Chính trị - Xã hội

20 năm tham gia APEC, quyết sách chiến lược và con đường phía trước

08:34, 01/12/2018 (GMT+7)

* Đà Nẵng đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì

Quyết định gia nhập APEC cách đây đúng 20 năm (1998) là quyết định có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh vấn đề trên tại hội nghị “Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới” tổ chức ngày 30-11.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ 2 từ phải sang) nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước tặng thưởng cho thành phố Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ 2 từ phải sang) nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước tặng thưởng cho thành phố Đà Nẵng.

Theo Phó Thủ tướng, trong hai thập kỷ ấy, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường phát triển và hội nhập, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, với bình quân đầu người tăng từ 350 USD năm 1998 lên gần 2.400 USD hiện nay. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, là mắt xích quan trọng của nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có APEC. Nhiều thành viên của APEC đã trở thành đối tác quan trọng nhất về thương mại và đầu tư của Việt Nam. 13 trong tổng số 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang đàm phán và ký kết là các hiệp định với 17 thành viên của APEC. Khu vực APEC chiếm 85% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và 80% lượng sinh viên Việt Nam du học, thực sự là cầu nối đưa Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến Việt Nam.

Tham gia APEC, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đã tạo nền tảng để Việt Nam tham gia các sân chơi rộng lớn, có mức độ cam kết cao hơn như WTO, các FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP. Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét trong vai trò chủ nhà năm APEC 2006 và năm 2017 khi lần đầu tiên APEC xác định triển vọng hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) tại Tuần lễ Cấp cao tháng 11-2006.

Trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các nền kinh tế thành viên cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở, đồng thời ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, góp phần quan trọng giữ vững đà hợp tác và liên kết, duy trì giá trị cốt lõi của APEC.

Cũng trong năm 2017, APEC thông qua chương trình hành động về phát triển bao trùm về kinh tế tài chính, xã hội, các chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, APEC quyết định thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC để khởi động nghiên cứu xây dựng tầm nhìn cho khu vực sau năm 2020.

Đề cập con đường phía trước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng APEC cần tiếp tục vươn lên để khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các định hướng sau:

Thứ nhất, APEC cần xác định các mục tiêu và nội hàm hợp tác mới để tiếp tục duy trì các giá trị cốt lõi của mình. Trên nền tảng ba trụ cột hợp tác vốn có, cần thúc đẩy các yếu tố phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng. Kinh tế số cần trở thành một trọng tâm, chú trọng kết nối số, thương mại số, công nghệ tài chính, kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Thứ hai, mọi sáng kiến, dự án, cơ chế hợp tác của APEC cần đặt người dân vào trung tâm của phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, APEC cần xây dựng các cộng đồng vững mạnh và bao trùm, chú trọng hơn đến các đối tượng dễ bị tổn thương. APEC cũng cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo để họ có cơ hội tham gia vào những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, APEC cần nâng cao khả năng thích ứng và vai trò lãnh đạo trong quản trị kinh tế toàn cầu. APEC hoàn toàn có khả năng phát huy vai trò đầu tàu trong xây dựng cấu trúc mới ở khu vực, bảo đảm các nguyên tắc mở, công bằng, minh bạch, dựa trên luật lệ, hài hòa lợi ích của tất cả các bên trong và ngoài khu vực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, để thực hiện được vai trò đó, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là tiên phong thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới. Đặc biệt, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò toàn cầu trong điều phối các khuôn khổ liên kết khu vực đa tầng nấc, hướng tới hình thành FTAAP.

Thứ tư, cần có các biện pháp nhằm nâng tầm tham gia và đóng góp của Việt Nam và ASEAN trong APEC. Việt Nam cần tiếp tục đóng góp tích cực trong xây dựng và triển khai tầm nhìn mới APEC sau năm 2020, đóng góp vào việc định hình cấu trúc mới ở khu vực.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, 15-20 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam đang nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO, thực hiện các cam kết liên kết kinh tế quốc tế, nhằm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.Đây là minh chứng khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Sáng 30-11, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, đại diện UBND thành phố, vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước tặng thưởng cho thành phố Đà Nẵng vì thành tích xuất sắc trong công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.  

Năm APEC Việt Nam 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng đã thành công rực rỡ, để lại ấn tượng tốt đẹp cho đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC. Với sự chuẩn bị chu đáo trong suốt 3 năm (2015-2017) và tinh thần đoàn kết, vượt khó, khắc phục hậu quả cơn bão số 12 (năm 2017) của quân và dân thành phố, Đà Nẵng đã góp phần quan trọng vào thành công của Năm APEC Việt Nam 2017.

Theo Quyết định số 1550, 1551 ngày 5-9-2018 và Quyết định số 2164 ngày 28-11-2018 về việc tặng Huân chương Lao động, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng nhất, 5 Huân chương Lao động hạng nhì và 19 Huân chương Lao động hạng ba cho 7 tập thể và 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuẩn bị và tổ chức thành công các sự kiện Năm APEC 2017.

PHAN ĐÀO

Chinhphu.vn

.