Thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội (PBXH), góp ý xây dựng Đảng và chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội (CTXH) thành phố được đẩy mạnh, đi vào nền nếp và hiệu quả hơn. Mặt trận và đoàn thể các cấp đã chủ động chọn vấn đề phù hợp với sự phát triển của thành phố, của địa phương, vấn đề đang được đa số người dân quan tâm kiến nghị để tiến hành giám sát và phản biện, từ đó góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Trong năm 2018, các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại phường, xã đã phát hiện vi phạm, thiếu sót tại 25 công trình, dự án. TRONG ẢNH: Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) giám sát công trình tuyến cống Mê Linh. |
Đối với giám sát thường xuyên, Mặt trận thành phố tiếp tục triển khai đến hệ thống Mặt trận các cấp tập trung giám sát 8 nội dung. Đến nay các nội dung giám sát thường xuyên đều thực hiện tốt, trong đó nổi bật là hoạt động giám sát của 56 Ban Thanh tra nhân dân (Ban TTND) và 94 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (Ban GSĐTCCĐ) ở phường, xã với 328 cuộc giám sát trên 139 lĩnh vực, phát hiện 38 vụ việc có vi phạm và gửi 126 kiến nghị đến cơ quan chức năng, đã giải quyết được 125 kiến nghị; các Ban GSĐTCCĐ đã tổ chức giám sát 340 cuộc với 263 công trình, đã phát hiện vi phạm, thiếu sót tại 25 công trình, dự án và gửi 28 kiến nghị đến các đơn vị có liên quan để khắc phục, sửa chữa.
Nội dung giám sát cán bộ, công chức (CBCC), đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư cũng là hoạt động giám sát hiệu quả của Mặt trận thành phố. Trong năm 2018, nội dung này tiếp tục được kết hợp giám sát theo Quy định số 06-QĐ/TU ngày 17-4-2018 của Thành ủy Đà Nẵng về giám sát của MTTQ Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và nhân dân đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Các nội dung như giám sát việc thu các khoản ngân sách Nhà nước và các khoản vận động trong nhân dân được đảm bảo đúng quy định pháp luật; giám sát việc cấp phát quà Tết, các khoản cứu trợ, phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố. Đến nay không để xảy ra sai phạm. Qua giám sát các nội dung này, Mặt trận các cấp đã phát huy hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên, tổ chức Đảng và chính quyền ở cơ sở vững mạnh.
Đối với giám sát chuyên đề, Mặt trận các cấp và các đoàn thể CTXH đã chủ trì thực hiện 140 đoàn giám sát với 99 chuyên đề. Đáng chú ý là các nội dung giám sát chuyên đề đã được Thường trực Thành ủy thống nhất từ đầu năm như: 3 chuyên đề của Mặt trận thành phố giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, giám sát việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí tại một số địa phương, Đề án giám sát đại biểu dân cử và Giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; chuyên đề của Hội Cựu chiến binh thành phố giám sát việc giải quyết và tồn đọng trong thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; chuyên đề của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố giám sát về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan về công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; chuyên đề của Hội Nông dân thành phố giám sát việc thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn về lĩnh vực giao thông...
Ở cấp quận/huyện, nổi bật có các giám sát chuyên đề của Mặt trận quận Hải Châu về kết quả sắp xếp trật tự vỉa hè trên địa bàn quận Hải Châu giai đoạn 2017-2018; chuyên đề của Mặt trận quận Thanh Khê với nội dung giám sát đối tượng tạm hoãn và thực lực công dân đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự theo Luật Nghĩa vụ quân sự; chuyên đề của Mặt trận quận Sơn Trà với giám sát việc triển khai đề án “Xây dựng sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà”; chuyên đề giám sát của Mặt trận quận Cẩm Lệ về việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách và việc xét, công nhận hộ nghèo năm 2018; chuyên đề của Mặt trận quận Ngũ Hành Sơn với giám sát công tác tiếp dân tại UBND các phường; chuyên đề của Mặt trận huyện Hòa Vang giám sát công tác phát triển đảng viên theo Kết luận 02-KL/HU của Huyện ủy và chuyên đề của Mặt trận quận Liên Chiểu về giám sát việc quản lý người nhập cư, công tác quản lý tôn giáo trên địa bàn quận.
Qua giám sát, Mặt trận các cấp và các đoàn thể CTXH đã đề xuất và kiến nghị rất nhiều nội dung gửi đến các cấp, các ngành chức năng có thẩm quyền từ Trung ương đến cơ sở để khắc phục những sai sót trong quá trình thực hiện hoặc bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành sao cho phù hợp với thực tiễn.
Đối với PBXH, Mặt trận các cấp đã thực hiện 10 hoạt động. Trong đó, Mặt trận thành phố đã tổ chức 3 hoạt động phản biện xã hội (phản biện bằng văn bản thông qua việc lấy ý kiến góp ý của các tổ chức thành viên, các vị chuyên gia về 3 dự thảo văn bản của thành phố; lấy ý kiến nhân dân, hội viên và đoàn viên về việc thu phí giữ xe tại các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố và hội nghị phản biện về phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía tây cầu Rồng và cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý); Mặt trận quận, huyện tổ chức 3 hội nghị PBXH. Lần đầu tiên, Mặt trận 4 phường trên địa bàn thành phố đã tổ chức được hội nghị PBXH, đó là: Thạch Thang và Hòa Cường Bắc phản biện về việc phân loại rác tại nguồn; Hòa Thuận Tây phản biện về hiệu quả sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng; Hòa Cường Nam tổ chức phản biện về công tác sử dụng camera an ninh trên địa bàn phường. Đây là một trong những hoạt động rất đáng biểu dương của Mặt trận cơ sở.
Hoạt động PBXH của Mặt trận các cấp đã phát huy được vai trò đại diện nhân dân thông qua ý kiến của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, các tổ chức CTXH; các liên hiệp hội, hội và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức trong các tầng lớp nhân dân. PBXH của Mặt trận đã hỗ trợ cho ngành chủ quản (đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo) nhiều thông tin để điều chỉnh dự án, chương trình phù hợp với thực tiễn và bảo đảm được sự đồng thuận chung của nhân dân. Sau khi tổ chức phản biện, Mặt trận các cấp đã tổng hợp báo cáo kết quả phản biện gửi đến cấp ủy, chính quyền, được các cơ quan chức năng tiếp thu và có những phản hồi tích cực.
Ngoài ra, việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện thường xuyên thông qua việc tổ chức tốt các hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, việc tổng hợp các ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội và HĐND trước các kỳ họp; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở, tham gia xây dựng các dự án luật, văn bản dưới luật, các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và giám sát 11 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp với các hộ dân trên địa bàn.
ĐẶNG THỊ KIM LIÊN
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố