phép không đúng cũng sẽ được xử lý theo quy định. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố và các cơ quan cấp cao hơn cần nghiên cứu, giải quyết rốt ráo việc này. |
TRỌNG HÙNG – TRÂM ANH