Truyền thông giáo dục về Hoàng Sa là hết sức cần thiết

.

Ngày 12-1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) tổ chức hội thảo khoa học nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường và Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm) và Lê Văn Ất (Học viên viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã công bố những ghi chép và hình họa về quần đảo Hoàng Sa trong văn bản “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ” đang được lưu trữ tại Đại học Keio Nhật Bản).

Đây là lần đầu tiên tư liệu giá trị này được công bố. Nhóm tác giải cho rằng, đây là tài liệu vô cùng quan trọng, có giá trị về nhiều mặt. Trong tài liệu có đầy đủ ghi chép và hình họa về Hoàng Sa. Trong so sánh cách mô tả Bãi Cát Vàng với hầu hết các bản đồ nhật trình hiện tại, bản đồ này có phần hoàn chỉnh hơn, có sự phân cách giữa đất liền và ngoài khơi. “Đây là sử liệu góp phần khẳng định vị trí ngoài khơi xa của quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải dải cát ven bờ” - Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương và Th.s Đặng Thị Thùy Dương (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), về thực trạng và giải pháp giáo dục chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ở các trường THPT tại Đà Nẵng, hầu hết giáo viên và học sinh đề nhận định việc giáo dục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong nhà trường là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay tần suất tiến hành các hoạt động giáo dục ý thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong dạy học lịch sử tại các trường THPT trên địa bàn thành phố lại khá thấp. Đồng thời kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan ban ngành thành phố cần bổ sung thêm kiến thức lịch sử địa phương, nhất là vấn đề về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh các giờ học trên lớp, các trường cần thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa, tham quan tìm hiểu các địa điểm lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Đồng quan điểm này, Th.s Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng nêu ý kiến, việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa là sứ mệnh thiêng liêng của mọi người Việt Nam, trước hết là người Đà Nẵng. Đối tượng để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa bao gồm người Việt trong nước, người Việt ở nước ngoài và cả người nước ngoài. Đặc biệt, học sinh, sinh viên là đối tượng cần được tuyên truyền, giáo dục nhiều nhất để khi trưởng thành có thể tự giác và tích cực đóng góp vào quá trình đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

“Giải pháp quan trọng nhất là tạo hành lang pháp lý cho việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học. Việc truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa không chỉ bằng tài liệu giáo khoa mà còn thông qua các kênh khác như: báo chí, sách chuyên khảo, phim ảnh, chương trình nghệ thuật... về chủ quyền biển, đảo nói chung và về quần đảo Hoàng Sa nói riêng”, Th.s Bùi Văn Tiếng nói.

Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng cho biết, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chương trình nhằm tăng cường truyên truyền, giáo dục về biển đảo. Hoàng Sa đã được ngành giáo dục thành phố đưa vào chương trình giảng dạy giáo dục lịch sử địa phương; tổ chức các cuộc thi , tổ chức vẽ tranh tìm hiểu về biển, đảo. UBND huyện Hoàng Sa liên tục phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam thông qua các hoạt động Hội thảo hoa học, triển lãm, sưu tầm tư liệu, phát động hiến tặng tư liệu hiện vật…

Đặc biệt, Nhà trưng bày Hoàng Sa được khánh thành và đưa vào hoạt động đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu đến với các tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài nước về chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Từ tháng 3-2018 đến nay, Nhà trưng bày đã đón 249 đoàn khách, với gần 20 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, bước đầu được cộng đồng đánh giá cao.

LAM PHƯƠNG
 

;
;
.
.
.
.
.