45 năm sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19-1-1974 – 19-1-2019)

Đấu tranh khẳng định, bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa

.

Từ năm 1961 đến nay, Đà Nẵng luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh khẳng định, bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Sở dĩ nhấn mạnh thời điểm năm 1961 là bởi ngày 13-7-1961, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 174-NV với nội dung:

“Quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam; một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang”.

Có thể nói từ thời điểm này và với văn kiện hành chính quan trọng này, Đà Nẵng - bao gồm thị xã Đà Nẵng và quận Hòa Vang thuộc tỉnh Quảng Nam đương thời - đã trực tiếp tham gia quá trình củng cố và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cho đến tận ngày nay.

Bản đồ biển Đông Dương thế kỷ XVII (Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp, Phòng Kế hoạch và Bản đồ, GE SH 18 PF 181 P 21 RES).
Bản đồ biển Đông Dương thế kỷ XVII (Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp, Phòng Kế hoạch và Bản đồ, GE SH 18 PF 181 P 21 RES).

Thực ra, trước đó 10 năm, Đà Nẵng từng có cơ hội này mà chưa được. Ngày 22-10-1951, Thủ hiến Trung phần Việt Nam Trần Văn Lý đã ký tư văn mật số 1403-VP/PC/M gửi Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam đề nghị sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào thị xã Đà Nẵng, tuy nhiên đề nghị này đương thời chưa được Chính phủ Quốc gia Việt Nam giải quyết.

Quản lý xã Định Hải được hơn 7 năm, do thực hiện chủ trương cải cách bộ máy hành chính địa phương của chính quyền Sài Gòn, ngày 22-1-1969, Tỉnh trưởng Quảng Nam có Công văn số 525-NCTQ/2 gửi Tổng trưởng Bộ Nội vụ xin ý kiến về việc sáp nhập xã Định Hải vào địa phận xã Hòa Long, quận Hòa Vang.

Trên cơ sở đó, Tổng trưởng Bộ Nội vụ đã “kéo Hoàng Sa vào đất liền” bằng Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 ngày 21-10-1969 sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - có kèm theo một bản đồ địa giới xã Hòa Long mới - Điều 2 Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 ghi rõ:

“Địa phận và ranh giới xã Hòa Long được ấn định lại y theo bản đồ đính kèm bản chánh nghị định này”. Bản đồ địa giới xã Hòa Long mới có kẻ một hình chữ nhật màu mực đỏ nối xã Định Hải/quần đảo Hoàng Sa ngoài Biển Đông với xã Hòa Long trong đất liền và đang trở thành một bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý.

Sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 19-1-1974 dẫn đến một thực tế đau lòng: thành phố Đà Nẵng tuy được giải phóng vào ngày 29-3-1975 nhưng 45 năm qua, huyện đảo Hoàng Sa vẫn còn bị ngoại bang chiếm đóng.

Có điều, từ năm 1975 đến nay, Đà Nẵng đi đầu trong cuộc đấu tranh khẳng định, bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa với sức mạnh của một đất nước thống nhất.

Ngày 11-2-1982, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu đã thay mặt Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 194/HĐBT thành lập huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa “trước đây thuộc huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng”.

Như vậy là về phương diện quản lý hành chính, nội dung “trước đây thuộc huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng” hàm ý có một sự tiếp nối bất thành văn giữa Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 năm 1969 với Quyết định số 194/HĐBT năm 1982.

Khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc Đà Nẵng theo Nghị định số 07/1997/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành ngày 23-1-1997 về việc thành lập đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng.

Vào cuối tháng 6-2012, người Đà Nẵng đã phản ứng về việc Quốc vụ viện Trung Quốc vừa chính thức phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng cùng huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên người Đà Nẵng lên tiếng phản đối hành động sai trái này của phía Trung Quốc. Còn nhớ, ngày 7-12-2007, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10 - một nghị quyết mang tính lịch sử, trong đó tiếp tục khẳng định Hoàng Sa là đơn vị hành chính của Đà Nẵng, do UBND huyện đảo Hoàng Sa quản lý và phản đối Trung Quốc đòi quản lý quần đảo này.

Trước thái độ kiên quyết ấy của người Đà Nẵng - cũng như thái độ tương tự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đối với huyện đảo Trường Sa - Quốc vụ viện Trung Quốc buộc phải trì hoãn việc phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” cho đến tận năm 2012...

Ngày 14-7-2010, tại kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố khóa VII còn thông qua nghị quyết đặt tên đường Hoàng Sa và đường Trường Sa dọc theo tuyến đường ven Biển Đông. Thực ra từ năm 2004, đoạn đường từ Bãi Bụt đến giáp ngã ba đường Trần Quang Khải dài 6km cũng đã được HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VI đặt tên là Hoàng Sa, năm 2010 được điều chỉnh nối dài về phía bắc (từ Bãi Bụt đến Bãi Bắc) và phía nam (từ ngã ba giáp đường Trần Quang Khải đến điểm cuối là đường Nguyễn Công Trứ).

Ngày 11-7-2013, tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa VIII đã thông qua nghị quyết đặt tên đường Đỗ Bá - người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ về Hoàng Sa từ cách đây hơn 300 năm! Một số công trình công cộng trên địa bàn thành phố cũng được đặt tên liên quan đến chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa như Công viên Biển Đông hay như Trường THCS Hoàng Sa, hoặc như Nhà Trưng bày Hoàng Sa đều ở quận Sơn Trà.

Bùi Văn Tiếng
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử  Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.