Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Phạm Văn Chiến (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ thông tin về nguyên nhân xảy ra tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian qua tại Đà Nẵng và chia sẻ nhận định xu thế, tình hình thời tiết, nguồn nước ở thượng lưu và hạ du sông Vu Gia trong cuối mùa lũ năm nay.
Ông Phạm Văn Chiến nhận định, trong mùa khô của năm 2019, thành phố có khả năng gặp khó khăn về nguồn nước.
* Thưa ông, nguyên nhân nào gây ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn trong thời gian qua?
- Tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, từ khi bước vào mùa mưa (tháng 9) đến nay, có sự khác thường so với mọi năm.
Lượng mưa ít, dòng chảy trên các sông cũng rất ít và hầu như không xuất hiện các đợt mưa lớn trên diện rộng nào trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, ngoại trừ đợt mưa lớn trên diện rộng đang và sắp diễn ra.
Tính từ tháng 9 đến nay, lượng mưa trên lưu vực của hệ thống sông này chỉ đạt 40% so với trung bình nhiều năm. Đây là sự khác biệt lớn so quy luật với mọi năm.
Mưa không có, dòng chảy các sông tiếp tục suy giảm. Đặc biệt, dòng chảy trên sông Vu Gia từ tháng 9 đến nay chỉ tương đương với dòng chảy giữa mùa khô (mùa kiệt), thậm chí có những thời điểm chỉ duy trì bằng hoặc thấp hơn cuối mùa khô.
Điều này làm gia tăng xâm nhập mặn, độ mặn hạ lưu tăng lên, nhất là sông Cầu Đỏ, dẫn đến khó khăn trong khai thác nước sinh hoạt. Hiện nay mưa thì ít mà mực nước của các hồ chứa thì cạn dần, nhiều hồ còn dưới mực nước chết như: Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, còn hồ A Vương thì xấp xỉ mực nước chết. Mực nước các hồ thủy điện thấp gây khó khăn trong việc xả nước về hạ du.
Đà Nẵng đề nghị tỉnh Quảng Nam chỉnh trị, đắp thêm bao cát tại đập điều tiết ở cửa sông Quảng Huế để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Ảnh: H. Hiệp |
* Hiện đang xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng được dự báo có xuất hiện lũ nhỏ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Ông có thể nhận định lượng mưa và tình hình nguồn nước sau đợt mưa lớn này và đầu mùa khô?
- Đợt mưa lớn này có thể giảm bớt tình trạng khô hạn và bổ sung nguồn nước cho các sông. Tháng 12-2018 là tháng cuối của mùa mưa nên lượng mưa thấp hơn tháng 11. Có thể trong tháng 12 sẽ xảy ra 1-2 đợt mưa với lượng mưa kha khá, bổ sung nguồn nước cho các sông và tích nước trong hồ chứa (hồ thủy lợi, hồ thủy điện), giải quyết một phần nào khó khăn về nguồn nước.
Tuy nhiên, theo nhận định chung của chúng tôi, về dài hạn, chưa có gì khác biệt so với các nhận định trước đây. Theo đó, về xu thế chung, tổng lượng mưa trong tháng của tháng 11, 12 năm 2018 và tháng 1, 2 năm 2019 có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm.
Nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn trong mùa khô trong năm 2019. Đặc biệt, các hồ chứa không tích được nước thì rất khó khăn trong việc cung cấp nước đến tháng 9-2019. Mặt khác, khi ít mưa, mực nước ngầm không có nhiều cũng gây khó khăn cho việc cung cấp nước vào mùa khô.
Vì thế, cần phải có những giải pháp phân bố nguồn nước cho phù hợp trong thời gian này và sử dụng trong suốt mùa khô của năm 2019. Nhưng cần lưu ý rằng, hiện nay đang là mùa mưa bão, cũng nên lo việc phòng chống lũ lụt, giông, lốc…
Với đặc thù là sông, suối ngắn và độ dốc lớn nên có thể ngày hôm nay đang khô hạn nhưng 2-3 ngày sau bị ngập lụt là điều có thể xảy ra. Chỉ cần mưa 2-3 ngày với lượng mưa từ 300-400mm là xuất hiện lũ lụt ngay. Do đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng như người dân không được chủ quan với mưa lớn, phải chủ động ứng phó lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét...
* Còn trong mùa khô sắp tới, tình hình thiếu hụt lượng mưa và nguồn nước có gay gắt không, thưa ông?
