Với việc thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020”, đến nay, 11 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đều có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế, mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn của thành phố Đà Nẵng.
Vườn bưởi của gia đình ông Đặng Văn Nhân (thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh) mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. |
Về thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước), dọc đường sạch sẽ, hai bên đường là dãy hoa cảnh nở khoe sắc. Trưởng thôn Nguyễn Thanh Quý đưa tôi đi thăm mô hình nuôi chim cút sạch của các hộ trong thôn. Đây là mô hình sản phẩm “nông nghiệp sạch” của xã Hòa Phước đăng ký trong chương trình OCOP. Với khoảng 50 hộ nuôi chim cút lấy trứng, khoảng 400.000 chim cút được nuôi, hộ nuôi lớn nhất có khi lên đến 40.000 con, có thể coi Trà Kiểm là vựa trứng cút của huyện Hòa Vang.
Thực hiện chương trình OCOP, các hộ nuôi chim cút ở Trà Kiểm hướng đến nuôi chim lấy trứng cút sạch. Bà Huỳnh Thị Thu, hộ nuôi chim cút lớn nhất ở Trà Kiểm cho biết, trước đây, để bảo đảm cút sống khỏe mạnh, cho nhiều trứng, người nuôi thường sử dụng kháng sinh. Thực hiện chương trình nông nghiệp sạch, hiện đã dần thay thế thuốc kháng sinh bằng thuốc sinh học.
Ông Nguyễn Thanh Quý cho biết: “Trà Kiểm là thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Hòa Vang. Hiện mức thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/người/năm, một phần nhờ mô hình nuôi cút lấy trứng đem lại”.
Tại vườn bưởi hộ ông Đặng Văn Nhân (thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh), dù đang trái vụ nhưng hàng trăm gốc bưởi đều trĩu quả. Ông Nhân chia sẻ, vườn bưởi nhà ông được trồng hơn chục năm nay và là bưởi đặc chủng ở đất núi Hòa Ninh. Gia đình ông có gần 400 gốc bưởi, trong đó 150 gốc đang cho quả, mỗi năm 2 vụ bưởi.
“Bưởi ở Hòa Ninh ngoài vụ chính còn cho ra trái vụ. Bưởi ở đây có vị đặc trưng, không ngọt lịm như bưởi da xanh ở phía nam; giá thành không cao bằng bưởi da xanh, nhưng bảo đảm bưởi sạch, nhiều nước, lại hợp với túi tiền của người nông dân nơi đây. Bình quân mỗi năm, một gốc bưởi cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng, cả vườn bưởi thu lãi 300 triệu - 400 triệu đồng trong khi công chăm bón không bao nhiêu”, ông Nhân kể.
Từ thành công của gia đình ông Nhân, các ngành chức năng đã khảo sát về thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất Hòa Ninh, qua đó cho thấy đây là mảnh đất rất phù hợp với loại bưởi đặc chủng Hòa Ninh cũng như bưởi da xanh có nguồn gốc từ miền Nam. Vì thế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư hỗ trợ 12ha để thực hiện đề án mô hình trồng bưởi da xanh ở Hòa Ninh, triển khai từ đầu năm 2018. Ngoài ra, toàn xã Hòa Ninh hiện có khoảng 40ha diện tích trồng bưởi (bao gồm cả 12ha đề án).
“Qua khảo sát của đoàn liên ngành, nhận thấy khí hậu, đất đai ở Hòa Ninh phù hợp với các giống bưởi, nên ngoài đầu tư theo đề án, người dân cũng tham gia trồng bưởi để nhân rộng mô hình. Hy vọng mô hình trồng bưởi da xanh ở Hòa Ninh sẽ mang lại thu nhập tốt cho người dân, giúp phát triển kinh tế địa phương”, ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết.
Khác với Hòa Ninh, xã láng giềng Hòa Sơn phát triển ngành nghề truyền thống làm đá chẻ. Đây là ngành nghề tồn tại hàng chục năm nay, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Việc hơn 100 hộ làm nghề đá chẻ, giải quyết khoảng 500 lao động, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng, là thế mạnh để phát triển kinh tế địa phương của Hòa Sơn.
“Với việc quy hoạch làng đá chẻ 4ha theo quyết định của UBND thành phố, gần 20 hộ đã được di dời vào nơi quy hoạch mới. Dự kiến trong năm 2019, khi giai đoạn 3 của khu quy hoạch làng đá chẻ hoàn thành, sẽ vận động hết các hộ vào sản xuất tập trung. Vấn đề môi trường sẽ được giải quyết căn bản. Đáng mừng, sản phẩm đá chẻ ở Hòa Sơn không chỉ tiêu thụ trong thành phố, ở các tỉnh, thành cả nước mà còn xuất khẩu ra Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản..., mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân”, ông Trần Kim Đính, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn nói.
Huyện Hòa Vang được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015. Việc ban hành Bộ tiêu chí nâng chuẩn các tiêu chí cao hơn so với quy định của Trung ương, triển khai thực hiện đề án nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 được đẩy mạnh với bộ tiêu chí xây dựng Thôn kiểu mẫu nông thôn mới gồm 12 tiêu chí; bước đầu thực hiện ở 17 thôn; qua triển khai, đánh giá có 9/17 thôn đạt chuẩn, tiêu biểu như: thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước), Nam Thành (xã Hòa Phong) và Đông Lâm (xã Hòa Phú)...
Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, việc thực hiện chương trình OCOP bước đầu đã định hình từng sản phẩm đặc trưng ở các xã. Các sản phẩm là hàng hóa và sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện sinh thái, văn hóa, tri thức và công nghệ của địa phương.
Chủ thể thực hiện là các hộ sản xuất đăng ký kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Năm 2019, các ngành chức năng của huyện sẽ có phương án hỗ trợ các sản phẩm đăng ký OCOP phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu vào như giống, vật tư, bao bì, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật,... ; xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ”, ông Hành nói.
Hiện nay, 11/11 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đều có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Cụ thể: xã Hòa Châu có bánh khô mè Quang Châu; xã Hòa Tiến: gạo hữu cơ; xã Hòa Phước: trứng cút sạch; xã Hòa Phong: bánh tráng Túy Loan; xã Hòa Nhơn; kiệu hương; xã Hòa Phú: rượu cần Phú Túc; xã Hòa Khương: cá nước ngọt; xã Hòa Sơn: đá trang trí; xã Hòa Ninh: bưởi da xanh; xã Hòa Liên: tôm, cua Trường Định; xã Hòa Bắc: mía; riêng huyện Hòa Vang có sản phẩm rau, hoa, củ, quả. |
Bài và ảnh: TRỌNG HUY