Nghị quyết số 43-NQ/TW có vai trò rất quan trọng, là văn kiện có ý nghĩa lịch sử với Đà Nẵng

.

Bộ Chính trị (khóa XII) vừa ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố TRƯƠNG QUANG NGHĨA có bài viết nêu bật ý nghĩa quan trọng cũng như những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố chung tay thực hiện để nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững.

Báo Đà Nẵng trân trọng giới thiệu bài viết này.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Bộ Chính trị đánh giá Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, là một trong những địa phương tiên phong trong quyết liệt cải cách và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung: kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, cả về quy mô và tốc độ; các ngành và lĩnh vực kinh tế phát triển đa dạng, hướng tới chất lượng và hiệu quả.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. Thành phố đã tập trung thu hút được nhiều nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, dựa trên việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách với nhiều cách làm mới, sáng tạo, cùng với việc huy động nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tranh thủ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư có mục tiêu.

Nhiều năm liền, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn được triển khai thực hiện, gắn với chương trình “Thành phố 5 không”, “3 có”, “4 an”; Chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn trong nhóm tốt nhất cả nước. Cùng với đó, chính trị - xã hội được ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Những thành tựu sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW là rất rõ nét. Tuy nhiên, thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém, như vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng... còn yếu, chưa đạt được như kỳ vọng, còn khoảng cách giữa yêu cầu với thực tế hiện nay. Kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng năng suất lao động tăng chưa tương xứng; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm khoảng 1,55% so với cả nước; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút so với trước.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất; các nguồn lực cho đầu tư phát triển của thành phố có chiều hướng thu hẹp, nhất là nguồn đất dự trữ cho phát triển ngày càng cạn kiệt; việc xây dựng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc, mang tầm vóc quốc tế còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết.

Những vướng mắc, khó khăn nêu trên đã trở thành “điểm nghẽn”, trở thành cản lực đối với sự phát triển của thành phố. Yêu cầu bức thiết đối với Đà Nẵng lúc này là phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển, có mô hình phát triển mới, với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để Đà Nẵng thực sự bức phá, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực.

Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW đã giải quyết được yêu cầu bức thiết nêu trên của Đà Nẵng. Đây là nghị quyết rất quan trọng và là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, định hướng trong quá trình phát triển của thành phố, tạo một nguồn lực có sức động viên rất lớn đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.

Với nghị quyết này, Đà Nẵng sẽ phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm cho một thành phố biển năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm vực quốc tế; trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ ở khu vực và là trung tâm hội nghị quốc tế; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực và cả nước; một động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực mới, khơi dậy các tiềm năng của thành phố

Với Nghị quyết 43/NQ-TW này, Bộ Chính trị thống nhất cao, đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để “cởi trói”, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh rằng, để các cơ chế chính sách đặc thù thực chất, mang tính khả thi cao thì cần được nghiên cứu thấu đáo, cụ thể, bảo đảm tính tương quan, tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; những việc đã rõ, được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay, việc gì mới, phức tạp nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm. Các cơ chế, chính sách đặc thù tập trung vào ba lĩnh vực chính sau:

- Cho Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

- Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế;

- Cho phép Đà Nẵng được xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.

Với các cơ chế này, tuy vừa mới, vừa phức tạp nhưng lại rất cần thiết cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, tạo động lực mới, khơi dậy các tiềm năng của thành phố; đồng thời, huy động được tối đa các nguồn lực để giúp Đà Nẵng phát triển vượt bậc trong thời gian đến, ngang tầm với các thành phố lớn của khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Khi ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương để cùng với thành phố Đà Nẵng sớm đưa nghị quyết trên vào cuộc sống. Bộ Chính trị đã giao cho Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng chủ động trong triển khai thực hiện nghị quyết; phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa nghị quyết đi ngay vào cuộc sống; chỉ đạo chuẩn bị đề án, kiến nghị về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, năm 2019 - năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố chúng ta, đây là năm phải tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố đề ra, năm bắt đầu cho quá trình chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến đến Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Thành ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan chức năng khẩn trương tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Đề án về một số cơ chế, chính sách đặc thù trên lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương… tham mưu dự thảo chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, để trình Hội nghị Thành ủy ngay trong quý I-2019.

Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW, để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

TRƯƠNG QUANG NGHĨA

(*) Tít bài và tít xen do Báo Đà Nẵng đặt

;
;
.
.
.
.
.