Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió tây trên cao gây ra mưa đặc biệt lớn tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng từ đêm 8-12 đến chiều 9-12, lượng mưa đo được từ 500-550mm đã làm hầu hết các tuyến đường và khu dân cư ở nội thành bị ngập nước.
Nhiều vật dụng, thiết bị gia dụng, ô-tô, xe máy bị ngập nước; nhiều diện tích trồng rau màu, hoa bị hư hại..., tuy nhiên, theo báo cáo ban đầu chưa có thiệt hại về người.
Nhiều khu vực nội thành Đà Nẵng bị ngập sâu, hàng loạt phương tiện giao thông chết máy. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Có nơi ngập đến 1,8m
Qua ghi nhận của chúng tôi, sáng 9-12, nhiều đoạn đường và nút giao thông ở khu vực trung tâm hai quận Hải Châu và Thanh Khê bị ngập sâu từ 0,5 -1m, nhất là tại các nút giao: Hàm Nghi - Hùng Vương - Hoàng Hoa Thám, Lê Đình Lý - Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, Núi Thành - Duy Tân, Đống Đa - Lý Tự Trọng, khu vực cống liên phường Mê Linh (đoạn từ đường Nguyễn Hoàng đến Lê Đình Lý)...; nước tràn vào nhiều nhà dân. Một số khu vực trung tâm thành phố đã bị cúp điện để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tại phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) do tiếp nhận trữ lượng nước khổng lồ từ Sân bay Đà Nẵng chảy ra, nhiều tuyến đường bị ngập sâu từ 30cm đến 1m, nhiều đường kiệt ngập sâu hơn 1m, đặc biệt là kiệt 640 Trưng Nữ Vương bị ngập sâu đến 1,8m.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ nạn cứu hộ Công an quận Hải Châu phải bơi vào ngôi nhà số K640/10 để giải cứu 4 cô gái ở trọ (tại địa chỉ trên) bị mắc kẹt trên mái nhà ngập nước.
Ông Đặng Công Tâm, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây cho hay: “Phường cũng đã cử lực lượng hỗ trợ dân di dời vật dụng trong gia đình, hỗ trợ di chuyển người ở các nhà bị ngập sâu đến các nhà cao tầng ở tạm và đưa 4 trẻ em, 5 sinh viên, 6 người dân tại kiệt 640 Trưng Nữ Vương về tạm trú và ăn uống tại trụ sở UBND phường.
Phường đã sử dụng xuồng phao, mang phao cứu sinh và 30 thùng mì tôm, 20 thùng nước uống đến các khu nhà trọ bị ngập sâu để giúp người dân chống đói. Mưa lớn bất ngờ, nhiều ô-tô và vật dụng, thiết bị gia dụng không kịp di chuyển đều bị ngập nước. Ước tính thiệt hại trên địa bàn phường khoảng 500 triệu đồng”.
Mưa lớn cũng gây ngập nặng cho nhiều tuyến đường và khu vực dân cư của các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.
Theo thống kê từ các quận, huyện và qua rà soát của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố, mưa lớn và ngập úng nặng nề chưa gây thiệt hại về người, nhưng đã làm 33ha trồng rau, hoa ở các phường Hòa Hải, Hòa Quý, Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) và huyện Hòa Vang bị dập nát, úng và hàng ngàn chậu hoa trồng phục vụ Tết bị hư hại.
Chỉ đạo “nóng” chống ngập
Để ứng phó với tình hình mưa lớn và ngập úng trong đô thị, vào sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã ban hành công điện cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ và đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các quận, huyện, sở, ngành triển khai công tác chuẩn bị ứng phó.
Sáng 9-12, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã kiểm tra thực tế tại các điểm ngập úng và chỉ đạo các đơn vị chức năng khơi thông thoát nước, giảm ngập úng; đồng thời, trấn an các du khách về tình hình mưa lũ tại Đà Nẵng. Các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải... đã có mặt ở các khu vực và nhận chỉ đạo từ phía lãnh đạo thành phố để triển khai công tác khắc phục, xử lý ngập úng.
Tối 9-12, Sở Tài nguyên và Môi trường huy động hơn 100 cán bộ, công nhân Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước khắc phục sạt lở bờ biển đoạn hai bên cửa xả Mỹ An. Lúc 20 giờ 20, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đến kiểm tra và động viên các lực lượng khắc phục sạt lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Xác định nguyên nhân gây ngập úng nặng cho khu vực đường Núi Thành (đoạn từ đường Duy Tân đến Phan Đăng Lưu) và khu vực lân cận là do công trình cống thoát nước đang thi công tại khu vực phía đông nam Đài Tưởng niệm thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã quyết liệt chỉ đạo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng yêu cầu nhà thầu khơi thông ngay đất, đá đang cản trở thoát nước.
“Phải huy động nhiều xe múc tới khơi thông ngay hai vị trí đất đá làm chênh lệch mực nước cao đến 1 mét này. Ngay lập tức!”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo.
Đối với các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà…, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các phường huy động các lực lượng dân quân, dân phòng… triển khai thu gom rác, khơi thông các hố thu nước, cầu, cống để nước thoát nhanh, giảm ngập úng; các đơn vị chức năng sớm triển khai khớp nối tuyến cống ở trạm bê-tông Đăng Hải với cửa xả ven biển để nước thoát ra biển khi mưa lớn; lưu ý Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu giải pháp tuyên truyền, hạn chế rác thải nhựa, nilon cuốn trôi ra biển; trong đó, cần trang bị máy phát điện dự phòng để bảo đảm vận hành các trạm bơm chống ngập nước khi đã bị cúp điện; Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tiếp tục huy động nhân lực, phương tiện triển khai khơi thông cống thoát nước, vận hành các trạm bơm chống ngập và cửa xả ven biển… góp phần hạn chế tình trạng ngập úng.
Cũng trong sáng 9-12, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giao các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai giải pháp bảo đảm an toàn các công trình xây dựng chuyên ngành.
Các địa phương triển khai cảnh báo, tổ chức giao thông nhằm hướng dẫn người dân, phương tiện đi lại bảo đảm an toàn. Các Ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu đào dẫn dòng, phá dỡ đê quai nhằm bảo đảm thoát nước tạm tại các công trình đang thi công dở dang như: tuyến cống Khe Cạn, cống qua đường Tôn Đức Thắng tại kênh Yên Thế - Bắc Sơn, tuyến cống Công viên Châu Á…; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình, không để xảy ra tình trạng lở, sụp đổ công trình đang thi công.
Lực lượng chức năng sơ tán người dân ở khu vực trũng thấp tại phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu đến nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: XUÂN SƠN |
Theo dự báo, những ngày tới tại Đà Nẵng tiếp tục có mưa rất to, có nguy cơ ngập lụt trên diện rộng, do đó, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện khẩn trương huy động các lực lượng tại địa phương triển khai ngay phương án chống ngập lụt, gia cố các công trình xây dựng để bảo đảm an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại do ngập lụt gây ra.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải và các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cùng các địa phương theo dõi, duy trì các biện pháp thoát nước; đồng thời, tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình xử lý thoát nước trên địa bàn thành phố, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố để có chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng cho biết: “Ngay từ trưa 9-12, chúng tôi đã huy động 2 xe đào tiến hành khơi thông thoát nước ở công trình cống thoát nước phía đông nam Đài Tưởng niệm thành phố, bảo đảm thoát nước cho cống Mê Linh và khu vực đường Núi Thành, Duy Tân…”.
Một người dân đội mưa để khơi cống thoát nước trên đường Tú Mỡ, khu vực sau lưng Bến xe Trung tâm. Ảnh: XUÂN SƠN |
Còn ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thông tin, toàn thành phố có 37 khu vực ngập úng nặng, ngập sâu nhất là khu vực các đường Hải Hồ, Lý Tự Trọng, Đống Đa, Ông Ích Khiêm, Thanh Thủy (phường Thanh Bình và Thuận Phước, quận Hải Châu); tổ 33, 34 và 35 phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu); trước cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh; ngã ba đường Nguyễn Đức Thuận - Võ Nguyên Giáp…
“Lượng mưa quá lớn, vượt quá tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước nên gây ngập úng nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Công ty đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia khơi thông thoát nước, vệ sinh tại các cửa thu nước, vận hành hết công suất các trạm bơm chống ngập, mở hết các cửa phai tại các hồ điều tiết…”, ông Mai Mã nói.
Về việc ngập hầm chui đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, cơ quan quản lý tiến hành bơm thoát nước và hoàn thành lúc 11 giờ 15 phút. Về lâu dài, UBND thành phố yêu cầu Ban quản lý dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên tiếp tục triển khai hoàn thành các công trình thoát nước chính của thành phố thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố (cống tại Kiệt 447 đường Nguyễn Lương Bằng, tuyến cống trên đường Hải Hồ, trạm bơm cuối tuyến cống đường Ông Ích Khiêm…)
Đến đêm 9-12, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tuyến đường nội thành vẫn tiếp tục bị ngập tùy mức độ, do đó công tác triển khai ứng phó với ngập úng đang được các sở, ngành chức năng tiến hành khẩn trương. Trong khi đó, tại huyện Hòa Vang, ngập sâu nhất là ở vùng trũng của thôn Cồn Mong (xã Hòa Phước) và thôn Đông Hòa (xã Hòa Châu).
Hôm nay (10-12), học sinh toàn thành phố được nghỉ học 100% Cảnh sát giao thông ra quân bảo đảm an toàn giao thông Trung tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu-Tổng hợp (Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố) cho biết, Phòng CSGT đã huy động 100% quân số nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên địa bàn. Các đội nghiệp vụ của Phòng CSGT phối hợp với các lực lượng khác triển khai điều hòa, hướng dẫn, giúp đỡ người, phương tiện ở các tuyến nội thành và chốt chặn ở các khu vực ngập sâu, không cho phương tiện qua lại; đồng thời triển khai giải pháp cứu hộ các phương tiện ô-tô bị chết máy do ngập nước. Tại quốc lộ 14B, cán bộ, chiến sĩ Trạm CSGT Hòa Nhơn chốt chặn ở khu vực đường Trường Sơn – nơi có đoạn bị ngập sâu, không cho phương tiện qua lại, tránh nguy hiểm. Trạm CSGT Hòa Phước chốt chặn tại tuyến quốc lộ 1A đoạn qua xã Hòa Châu và Hòa Phước. Ở khu vực tuyến Nguyễn Lương Bằng và đường tránh dẫn vào hầm Hải Vân, Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp triển khai lực lượng chốt chặn và giúp đỡ người dân… Lực lượng Công an các quận, huyện cũng triển khai hỗ trợ người dân trên các tuyến đường và khu vực ngập sâu. Điển hình, Công an quận Hải Châu triển khai lực lượng cứu 4 người dân tại đường Trưng Nữ Vương bị mắc kẹt trong nhà khi nước ngập sâu… (NGỌC PHÚ) Chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại Tối 9-12, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có công điện gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên và các bộ, ngành đề nghị chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở đất gây ra. Theo đó, triển khai phương án phòng chống lũ, bảo đảm an toàn các công trình phòng chống thiên tai, công trình đê điều, hồ đập; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm bảo đảm an toàn đập và vùng hạ du; sẵn sàng vận hành công trình tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra, đề phòng ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa lớn; tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, chia cắt, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn. Các địa phương phân công cụ thể, bố trí lực lượng canh gác tại những vị trí ngầm, tràn giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang, đò dọc, khu vực đường bị ngập… để hướng dẫn người, phương tiện qua lại; rà soát việc chuẩn bị theo “phương châm 4 tại chỗ”, chú trọng dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm,… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu... * Thông tin từ UBND quận Hải Châu vào tối 9-12 cho biết, quận đã chỉ đạo các phường tổ chức túc trực và phân công lực lượng xuống các tuyến đường, kiệt, hẻm bị ngập sâu để giúp dân di chuyển đồ đạc và di dời dân đến nơi ở cao ráo, an toàn; tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường bị ngập sâu và hướng dẫn giao thông tại các tuyến bị ngập. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho hay, ngay từ sáng sớm, quận đã chỉ đạo các phường và cơ quan quân sự quận huy động lực lượng xuống các tuyến đường, khu vực dân cư bị ngập nước để giúp dân di chuyển, kê cao đồ đạc. Nhiều nhà có nước tràn vào nhưng không sâu nên gần như không phải sơ tán người dân. Quận cũng chỉ đạo vệ sinh các cửa thu, khơi thông hệ thống thoát nước để nước rút nhanh. “Toàn quận vừa đang triển khai khắc phục hậu quả của mưa lớn, vừa ứng phó ngập úng trước tình hình mưa to còn kéo dài. Ngày 10-12, quận sẽ hủy cuộc họp Quận ủy tổng kết năm 2018 để tập trung khắc phục, ứng phó mưa to gây ngập úng cục bộ”, ông Nguyễn Văn Tĩnh nói. (HOÀNG HIỆP) * Suốt trong ngày 9-12, quốc lộ 14B qua Đà Nẵng bị ách tắc, giao thông tuyến đường sắt qua thành phố này cũng bị tê liệt do nhiều điểm ngập nặng. Trong đó, tuyến đường sắt qua thành phố đang bị tê liệt. Ga Đà Nẵng cho biết, cùng ngày ga không bán vé cho hành khách do tuyến đường sắt bị ách tắc cục bộ. Báo cáo nhanh của Phòng CSGT Công an thành phố cho biết, tính đến 13 giờ ngày 9-12, do mưa ngập tuyến đường sắt, các chuyến tàu SE 22, SE21, SE10, SE19, SE3 chưa có kế hoạch về ga Đà Nẵng. Đến cuối giờ chiều 9-12, công nhân đường sắt vẫn đang tập trung xếp đá vào rọ để gia cố 2 vị trị sạt lở tại km 799+890 và km 799+920 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn Đà Nẵng. Theo ghi nhận, hàng chục tấn đá được các tổ công nhân khẩn trương cho vào rọ kè sát ta-luy âm của đường sắt. Theo lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, tại km 799+890 và Km 799+920 đi qua địa phận Đà Nẵng đã xảy ra sạt lở. Sau khi nhận thông tin, công ty đã điều động 70 công nhân cùng máy móc đến hiện trường, thực hiện gia cố sạt lở. Được biết, trước tình trạng sạt lở này, ngành đường sắt đã dùng các tàu SE9, SE10, SE21, SE22 chạy đối lưu ở hai đầu sạt lở để vận chuyển hành khách, bảo đảm việc đi lại của hành khách không bị gián đoạn. (PHƯƠNG UYÊN - HOÀNG SA) |
Mưa vẫn còn kéo dài 2-3 ngày tới Ông Phạm Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho hay, có khả năng mưa vẫn còn kéo dài trong 2-3 ngày tới, chưa có khả năng giảm hẳn được. Đến ngày 12-12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống nên mưa vẫn duy trì. Tuy nhiên, trong những ngày đến, cường độ mưa sẽ nhỏ hơn. Mưa không tập trung trong thời gian dài mà xen kẽ có lúc mưa to, mưa nhỏ. Lượng mưa ở thành phố phổ biến khoảng từ 100-250mm/ngày, có nơi hơn 250mm/ngày. (H. HIỆP) |
HOÀNG HIỆP