2 năm qua, các đơn vị, địa phương chú trọng công tác phủ xanh rừng trồng và rừng đặc dụng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 45,5%, cao hơn mức bình quân của cả nước (41,45%); thành phố đang phấn đấu phủ xanh, phát triển rừng bền vững.
Nhiều hộ dân thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú thoát nghèo nhờ ươm tạo cây keo lá tràm để trồng rừng và cung cấp cho các hộ trồng rừng ở Đà Nẵng, Quảng Nam. |
Vừa bảo vệ, vừa phát triển kinh tế rừng
Đối với xã Hòa Phú, trồng rừng là một ngành kinh tế quan trọng của xã với trữ lượng gỗ khai thác khoảng 240.000 tấn/năm, chủ yếu là cây keo lá tràm, góp phần giảm nghèo cho người dân ở xã miền núi này.
Điển hình như ở thôn Hòa Hải. Hiện cả thôn có hàng chục hộ dân ươm tạo cây keo lá tràm, cung cấp cây giống chất lượng cao để vừa trồng trên diện tích rừng của thôn, vừa bán cây con giống cho nhiều địa phương khác. Cây keo lá tràm trồng ở đây khoảng từ 4 - 4,5 năm là thu hoạch cho năng suất rất cao, thu nhập từ 70-80 triệu đồng/ha.
Ông Võ Sơn (trú thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú) nhìn nhận: “Với diện tích đất trồng lúa và hoa màu rất ít, người dân Hòa Hải đầu tư mạnh vào trồng cây lâm nghiệp và nhờ đó, đời sống người dân khấm khá nhờ trồng rừng”. Theo UBND xã Hòa Phú, hằng năm, bên cạnh bảo vệ tốt 3.266ha rừng hiện có và chăm sóc 2.200ha rừng trồng, người dân địa phương cùng tiến hành thu hoạch và trồng mới hơn 500ha rừng, trong đó chú trọng trồng rừng thâm canh, nâng cao năng suất và hiệu quả.
Bên cạnh chăm sóc từ 8.000 - 8.500ha rừng trồng, hằng năm trên địa bàn huyện Hòa Vang có từ 1.500 - 2.000ha rừng trồng được thu hoạch và trồng lại cây lâm nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
“Thời gian đến, bên cạnh chỉ đạo các xã và các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, huyện tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện các mô hình trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao và hỗ trợ cây giống cho đồng bào Cơ tu ở xã Hòa Bắc đã được giao đất rừng sản xuất; triển khai thí điểm trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu dưới tán rừng ở một số xã”, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, diện tích rừng trồng của Đà Nẵng đang phát triển ổn định và bền vững, rừng trồng sau khai thác đều được trồng lại ngay trong năm, không bỏ hoang hóa đất đai.
Hiện thành phố đang có 43.705ha rừng tự nhiên và 18.947ha rừng trồng, trong đó, phần lớn diện tích rừng trồng là rừng gỗ nhỏ, chủ yếu là cây keo lá tràm, bạch đàn với sản lượng khai thác hơn 50.000m3 gỗ tròn. Thành phố đang có chủ trương khuyến khích hộ trồng rừng gỗ nhỏ chuyển sang rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa cao.
Tăng tỷ lệ che phủ rừng
Từ sau vụ cháy rừng năm 2014 tại tiểu khu 52 và 53 (xã Hòa Phú) làm nhiều diện tích rừng bị thiệt hại, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã tham mưu Sở NN&PTNT trồng phục hồi rừng trên diện tích 10ha bằng cây lát hoa, loài cây mới dẫn nhập vào địa bàn thành phố và lần đầu tiên được chọn trồng thử nghiệm.
Rừng được trồng theo băng với chiều rộng 40m, dài 2,5km, có tác dụng phân chia ranh giới giữa rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa với rừng sản xuất nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng đặc dụng sau khi cháy để trồng rừng bằng các loài cây keo.
Qua 3 năm được trồng và chăm sóc, cây sinh trưởng tốt với chiều cao trung bình 3,4m, đường kính thân cao ngang ngực trung bình 3,2cm, phủ xanh cả diện tích rừng bị cháy trước đây. Từ thành công bước đầu, cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa tiếp tục trồng 16ha cây lát hoa tại tiểu khu 15 (xã Hòa Bắc) từ nguồn kinh phí của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của thành phố. Các diện tích trồng rừng nói trên đang được chăm sóc, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Kể từ khi Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của thành phố đi vào hoạt động từ năm 2017 đến nay, thành phố thực hiện trồng mới và chăm sóc 186ha rừng đặc dụng, phòng hộ thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác; ươm tạo 305.000 cây keo tai tượng để cấp phát cho nhân dân trồng và hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 42.000ha rừng tự nhiên.
Nhờ tăng diện tích rừng trồng, tăng diện tích rừng tự nhiên tái sinh phục hồi và không để xảy ra mất rừng do phá rừng, cháy rừng nên tỷ lệ che phủ rừng của Đà Nẵng đã tăng lên hơn 45,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước 4%.
Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho biết: “Trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đến tận người dân; phối hợp với các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn quản lý; kiểm lâm địa bàn tham mưu cho chủ tịch UBND các xã có rừng thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp...; đặc biệt là tham mưu thành phố ban hành chính sách hỗ trợ trồng rừng kinh tế gỗ lớn và thực hiện tốt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP