Nặng lòng với quê hương

.

Hơn 26 năm nay, chị Celice Le Pham (sinh năm 1952, Việt kiều Pháp) đã thực hiện nhiều dự án thiện nguyện tại Việt Nam như một cách trả ơn nguồn cội. Chị Cecile có mẹ người Việt Nam, bố quốc tịch Pháp, sinh ra tại Cần Thơ. Trong một lần về Việt Nam, chị Cecile cảm mến những con người nơi đất mẹ và quyết định gắn bó, giúp đỡ quê hương.

Chị Cecile Le Pham (hàng sau, thứ 2 trái sang) cùng đoàn tổ chức ASSORV thăm các cháu nhỏ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Hoa Mai Đà Nẵng. Ảnh: NVCC
Chị Cecile Le Pham (hàng sau, thứ 2 trái sang) cùng đoàn tổ chức ASSORV thăm các cháu nhỏ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Hoa Mai Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Tôi gặp chị trong căn phòng làm việc công ty trong Khu công nghiệp Hòa Khánh. Đó là một người phụ nữ nhanh nhẹn với nụ cười phúc hậu, mang dáng dấp rất Việt Nam. Bằng giọng Việt Nam không quá thuần thục, chị chậm rãi kể về kỷ niệm lần đầu về nước. Ngày ấy, kinh tế đất nước chưa phát triển như bây giờ, vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, chị nảy sinh ý định sẽ làm gì đó cho quê hương.

Năm 1992, chị về Việt Nam và xây dựng trung tâm trẻ em mồ côi đầu tiên tại Cần Thơ mang tên Hoa Mai tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Tiếp đó, chị xây thêm một trung tâm trẻ em mồ côi Hoa Mai tại thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang).

Năm 1999, sau một cơn bão lớn gây nhiều thiệt hại nặng nề cho Đà Nẵng, chị cùng đoàn cứu trợ của tổ chức ASSORV (Pháp) đến Đà Nẵng để hỗ trợ vật chất, thuốc men. Sau chuyến đi, với cương vị là Phó Chủ tịch tổ chức ASSORV (Pháp) tại Việt Nam, chị thành lập một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại Đà Nẵng.

Chị còn nhớ rõ, một ngày đầu năm 2002, chị cùng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng cắt băng khánh thành Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai (gọi tắt là Trung tâm Hoa Mai, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) trong hạnh phúc.

Trung tâm Hoa Mai nhận nuôi dạy trẻ em mồ côi, các cháu gia đình khó khăn không đủ điều kiện nuôi dưỡng trong vòng 50 năm trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương lân cận. Hiện trung tâm đang nhận nuôi 50 trẻ em mồ côi từ 6 tuổi trở lên trong điều kiện tốt nhất.

Các em được nuôi dưỡng ở đây được học văn hóa tại các trường trên địa bàn. Sau khi học xong phổ thông, cháu nào có nhu cầu học lên đại học, cao đẳng, học nghề sẽ tiếp tục được trung tâm nuôi dưỡng. Đến nay, nhiều em đã trưởng thành có việc làm ổn định, trở thành những người có ích cho xã hội. Mỗi năm, tổ chức ASSORV đầu tư trung bình khoảng 1 tỷ đồng/năm/trung tâm để phục vụ hoạt động.

Chị Cecile còn thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người nghèo. Chị Cecile đã tổ chức nhiều chuyến từ thiện về các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) và miền núi các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Trong đợt bão lũ năm 2017, chị Cecile cùng đoàn cứu trợ ngược về những vùng núi chịu nhiều thiệt hại do sạt lở núi đem hàng trăm phần quà gồm chăn ấm, quần áo sạch, gạo, thức ăn, thuốc men đến tận tay bà con nơi đây. Mỗi năm, chị tặng từ 3-5 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng cho những gia đình nghèo khắp Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Cà Mau, Sóc Trăng,… Chị cũng thường xuyên kết nối đoàn bác sĩ chuyên khoa từ Mỹ tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc cho người dân vùng núi, vùng khó khăn. Mang quốc tịch Pháp nhưng hằng năm, chị ở Việt Nam chiếm 2/3 thời gian, làm việc và cống hiến tại Việt Nam.

Chị Cecile Le Pham hiện là Giám đốc Công ty TNHH Dacotex (đường số 10, Khu công nghiệp Hòa Khánh) hoạt động về ngành may mặc. Công ty giải quyết công ăn việc làm cho 150 công nhân lao động, giúp họ có thu nhập ổn định. Đây cũng là nơi giải quyết việc làm cho các cháu mồ côi sau khi được nuôi dưỡng tại Trung tâm Hoa Mai.

Ngoài ra, công ty Dacotex còn có 2 chi nhánh tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. “Dacotex hình thành với mục đích tạo công ăn việc làm cho người dân. Tiền lãi từ hoạt động sản xuất tôi dùng để thực hiện các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng. Tôi tuyệt đối không mang tiền ra nước ngoài”, chị Cecile nói.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.