Hết mình chăm sóc trẻ thiệt thòi

.

Là sinh viên năm tư, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) nhưng Trần Thị Ánh Vân đã có đến 3 năm tham gia chương trình chăm sóc trẻ em khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố. Vừa hướng dẫn một em bị thiểu năng trí tuệ, Ánh Vân vừa vui vẻ cho hay, khi cùng Đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ đến sinh hoạt cộng đồng, Vân tình cờ biết tại Trung tâm có một số bạn nhỏ bị khuyết tật.

Sinh viên Trần Thị Ánh Vân đã có 3 năm tham gia chương trình phục hồi cho trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Sinh viên Trần Thị Ánh Vân đã có 3 năm tham gia chương trình phục hồi cho trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Chứng kiến số phận đáng thương của các em, Vân quyết định dành thời gian cuối tuần đến giúp một số trẻ phục hồi trí tuệ. Dù việc vui đùa với trẻ khiếm khuyết trí tuệ không phải là điều dễ dàng, nhưng những giây phút bên những đứa trẻ bất hạnh giúp Ánh Vân tìm được sự cân bằng sau những giờ học căng thẳng và cả những buổi đi làm thêm vất vả. Không riêng Vân, ở Trung tâm này còn nhiều sinh viên khác cũng tìm đến những đứa trẻ kém may mắn.

Tại Câu lạc bộ Sống độc lập thuộc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố, vài năm nay, cứ sáng thứ bảy hằng tuần, gần 10 sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố lại tìm đến nơi này không đơn giản chỉ để vui chơi mà với lòng yêu thương, sự kiên nhẫn cũng như kiến thức cần thiết, các bạn trẻ đã giúp những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ dần quay lại cuộc sống bình thường.

Gần 2 năm gắn bó nơi đây, Lê Trâm Anh, sinh viên năm ba, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng chia sẻ: “Có em trầm cảm cả ngày ngồi yên, có em tăng động luôn quậy phá, giúp được một em tiến bộ vui lắm như chính mình đạt kết quả tốt trong học tập vậy”.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm cho biết, nếu thực sự chỉ sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị thì không đủ người để tổ chức câu lạc bộ cũng như các mô hình khác. Rất may ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm các hoạt động xã hội, đặc biệt là sinh viên, học sinh ngày càng tìm đến nhiều hơn với hoạt động này.

Cũng nhờ sự yêu thương lan tỏa trong cộng đồng, nhiều năm qua, Làng Hy vọng vẫn “sống được” khi nguồn kinh phí từ thành phố không còn. Ông Phan Thanh Vinh, Giám đốc làng không giấu niềm vui: “Trung bình mỗi tháng nếu tiết kiệm nhất làng cũng cần trên 200 triệu đồng chi phí, thế nhưng vài năm rồi chúng tôi vẫn “xoay” được. Đây là điều đáng mừng khi công tác chăm sóc trẻ em khó khăn ngày càng được xã hội hóa mạnh mẽ.

Chỉ riêng các chợ trên điạ bàn thành phố trong năm 2018 đã duy trì 10 bữa ăn tươi/tháng cho các em trong làng. Gạo thì có một đơn vị ngay đầu năm đã chuyển vào kho của làng với số lượng đủ cho các con ăn cả năm. Đặc biệt, Làng Hy vọng trở thành địa chỉ sinh hoạt cộng đồng khá thường xuyên của các bạn trẻ đến từ các trường và đoàn thanh niên xã, phường. Chính các bạn đã mang đến không khí vui tươi và ấm áp như những gia đình thực sự - điều các em nhỏ bị thiếu thốn lâu nay”.

Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, liên tục những năm gần đây, các nguồn lực dành cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xã hội hóa mạnh mẽ. Trong năm 2018, thông qua các chương trình ‘Mùa xuân cho em”, “Tháng hành động vì trẻ em”, “Đêm hội trăng rằm”..., có gần 10.000 phần quà được trao tận tay các em.

Điều rất đáng ghi nhận là ngoài nguồn lực tài chính do các doanh nghiệp, đơn vị bảo hiểm, một số tổ chức, cá nhân đóng góp, luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình của các bạn trẻ. Bà Trần Thị Diệu Hiền, Phó phòng Bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thuộc Sở LĐ-TB&XH dù có thâm niên trên 20 năm trong công tác trẻ em cũng tỏ ra ngạc nhiên khi ngày càng rất nhiều bạn trẻ tìm đến các trung tâm xã hội và những mảnh đời kém may mắn để chia sẻ yêu thương.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.