Chính trị - Xã hội

THỰC HIỆN GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG THEO NGHỊ ĐỊNH 84/2015/NĐ-CP

Cần hoàn thiện các quy định giám sát

09:18, 19/12/2018 (GMT+7)

Qua gần 4 năm thực hiện Nghị định số 84/2015/NĐ-CP của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư trên địa bàn thành phố đã cho thấy nhiều kết quả tích cực mà công tác giám sát đầu tư của cộng đồng cấp cơ sở đạt được. Bên cạnh đó, hoạt động này bộc lộ những hạn chế, khó khăn nhất định.

Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng góp phần minh bạch dự án, bảo đảm chất lượng công trình. TRONG ẢNH: Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) giám sát công trình cống thoát nước.
Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng góp phần minh bạch dự án, bảo đảm chất lượng công trình. TRONG ẢNH: Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) giám sát công trình cống thoát nước.

Đà Nẵng có 56 phường, xã với 56 Ban Thanh tra nhân dân và 126 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Mặt trận cơ sở đã chú trọng lựa chọn thành viên tham gia Ban GSĐTCCĐ là những cán bộ hưu trí, có tâm huyết, nhiệt tình, có uy tín, có kiến thức pháp luật và kiến thức trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng. Các Ban GSĐTCCĐ đã thực hiện được 1.630 cuộc giám sát trên 2.083 công trình, dự án, phát hiện kiến nghị 301 nội dung và đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu giải quyết. Nội dung giám sát tập trung vào việc: các công trình dự án bảo đảm phù hợp quy hoạch của địa phương, quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới đất đai; giám sát về phương án kiến trúc, xây dựng; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, giải tỏa đền bù, phương án tái định cư; giám sát các dự án không được làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án; tính minh bạch trong quá trình đầu tư,... Các Ban GSĐTCCĐ đã kiến nghị điều chỉnh công trình, dự án phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, giảm thiểu những thiệt hại cho ngân sách nhà nước, bảo đảm chất lượng công trình, nhất là đối với những công trình phục vụ dân sinh; qua đó góp phần làm giảm đáng kể tình trạng đơn thư khiếu kiện, kiến nghị, phản ánh của các hộ dân gửi đến chính quyền các cấp về các vấn đề đền bù, chế độ hỗ trợ sau giải tỏa, bố trí tái định cư, giá đất...

Từ năm 2018, Mặt trận thành phố đã kiến nghị với UBND thành phố và UBND các cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động của các Ban GSĐTCCĐ ở mức tối thiểu là 5 triệu đồng/năm/ban theo đúng quy định. Trong thực tế, nhiều phường, xã thành lập Ban GSĐTCCĐ theo từng dự án hỗ trợ theo hoạt động thực tế nên nhiều Ban GSĐTCCĐ có mức hỗ trợ hoạt động cao hơn so với mức quy định. Một số phường của quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn, các Ban GSĐTCCĐ được hỗ trợ từ 10 triệu đồng/năm trở lên để hoạt động.

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Nghị định 84/2015/NĐ-CP cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục hoàn thiện. Trước tiên, đó là vấn đề thành lập Ban GSĐTCCĐ cho từng chương trình, dự án theo điểm b, Khoản 1, Điều 83, Luật Đầu tư công 2014 và điểm a, Khoản 1, Điều 51, Nghị định 84/2015/NĐ-CP là bất cập, không phù hợp với thực tiễn, không đủ con người để tham gia thành lập đủ số lượng Ban GSĐTCCĐ theo quy định, nhất là đối với các quận, huyện có nhiều dự án được triển khai (như huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu - trung bình mỗi địa phương có trên 100 dự án lớn nhỏ được đầu tư từ ngân sách Nhà nước).

Thứ hai, quy định mức chi hỗ trợ GSĐTCCĐ trên địa bàn cấp xã tối thiểu 5 triệu đồng/năm (điểm a, Khoản 5, Điều 54 của Nghị định 84/2015/NĐ-CP) gây khó hiểu cho phường, xã, đó là chi 5 triệu đồng cho mỗi ban/năm hay là 5 triệu đồng cho tất cả hoạt động GSĐTCCĐ trong 1 năm. Nếu mỗi ban được chi 5 triệu đồng thì phường, xã có nhiều Ban GSĐTCCĐ sẽ gây khó khăn rất lớn cho ngân sách cấp xã. Thực tế hầu hết chính quyền phường, xã thường hiểu theo hướng chi 5 triệu đồng/năm sử dụng chung cho hoạt động GSĐTCCĐ, chứ không hỗ trợ hoạt động cho từng ban được thành lập theo dự án; vì vậy đã quy định tăng mức kinh phí tối thiểu cho hoạt động GSĐTCCĐ cấp xã là 10 triệu đồng/năm.

Thứ ba, thời hạn hoạt động (hoặc nhiệm kỳ hoạt động) của Ban GSĐTCCĐ vẫn chưa hợp lý. Việc tổ chức thành lập Ban GSĐTCCĐ theo Nghị định 84/2015/NĐ-CP được hiểu là theo thời gian tồn tại của dự án, tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng về thực tiễn thì không bảo đảm, vì hiện nay hầu như các phường, xã trên địa bàn thành phố để tiết kiệm kinh phí hoạt động chỉ thành lập 1 Ban GSĐTCCĐ chung cho hoạt động GSĐTCCĐ trên địa bàn, nên thời gian hoạt động của ban này cần phải thay đổi sao cho phù hợp với thực tế hơn, có thể theo nhiệm kỳ của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, xã.

Thứ tư, đó là quy định “Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả giám sát ĐTCCĐ trên địa bàn xã gửi HĐND, UBND cấp xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp tỉnh” là chưa phù hợp với thực tế. Quy định này làm chậm trễ trong việc phản ánh các vướng mắc, hạn chế trong thực hiện dự án đầu tư công. Vì vậy nên quy định việc báo cáo theo quý, 6 tháng và năm.

TRẦN THỊ MẪN

.