Khó phục hồi môi trường mỏ sau khai thác

.

Hiện thành phố có 33 mỏ khai thác đất, đá có giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, trong đó có 9 mỏ không được thực hiện việc đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường. Nhiều người dân sinh sống gần khu vực các mỏ rất bức xúc vì các quả núi, đồi bị đào, khoét, khai thác nham nhở rồi chỉ san gạt và trồng cây che phủ bên ngoài, khó trả lại cảnh quan và phục hồi môi trường như ban đầu.

Hiện trạng nham nhở và chậm được trồng cây phục hồi môi trường ở một mỏ đất đồi sau khai thác tại thôn An Tân, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hiện trạng nham nhở và chậm được trồng cây phục hồi môi trường ở một mỏ đất đồi sau khai thác tại thôn An Tân, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Sau khi bóc gần hết đất ở một quả đồi thuộc thôn An Tân, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 dừng khai thác đất đồi ở đây gần 2 năm nay do chỉ còn lại nhiều đá phong hóa không có giá trị. Đến tháng 8-2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3449/QĐ-UBND phê duyệt đề án đóng cửa mỏ đất này. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân ở tổ 5, thôn An Tân, 2 năm qua, đơn vị được cấp phép khai thác mỏ đất đồi không hề trồng cây keo lá tràm che phủ mỏ đã khai thác nham nhở.

Hiện trạng mỏ sau khai thác với các vách đá phong hóa dựng đứng càng làm cho người dân sinh sống gần mỏ đất đồi này bức xúc và lo sợ đất, đá sạt lở, đổ sập xuống. Người dân cũng không thể trồng cây ở khu vực khai thác mỏ để cải thiện kinh tế gia đình. “Trước đây, chúng tôi trồng cây keo lá tràm trên quả đồi này cho thu nhập cao. Nhưng sau khi khai thác mỏ xong, do có quá nhiều đá phong hóa nên chúng tôi không thể trồng trên đồi, chỉ trồng cây thử ở khu vực bằng phẳng bên dưới, nhưng rất chậm lớn. Hơn nữa, do khai thác để lại vách đá dựng đứng nên chúng tôi rất lo lắng cho sự an toàn của trẻ em. Mỗi khi mưa lớn thì nước mưa cuốn trôi nhiều đất đá bồi lấp vườn tược, đường sá”, ông N.V.K (trú tổ 5, thôn An Tân) cho hay.

Cũng trên địa bàn thôn An Tân, Công ty CP Xây dựng và thương mại Thùy Dương đã được phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khai thác đất đồi 4 năm nay, nhưng người dân trong thôn vẫn bức xúc vì không được hoàn trả lại mặt bằng để trồng cây như trước đây. Còn tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), mặc dù không còn doanh nghiệp nào khai thác đất đồi, nhưng cử tri rất bức xúc với tình trạng chậm hoàn thổ sau khai thác đối với các doanh nghiệp được cấp phép. Cử tri đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, buộc doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trả lại mặt bằng để người dân sản xuất sau khi giấy phép hết thời hạn.

Trên địa bàn xã Hòa Nhơn hiện có 8 mỏ khai thác đất đồi đã và đang tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường. 2 mỏ đất đồi ở thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn) của Công ty TNHH Vạn Tường và mỏ đất đồi tại thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn) của Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ Đại Hồng Tín, do 2 doanh nghiệp này không lập hồ sơ đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường nên UBND thành phố đã có công văn giao UBND huyện Hòa Vang chọn đơn vị có năng lực tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ. Đến nay, mỏ đất đồi ở thôn Thạch Nham Đông của Công ty TNHH Vạn Tường đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường, trồng cây xanh và bàn giao cho UBND huyện Hòa Vang quản lý. Mỏ đất đồi tại thôn Thạch Nham Tây của Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ Đại Hồng Tín đang san gạt, ổn định bờ tầng và trồng cây xanh. 3 mỏ đất đồi khác tại thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn) của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tiến Thanh, Công ty TNHH Phúc Đặng, Công ty TNHH Du lịch - đầu tư Sơn Hải và mỏ đất đồi Hố Như của DNTN Tiến Thanh đang san gạt, ổn định bờ tầng và trồng cây xanh theo đề án đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

Đối với mỏ đất đồi tại thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn) của Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh, do chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường nên thành phố đã xử phạt 120 triệu đồng. Mỏ đất đồi tại thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn) của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Cảng Đà Nẵng đang lập hồ sơ đóng cửa mỏ… Tình trạng chậm hoàn thổ và phục hồi môi trường ở các mỏ khai thác đất đồi làm người dân xã Hòa Nhơn rất bức xúc. “Các mỏ đất đồi bị bóc hết tầng phủ, chỉ để lại lớp đá thì không thể trồng cây để phục hồi môi trường. Các mỏ đất, đá sau khai thác chỉ trồng được một vệt cây xanh ở dưới chân đồi, chiều cao cây không đủ che phủ các vách núi bị khoét nham nhở. Nói chung là khó có thể cải tạo, phục hồi môi trường tại các quả đồi sau khai thác đất, đá và trả lại cảnh quan như trước đây”, bà Huỳnh Thị Hạ (trú tổ 2, thôn Phước Thuận) cho hay.

Các mỏ đất đồi sau khai thác tại xã Hòa Nhơn khó có thể được khôi phục môi trường như trước đây.
Các mỏ đất đồi sau khai thác tại xã Hòa Nhơn khó có thể được khôi phục môi trường như trước đây.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 30 mỏ khai thác khoáng sản có giấy phép khai thác còn hiệu lực và đang lập thủ tục gia hạn khai thác. Cùng với đó, có 33 mỏ khoáng sản có giấy phép khai thác đã hết hiệu lực, trong đó có 24 mỏ khai thác khoáng sản đang tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án đóng cửa mỏ đã được UBND thành phố phê duyệt. 4 mỏ không được lập hồ sơ đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường, UBND thành phố đã có văn bản giao UBND huyện Hòa Vang chọn đơn vị có năng lực để cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ. Hiện nay, UBND huyện Hòa Vang đang chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện.

Ngoài ra, còn có 5 đơn vị chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ và chưa thực hiện nghiêm túc nội dung của đề án đóng cửa mỏ. UBND thành phố đã xử phạt Công ty CP Vật liệu xây dựng Focosev với số tiền 100 triệu đồng vì chưa thực hiện nghiêm túc nội dung của đề án đóng cửa mỏ đá Phước Thuận 3 (xã Hòa Nhơn). Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Công ty TNHH Thạch Toàn vì chưa thực hiện nghiêm túc nội dung đề án đóng cửa mỏ đá Hố Sanh (xã Hòa Nhơn). UBND thành phố cũng ban hành quyết định xử phạt Công ty CP An Tâm và Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh với số tiền 120 triệu đồng/đơn vị vì chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ đất đồi thôn Sơn Phước (xã Hòa Ninh) và mỏ đất đồi thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn)…

Thời gian đến, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiệm thu các mỏ đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường để trình UBND thành phố ban hành quyết định đóng cửa mỏ và bàn giao cho địa phương quản lý; đồng thời tổ chức hậu kiểm việc chấp hành kết luận của đoàn giám sát, kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường năm 2018 của các mỏ khai thác khoáng sản đã hết hạn giấy phép; xử lý vi phạm đối với các đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc kết luận kiểm tra.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.