- Theo nhận định chung thì mùa khô sắp tới có khả năng gặp khó khăn về nguồn nước. Đặc biệt, tháng 12 tới nếu tiếp tục có lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm thì nguồn nước vào mùa kiệt rất khó khăn. Trong mùa kiệt, dòng chảy cho các sông được cung cấp và duy trì bởi nguồn nước ngầm. Vào cuối mùa mưa mà lượng mưa ít nữa thì lượng nước ngầm càng suy giảm, gây rất khó khăn về nguồn nước trong mùa kiệt.
* Với khó khăn về lượng mưa và nguồn nước như vậy, ông có khuyến cáo gì về quản lý và sử dụng nước không?
- Trong tình hình hiện nay, các cơ quan, đơn vị sản xuất, khai thác và liên quan trực tiếp đến nguồn nước cần chủ động nắm bắt các thông tin về tình hình thời tiết, thủy văn trong thời gian qua, hiện tại và xu thế sắp tới để có kế hoạch và phương án lấy nước hợp lý, tránh lãng phí nguồn nước. Thời gian qua, chúng tôi cung cấp thường xuyên các bản tin dự báo về thời tiết, thủy văn đến các cơ quan chức năng của thành phố theo quy định.
Các đơn vị khai thác nước và các cơ quan, địa phương nếu cần thì có thể liên hệ với chúng tôi để cung cấp thông tin thường xuyên về tình hình cũng như dự báo xu thế thời tiết, thủy văn hoặc liên hệ với một số đơn vị chức năng, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt thông tin.
Phải nắm bắt kịp thời và thường xuyên về thông tin thời tiết, thủy văn để có sự chuẩn bị ứng phó từ trước, chứ để đến khi xảy ra khô hạn, nhiễm mặn, thiếu nước rồi mới nắm bắt thông tin và triển khai xử lý thì rất khó khăn. Ngoài ra, việc sử dụng nước hợp lý cũng rất quan trọng, tránh để lãng phí nguồn nước, thông tin và khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm hơn trong thời gian khó khăn về nguồn nước…
Theo bản tin cập nhật dự báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối tháng 11-2018, trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ nhưng lưu lượng dòng chảy trên các sông vẫn ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 32-50%. Trong tháng 12-2018 và tháng 1-2019, tổng lượng mưa tại Đà Nẵng và Quảng Nam thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-20%. Nguy cơ rất cao xảy ra hạn hán, thiếu nước tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trong tháng 12-2018 và tháng 1-2019. |
Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương: Nếu không có mưa lớn thì thiếu nước gay gắt Thông thường sau mùa lũ, hồ đầy nước (266 triệu m3 nước) và rừng ở trên lưu vực thủy điện A Vương thấm đẫm nước mưa mới có thêm khoảng 1 tỷ m3 nước, đủ dùng cho cả mùa khô. Lẽ ra đến bây giờ ở trên rừng đã thấm đẫm mưa, vậy mà vẫn khô hạn vì thời gian qua chủ yếu là mưa ở hạ lưu hồ thủy điện. Nếu nước hồ thủy điện A Vương vẫn ở mức xấp xỉ nước chết và không có mưa lớn ở trong rừng thì mùa khô của năm 2019 sẽ thiếu nước gay gắt. Hiện nay, hồ thủy điện A Vương đang cố gắng để tích nước nhưng vẫn đang phụ thuộc vào lệnh vận hành của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0). Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng: Gia cố đập điều tiết Quảng Huế Với tình hình thiếu hụt lượng mưa và dòng chảy trên các sông cũng như nước ở trong các hồ thủy điện, chúng tôi đang rất lo lắng về việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố vào dịp Tết Nguyên đán 2019. Trước mắt, chúng tôi xin đề nghị được khôi phục nguyên trạng tỷ lệ phân chia nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn như trước đây vì vừa qua, khi lên kiểm tra, thấy một số rọ đá tại đập điều tiết ở cửa sông Quảng Huế đã bị xói lở, làm tỷ lệ phân chia nước về sông Thu Bồn rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tỉnh Quảng Nam đồng ý cho đắp thêm bao cát ở đập điều tiết này bằng cao trình cũ. Nếu được như vậy thì cao trình mực nước tại đập sẽ được nâng lên 40-50cm và chảy về sông Ái Nghĩa và sông Yên nhiều hơn. Giải pháp này sẽ bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Còn về lâu dài, đề nghị các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp kiên cố hơn đối với đập điều tiết ở cửa sông Quảng Huế. |
HOÀNG HIỆP (thực hiện)