Chính trị - Xã hội
Những cách làm thiết thực ở xã Hòa Phước
Xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) có nhiều cách làm năng động, sáng tạo về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đem lại hiệu quả thiết thực.
Từ “4 không” trong tang lễ
Xã Hòa Phước là địa phương đầu tiên ở Đà Nẵng thực hiện “4 không” trong tang lễ, bao gồm: không thuốc lá, không kèn nhạc, không rải vàng mã và không hạt dưa. Mô hình do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phước chủ trì tổ chức thực hiện đã 3 năm qua với sự phối hợp của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. Ban đầu cũng có những ý kiến trái chiều về việc áp dụng mô hình này, vì các tập tục trên đã ăn sâu trong đời sống người dân, nhưng cấp ủy và Ban công tác Mặt trận kiên trì thực hiện; đồng thời vận động gia đình đảng viên thực hiện trước, từ đó người dân dần dần làm theo. UBND xã Hòa Phước còn làm đĩa nhạc tang cấp cho các thôn để thay thế “nhạc sống”. “Thuê kèn nhạc vừa tốn kém, vừa gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng và việc học tập của con cháu”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nguyễn Bút chia sẻ.
Cùng với đó, Ban công tác Mặt trận mỗi thôn vận động kinh phí mua một bộ âm thanh di động để các hộ mượn sử dụng khi gia đình có tang. Mỗi thôn còn thành lập một ban lễ tang hỗ trợ việc hậu sự. Khi trong thôn có người từ trần, ban lễ tang chủ động đến phối hợp với gia đình bàn việc tổ chức và khéo léo quán triệt nội dung “4 không” để gia đình tự nguyện thực hiện. Đến nay, các tiêu chí không thuốc lá, không kèn nhạc và không rải vàng mã đã được thực hiện nghiêm; riêng tiêu chí không sử dụng hạt dưa vẫn chưa được thông suốt, vì nhiều người dân cho đây là vấn đề tế nhị, “nếu không có hạt dưa tiếp khách thì khó coi lắm!”.
Theo ông Nguyễn Hồng Phương, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Cồn Mong (xã Hòa Phước), chi phí mua thuốc lá, hạt dưa, thuê kèn nhạc và rải vàng mã khiến gia đình tang quyến tốn hàng chục triệu đồng, mà lại gây ồn ào, ảnh hưởng môi trường, đặc biệt khói thuốc lá gây tổn hại đến sức khỏe.
Đến thùng rác văn minh
Mô hình “Thùng rác văn minh” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Phước phát động từ năm 2016, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hội vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí mua lại thùng sơn cũ và đặt in 2 logo với dòng chữ “Thùng rác văn minh - Rác tái chế”, “Thùng rác văn minh - Rác không tái chế”. Chị em tổ chức cọ rửa, sơn xanh, dán logo lên thùng sơn và cấp phát cho gia đình hội viên trong buổi sinh hoạt tổ. Tại các cuộc họp này, hội viên được quán triệt yêu cầu bảo vệ môi trường, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và phương pháp phân loại rác thải tại nguồn. Mỗi hộ được cấp 1 thùng đựng rác tái chế và 1 thùng đựng rác không tái chế. Rác tái chế sẽ được chi hội thu gom hằng tuần để bán gây quỹ Nhân ái.
Từ nguồn quỹ này, các chi hội mua vật dụng gia đình hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hoặc đồ dùng học tập tặng học sinh con hộ nghèo. Thời gian qua, toàn xã đã có hàng trăm hội viên và con hội viên được hỗ trợ từ phong trào “Thùng rác văn minh”. Trong đó, Chi hội Phụ nữ thôn Trà Kiểm hỗ trợ hội viên Phạm Thị Tuyết 5 triệu đồng sửa lại mái hiên và hội viên Lê Thị Mỹ 1,5 triệu đồng mua 2 con heo giống.
Theo kế hoạch, Hội LHPN xã Hòa Phước tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình “Thùng rác văn minh” trong toàn xã. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Hiệp cho hay, mô hình “Thùng rác văn minh” vừa góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, vừa đem lại hiệu quả thiết thực về bảo vệ môi trường.
LÊ VĂN THƠM