Tận tụy với công tác hội

.

Bà Trần Thị Thập, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 5, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) năm nay 54 tuổi nhưng có đến 25 năm làm công tác phụ nữ ở thôn (10 năm làm tổ trưởng phụ nữ, 15 năm làm chi hội trưởng phụ nữ); đồng thời có thâm niên làm cộng tác viên dân số, thành viên tổ hòa giải và tổ phản ứng nhanh ở thôn…

Bà Trần Thị Thập (trái) cùng với người dân thôn 5 chăm sóc tuyến đường hoa DH8.
Bà Trần Thị Thập (trái) cùng với người dân thôn 5 chăm sóc tuyến đường hoa DH8.

Mỗi lần nhắc đến các “chức vụ” nói trên, bà Thập nói rằng, bà thấy vui vì được tín nhiệm, mà một khi được người dân tín nhiệm thì phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, chứ không thì khó coi lắm! Thế nhưng, tiền phụ cấp tất cả vị trí cộng dồn lại chưa đến 1 triệu đồng/tháng.

Bà Thập dường như không bận tâm đến điều này; thậm chí, bà còn trích một khoản tiền để đóng góp nuôi 3 con heo đất tại Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, Chi hội Phụ nữ thôn và chi bộ thôn.

Không chỉ tất bật với nhiều việc “không tên” trong công tác Hội, bà Thập còn bán bún và cháo vào buổi sáng để lo toan kinh tế gia đình. Bán hàng ăn vất vả, kinh tế không dư dả là bao nhưng gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn, bà Thập đều sẵn lòng giúp đỡ. Ai không có vốn chăn nuôi nhỏ, bà cho mượn không lãi. Vợ chồng xích mích thì tìm bà tâm sự, bà lựa lời khuyên giải từng người.

Trong thôn, gia đình nào có tang ma, bà Thập cùng hội viên Chi hội Phụ nữ đi chợ, nấu nướng, lo cơm nước cho gia chủ rồi động viên, an ủi họ. Nhà nào neo người, bà Thập cũng tìm đến ngỏ ý giúp công thu hoạch mùa màng...

Những hành động thiết thực và cách hành xử thân thiện, gần gũi của chi hội trưởng phụ nữ không những gắn kết các hộ trong thôn mà bản thân bà Thập còn được nhiều người quý mến; theo đó, phong trào phụ nữ  thôn thu hút hơn 95% hội viên tham gia. 

Bà Thập cho biết, toàn thôn có 324 hội viên phụ nữ. Mỗi khi tổ chức các hoạt động, phong trào văn hóa-thể thao, gần 300 hội viên tích cực tham gia. Nhiều người cao tuổi, sức khỏe kém nhưng vì “ham vui” nên nhờ con cháu đưa đến tham dự, cổ vũ, như bà Nguyễn Thị Lộc (75 tuổi), hay bà Phan Thị Chính và bà Đỗ Thị Phu (đều 80 tuổi) vẫn nhiệt tình với phong trào phụ nữ. Có những dịp Chi hội Phụ nữ thôn 5 tổ chức diễn văn nghệ, đóng góp được khoảng 23 triệu đồng/năm.

Số tiền này cùng với nguồn quỹ từ mô hình nuôi 4 con heo đất ở 4 tổ phụ nữ và mô hình “Hũ gạo tình thương” được sử dụng để tặng quần áo, sách vở cho học sinh giỏi, đoạt giải thưởng các cấp; đồng thời giúp đỡ hội viên khó khăn đột xuất; cho vay vốn chăn nuôi, trồng trọt mà không tính lãi.

Bà Nguyễn Thị Yến, hàng xóm của bà Thập cho hay: “Hễ bà Thập vận động việc gì, chúng tôi đều tham gia nhiệt tình. Đầu năm 2018, bà Thập kêu gọi hội viên đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn. Vài ngày sau, hội viên tự nguyện góp 50 triệu đồng tiền mặt và đăng ký hàng chục ngày công lao động để xây mới tuyến đường 800m, rộng 3,5m tại tổ 4.

Tháng 9 vừa qua, bà Thập vận động trồng các loại hoa dọc tuyến đường DH8, người dân chung tay đóng góp chậu kiểng, các loại hoa chiều tím, mười giờ, dây leo để trồng dọc tuyến đường này với chiều dài hơn 1.000m”.

Cứ thế, phong trào của phụ nữ thôn 5 không mang tính hình thức, làm cho có lệ, mà trở thành hoạt động thiết thực trong đời sống của các hộ dân nơi đây. Nhà này tham gia thì nhà kia không thể thờ ơ, với mong muốn đời sống văn hóa tinh thần ngày một nâng cao, xóm làng càng thêm gắn bó.

Theo bà Phan Thị Mai Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Khương, các hoạt động của Chi hội Phụ nữ thôn 5 luôn có nhiều sáng tạo, tập hợp, thu hút hội viên tham gia đông đảo nhất xã. Đó cũng là lý do để Chi hội Phụ nữ thôn 5 từng được nhận giải thưởng Chi hội tiêu biểu cấp thành phố.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TẤN

;
.
.
.
.
.
.