Chính trị - Xã hội
Chậm xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm
Sau hơn 45 ngày Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) (sau đây gọi tắt là Nghị định 115) có hiệu lực, người kinh doanh thực phẩm vẫn còn tỏ ra lạ lẫm với những quy định này, trong khi cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay… triển khai kế hoạch.
Sau 45 ngày Nghị định 115 có hiệu lực, mới chỉ có 10 đơn vị bị xử phạt vì vi phạm. |
Tận dụng mặt tiền căn nhà trên đường Trần Cao Vân, chị Nguyễn Thị D. (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) mở quán bán cháo vịt. Sau khi rút vội bao tay nilon để nhận và trả tiền cho khách, chị dùng tay trần quay sang… bốc mấy miếng thịt vịt bỏ vào tô cho khách tiếp theo. Chiếc khăn lau tay được chị dùng để lau cả thớt, dao và… mặt bàn!
“Quán chị đã được cán bộ phường xuống kiểm tra đạt yêu cầu, hằng năm, chị cũng đi kiểm tra sức khỏe ở trạm y tế phường. Nói chung là ổn cả”, chị D. nói. Khi được hỏi về những quy định mới của Nghị định 115, chị thản nhiên: “Là quy định gì, chị chưa biết!”.
Tuyến đường Trần Cao Vân có hàng chục hộ kinh doanh thức ăn vỉa hè hoặc tận dụng mặt tiền hộ gia đình để bán thực phẩm. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh này được địa phương triển khai từ trước đến nay; tuy nhiên, những điều kiện, quy định và hình thức xử phạt mới trong Nghị định 115 đến nay vẫn chưa được áp dụng.
Theo bà Nguyễn Thị Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà, hiện địa phương chỉ mới rà soát lại các hộ kinh doanh thức ăn đường phố để tiếp tục quản lý. “Việc kiểm soát loại hình thức ăn đường phố vẫn dừng ở mức độ kiểm tra và nhắc nhở.
Chúng tôi dự kiến sẽ mời các hộ kinh doanh thức ăn đường phố lên ký cam kết, tập huấn và tuyên truyền về Nghị định 115 nhưng cụ thể khi nào thì chưa xác định được”, bà Phước cho biết.
Lý giải về sự chậm trễ trong triển khai Nghị định 115, bà Phước cho rằng, nhân lực làm công tác kiểm soát ATTP ở cấp phường thiếu và yếu về số lượng lẫn chuyên môn; các dụng cụ hỗ trợ trong kiểm soát thực phẩm cũng thiếu nên khó đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Khánh An, Phó phòng Y tế quận Thanh Khê cho biết: “Hiện quận chưa triển khai thực hiện Nghị định 115. Phòng đang làm kế hoạch mời báo cáo viên và xin kinh phí từ BQL ATTP thành phố để thực hiện, dự kiến đến cuối tháng 12 mới bắt đầu. Riêng thức ăn đường phố hiện nay quận chưa tập huấn đại trà do thời điểm cuối năm công việc nhiều quá!”.
Là một trong những địa phương đi đầu trong quản lý thức ăn đường phố, quận Hải Châu cũng mới tổ chức tập huấn nội dung Nghị định 115 cho cán bộ 13 phường tham gia quản lý ATTP vào cuối tháng 11 vừa qua.
Dù vậy, đây cũng là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành phố tổ chức tập huấn cho cơ sở sau khi Nghị định 115 có hiệu lực kể từ ngày 20-10-2018. Theo ông Võ Văn Đông, Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu, việc tập huấn các nội dung trong Nghị định 115 sẽ giúp Ban chỉ đạo ATTP các phường nắm rõ hơn về quy định, từ đó có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở.
"Việc xử phạt vi phạm trong vấn đề thức ăn đường phố vốn đã gặp nhiều khó khăn và khó khả thi do nhiều yếu tố như hành vi còn nhẹ, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh; chính vì vậy, ngay cả khi Nghị định 115 quy định các hành vi cụ thể, rõ ràng hơn thì quan điểm của địa phương vẫn là tập trung tuyên truyền, thay đổi thói quen, nhận thức hơn là xử phạt”, ông Đông cho biết.
Theo dự kiến, UBND quận Hải Châu sẽ áp dụng Nghị định 115 trong đợt kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng như đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ hộ kinh doanh tại 4 tuyến phố ẩm thực, gồm tuyến Phạm Hồng Thái, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Kế Xương và Lê Thanh Nghị.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng BQL ATTP thành phố, tính đến thời điểm này, đơn vị mới xử phạt 10 đơn vị vi phạm trong lĩnh vực ATTP theo Nghị định 115 với khung hình phạt dưới 2 triệu đồng.
“Theo đề án phân cấp quản lý về ATTP, việc kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay giao về cho tuyến quận, huyện và trực tiếp là cấp phường, xã thực hiện. Vừa qua, đơn vị cũng đã tập huấn cho cán bộ phụ trách ATTP các cấp về những nội dung, điểm mới trong Nghị định 115.
Sở dĩ việc triển khai Nghị định 115 chưa rầm rộ một phần do không đúng đợt cao điểm thanh tra. Bên cạnh đó, Nghị định 115 cũng có những vướng mắc, trong đó có việc tăng mức phạt tiền nhưng lại cào bằng đối tượng vi phạm nên tính khả thi khi áp dụng hình phạt với đối tượng là người lao động bình dân không cao. Chính vì thế, trước mắt, việc tập huấn, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, thói quen cần thiết hơn là xử phạt”, ông Tiến cho biết.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG