Nâng chuẩn nghèo: Một quyết sách nhân văn

.

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về nâng chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, áp dụng trong 2 năm (2019-2020) trên địa bàn. Đặc biệt, lần này việc tiếp cận đa chiều được đưa vào chuẩn nghèo mang nhiều ý nghĩa.

Để hiểu rõ thêm vấn đề này, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Thái Đình Hoàng (ảnh), Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố về vấn đề này.

 

* Xin ông cho biết vì sao phải nâng chuẩn nghèo trong khi chưa hết 5 năm của giai đoạn giảm nghèo 2016-2020? Thường thì chuẩn nghèo được đặt ra trong giai đoạn 5 năm nhưng bây giờ chỉ có 2 năm, liệu có hoàn thành được hay không, thưa ông?

- Giai đoạn 2016-2020, thành phố có hơn 23.200 hộ nghèo, tuy nhiên, đến cuối năm 2018, nhờ tập trung nhiều nguồn lực và thực hiện nhiều giải pháp trực tiếp hỗ trợ cho hộ nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng, dạy nghề, giải quyết việc làm, trợ cấp xã hội… nên sau 3 năm thực hiện Đề án giảm nghèo, Đà Nẵng có trên 90% hộ nghèo còn sức lao động cơ bản thoát nghèo và toàn thành phố chỉ còn khoảng hơn 2.300 hộ nghèo, chiếm 0,91% so với tổng số hộ dân cư trên địa bàn. Mục tiêu giảm nghèo trong 5 năm (2016-2020) đã hoàn thành chỉ trong 3 năm.

Như vậy, nếu chúng ta không nâng chuẩn nghèo thì người có thu nhập thấp không được hưởng các chính sách liên quan đến an sinh xã hội như chính sách về bảo hiểm y tế, nhà ở, giáo dục... Việc HĐND thành phố thông qua chuẩn nghèo mới là hoàn toàn khách quan, phù hợp với chương trình “Thành phố 4 an”.

Mặt khác, theo định hướng của Chính phủ, mỗi năm các địa phương phải giảm từ 1,2 đến 1,5% tổng số hộ nghèo so với tổng số hộ dân cư trên địa bàn. Như vậy, nếu không nâng chuẩn nghèo thì chỉ tiêu này không bảo đảm theo định hướng của Chính phủ.

Thường thì chuẩn nghèo được thực hiện trong giai đoạn 5 năm, nhưng để ổn định tài chính giai đoạn 5 năm và phù hợp với Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố, Nghị quyết của HĐND thành phố nâng chuẩn nghèo thực hiện trong 2 năm còn lại của giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 132/NQ-HĐND khóa IX và Đề án giảm nghèo của UBND thành phố. Giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục giữ chuẩn nghèo như hiện nay hoặc thay đổi còn tùy thuộc tình hình phát triển kinh tế-xã hội khi đó. Việc quan trọng nhất hiện nay vẫn là tập trung mọi nguồn lực để giảm nghèo theo chuẩn mới.

* Lần này, chúng ta đã đưa tiêu chí tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản vào chuẩn nghèo. Điều này có ý nghĩa gì, thưa ông?

- Chuẩn hộ nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng áp dụng trong 2 năm. 2019-2020 ở khu vực nông thôn là hộ đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.300.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.600.000 đồng và thiếu hụt từ 3/12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ nghèo ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 1.900.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đào tạo nghề là một trong những giải pháp quan trọng để thoát nghèo bền vững. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng trình diễn kỹ năng trình bày bàn ăn và pha chế thức uống tại Ngày hội việc làm 2018. 						Ảnh: THANH VÂN
Đào tạo nghề là một trong những giải pháp quan trọng để thoát nghèo bền vững. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng trình diễn kỹ năng trình bày bàn ăn và pha chế thức uống tại Ngày hội việc làm 2018. Ảnh: THANH VÂN

6 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, tiếp cận nước và vệ sinh, tiếp cận thông tin, việc làm. 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt, gồm: tiếp cận các dịch vụ trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, tiếp cận các dịch vụ y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, sở hữu nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông…

Nếu theo chuẩn nghèo mới (2019-2020) thì toàn thành phố có gần 20.000 hộ nghèo (thêm gần 17.000 hộ nghèo theo chuẩn mới và 2.300 hộ nghèo còn lại của chuẩn cũ).

Như vậy, việc tiếp cận chuẩn nghèo áp dụng trong 2 năm 2019-2020 theo hướng đa chiều và toàn diện hơn giai đoạn trước. Việc chuyển đổi đánh giá nghèo từ đơn chiều sang đa chiều nhằm giúp bảo đảm mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.

Thông tin về tình trạng nghèo đa chiều cũng giúp thành phố có thể theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các nhóm chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp…

Tuy nhiên với Đà Nẵng, điều kiện xã hội tương đối bảo đảm để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội nên thực tế cho thấy rất ít hộ thiếu hụt các chỉ số này, có chăng thì phần nhiều là lý do chủ quan. Bởi vậy chúng tôi đưa thêm yếu tố việc làm vào 1 trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản.

* Chuẩn nghèo mới đã có, như vậy, thành phố sẽ phải làm gì để hoàn thành chuẩn nghèo mới và làm sao để giảm nghèo bền vững?

- Đối với chuẩn nghèo mới, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo thành phố tiếp tục các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế như: hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc hộ nghèo, hỗ trợ 50% học phí cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo, hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn của thành phố, hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố...

Thành phố cũng tiếp tục các chính sách về hỗ trợ xây mới nhà ở 35 triệu đồng/nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ sửa chữa nhà ở 20 triệu đồng/nhà cho hộ nghèo, tiếp tục thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Trao phương tiện sinh kế cho người nghèo giúp họ ổn định cuộc sống. Ảnh: P.TRÀ
Trao phương tiện sinh kế cho người nghèo giúp họ ổn định cuộc sống. Ảnh: P.TRÀ

Ngoài ra, các địa phương còn vận động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ hộ nghèo theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy, hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2018 hoàn trả vốn vay đúng hạn và thoát nghèo, hỗ trợ tiền điện theo mức quy định của Trung ương cho hộ nghèo theo chuẩn của thành phố.

Thành phố trợ cấp hằng tháng 500.000 đồng/người đối với người thuộc hộ nghèo mắc bệnh ung thư, suy thận mãn chạy thận nhân tạo; trợ cấp hằng tháng 300.000 đồng/người đối với người đã được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội hiện hành và 500.000 đồng/người đối với người già yếu, người khuyết tật, trẻ mồ côi, ốm đau thường xuyên… Tổng kinh phí dự kiến thực hiện trong 2 năm khoảng 633,5 tỷ đồng.

Một năm toàn thành phố phát sinh chưa đến 300 hộ nghèo và tỷ lệ tái nghèo rất thấp. Như vậy có thể nói công tác giảm nghèo của chúng ta khá bền vững. Tuy nhiên, để duy trì sự bền vững, ổn định đó thì việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện. Chúng ta cần có thêm chính sách để khi ra trường thì các em có việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

* Xin cảm ơn ông.

* Ông Lương Vĩnh Thái, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Hải Châu: Giúp người nghèo có việc làm để thoát nghèo

Trong các hoạt động giúp đỡ người nghèo thì việc trao “cần câu”, tức là tạo việc làm cho họ là quan trọng nhất. Chỉ riêng trong năm 2018, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm và giúp hơn 8.000 lượt người nghèo có việc làm.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều hộ nghèo do sức khỏe yếu, trình độ thấp và chưa có tay nghề nên việc tìm nghề phù hợp không dễ dàng. Mặt khác, trong một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ ỷ lại nên không thiết tha với việc làm, thậm chí rất khó mời họ đi tư vấn nghề.

Nhiều người chỉ thích nghề không cần học nhiều, lao động nhẹ nhàng nhưng vẫn có lương cao nên rất khó. Việc tuyên truyền giúp người nghèo hiểu và ý thức được sự cần thiết của việc làm để thoát nghèo là rất quan trọng.

* Ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang: Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

Nếu tính theo chuẩn mới, xã Hòa Tiến có khoảng 200 hộ nghèo. Việc triển khai hỗ trợ hộ nghèo luôn được địa phương rất quan tâm. Năm nào chúng tôi cũng tổ chức đối thoại với hộ nghèo để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ và tìm giải pháp giúp đỡ như: hỗ trợ vốn, sinh kế...

Theo tôi, để giúp người nghèo, bên cạnh chính sách hỗ trợ của địa phương thì công tác xã hội hóa qua việc kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ cũng rất cần thiết. Chỉ tính trong năm 2018, chúng tôi đã giúp 240 lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, trong đó có 70 người nằm trong diện hộ nghèo.

Theo tôi, việc đưa tiêu chí tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản vào chuẩn nghèo là cần thiết. Riêng ở xã Hòa Tiến, các dịch vụ, hạ tầng thiết yếu đều bảo đảm. Chúng tôi có hệ thống y tế từ thôn đến xã và đều đạt chuẩn. Trạm y tế có bác sĩ cùng trang thiết bị đủ khám, chữa bệnh thông thường. Xã Hòa Tiến có 5 trường trong đó có 3 trường trọng điểm đạt chuẩn quốc gia ở 3 cấp học.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao và học tập cộng đồng của chúng tôi cũng đang phát huy hiệu quả. Thời gian đến, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có ý thức và chú trọng hơn đến việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cho cuộc sống.

* Anh Nguyễn Đình Việt, cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH, phường Thanh Bình, quận Hải Châu: Kịp thời hỗ trợ người nghèo trong dịp Tết

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, việc nâng chuẩn nghèo kịp thời được xem là động thái tích cực giúp người nghèo được hỗ trợ nhiều hơn từ địa phương, các tổ chức, cá nhân, nhất là trong dịp Tết. Việc nâng chuẩn nghèo thực sự mang nhiều ý nghĩa, từ đó khơi dậy và phát huy sự chung sức của các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị trong việc chia sẻ với người nghèo.                                                  

KIM NGÂN ghi

KIM NGÂN thực hiện
 

;
;
.
.
.
.
.