40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (17-2-1979 - 17-2-2019)

Chốt giữ tuyến biên giới Vị Xuyên

.

40 năm đã trôi qua, nhưng cựu chiến binh (CCB) Mai Văn Lâm (ảnh), 60 tuổi (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) vẫn còn nguyên vẹn bao kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng chiến đấu trên biên giới phía Bắc.

Hồi ấy, ông Lâm đang công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 3 thì nhận nhiệm vụ tăng cường cho Quân khu 2 tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau những ngày hành quân khẩn trương, ông đến Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 149, Sư đoàn 356) vào đầu tháng 9-1986, nhận chức vụ Trung đội trưởng, sau lên Phó Đại đội trưởng về quân sự. Đại đội 9 đang phòng ngự trên tuyến biên giới Vị Xuyên (Hà Giang). Tại đây, mọi hoạt động của quân ta đều ở dưới chiến hào và trong các hầm hào chiến đấu. Pháo địch bắn không thành quy luật suốt cả ngày đêm. Bọn lính trinh thám địch thường xuyên đột nhập vào lãnh thổ Việt Nam hòng thực hiện các hành động phá hoại.

Ông Lâm kể: Đại đội 9 phòng ngự trực tiếp tại điểm cao 600 - là một trong những khu vực trọng điểm trên mặt trận Vị Xuyên. Điểm cao 600 có 3 mỏm là 600A, 600B và 600C. Ban Chỉ huy đại đội bố trí mỗi trung đội ở một mỏm. 6 khẩu đội 12 ly 7 của cấp trên tăng cường được bố trí ngay tại chiến hào phía trước cùng với bộ binh. Đội hình phòng ngự của tiểu đoàn bố trí thành 3 tầng với 3 chiến hào chạy vòng theo các đường bình độ. Dọc các chiến hào có nhiều hầm chữ A làm bằng cây vầu và đắp đất dày bên trên (độ dày 1,2 - 1,6 mét). Từ trận địa phòng ngự đi về phía sau phải đi dưới đường hào trục, anh em chiến sĩ gọi vui là “đường hào mùa xuân”.

Đường hào này rộng 0,8 mét, sâu 1,6 mét. Mọi sự cơ động, tiếp vận, khiêng cáng thương binh tử sĩ đều phải đi dưới “đường hào mùa xuân” để phòng tránh pháo địch và trinh thám của đối phương phát hiện. “Gọi là “đường hào mùa xuân” vì đi dưới đường hào này mới an toàn và mới có mùa xuân đoàn tụ với gia đình”, ông Lâm nói.  

Hằng ngày, bộ đội luân phiên trực chiến tại chiến hào và nghỉ ngơi trong các hầm chữ A nhằm bảo đảm sức khỏe cho nhiệm vụ chiến đấu lâu dài. Từng chiến sĩ được quán triệt phương châm “Bình thường hóa cuộc sống chiến hào” như thế hệ cha anh đã làm trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Từng trung đội tổ chức nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm, không để khói bay lên trên.

Công tác tiếp vận hết sức khó khăn vì đường dốc, núi đá và pháo cối của địch. Lực lượng vận tải của trung đoàn đảm nhiệm vận chuyển đạn dược, lương thực và nước uống cho bộ đội. Những lúc thiếu nước, đơn vị tổ chức đi xuống suối Thanh Thủy lấy nước, nhưng hễ địch phát hiện thì rất dễ hy sinh vì pháo cối của chúng. Mỗi khi trời mưa, anh em dùng tấm nilon hứng nước đổ vào bi đông và can nhựa để dành uống. Công tác ngụy trang được đặc biệt coi trọng, bởi nếu địch phát hiện là chúng lập tức bắn pháo sang và bắn rất dai dẳng.

Những năm tháng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã để lại trong lòng người CCB già biết bao kỷ niệm sâu sắc. Ông Lâm nhớ mãi Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Hải hy sinh ngay trên trận địa bởi pháo địch và bùi ngùi nói: “Hải là đảng viên trẻ, rất mưu trí, hăng hái, gan dạ. Ban Chỉ huy đại đội dự định đề nghị cấp trên cho Hải đi đào tạo sĩ quan để phục vụ quân đội lâu dài nhưng chưa kịp thực hiện thì Hải hy sinh”.

Ông Lâm còn nhớ rõ 7 chiến sĩ đã hết hạn nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn tiếp tục ở lại đơn vị và vững vàng tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc. Người CCB già không thể nào quên hình ảnh toàn đơn vị hết lòng thương yêu, gắn bó nhau, sát cánh bên nhau dưới làn pháo địch để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, quyết giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc...   

Dạt dào cảm xúc nhớ về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Lâm bồi hồi đọc lại những câu thơ trong bài thơ “Điểm tựa” của tác giả Lê Đức Thọ (hồi ấy là Trưởng ban Tổ chức Trung ương) mà ông hết sức tâm đắc: “Phải giữ vững đất này cho hôm nay và cho cả ngày mai/ Ôi tâm hồn anh nâng cao tầm thời đại/ Gian khổ mấy cũng không hề e ngại/ Có chịu đựng nào hơn thế nữa không anh...”.
 

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.