Nhận diện chất lượng thực phẩm

.

Từ cuối năm 2018, lần đầu tiên việc tra cứu thông tin mã hóa điện tử trên tem QR code qua điện thoại di động thông minh được triển khai tại chợ Hàn. Đề án này mở ra hướng đi mới, trong đó góp phần khẳng định nguồn gốc, chất lượng thực phẩm; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Theo Sở Công thương, chợ Hàn hiện có trên 600 điểm kinh doanh, trong đó có hơn 260 điểm kinh doanh các loại thực phẩm như: thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tươi sống; rau, củ, quả; thực phẩm đông lạnh, các thực phẩm chế biến đóng gói và một số mặt hàng như: mắm, chả, nem, đồ thủy sản khô rim…

Việc quản lý những mặt hàng này trước đây được thực hiện theo Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND ngày 2-11-2016 của UBND thành phố (quy định quản lý ATVSTP và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông - lâm - thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn khi nhập vào thành phố tiêu thụ) nhưng chỉ mới dừng ở mức truy xuất nguồn gốc, còn quá trình vận chuyển, chế biến chưa triển khai được. Sau khi UBND thành phố phê duyệt triển khai đề án “Thí điểm dán tem QR code kiểm soát đối với một số sản phẩm thực phẩm sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang tiêu thụ tại chợ Hàn”, Sở Công thương đã cấp 1,4 triệu tem QR code cho 76 tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ này.

Thông tin khai báo trên tem QR code có đầy đủ cơ sở dữ liệu về đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh cung ứng thực phẩm gồm: tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ liên hệ; số điện thoại; địa điểm kinh doanh; mặt hàng kinh doanh, ngày sản xuất, chế biến; thời hạn bảo quản; xuất xứ và hình ảnh minh họa.

Là 1 trong 76 tiểu thương sử dụng tem QR code, bà Trần Thị Lệ Hoàng, chuyên kinh doanh mặt hàng nem, chả cho biết: “Việc dán tem giúp tiểu thương khẳng định được chất lượng sản phẩm, tự tin giao dịch với khách hàng, đặc biệt là du khách”.

Ngoài bà Hoàng, một số mặt hàng thực phẩm như mắm bà Cẩn; mắm Nhựt Hoàng; nem chả bà Thu, Hải Lý; mực khô, bò rim Kim Loan, Thuận Yến, Mỹ Hương... cũng đăng ký sử dụng tem QR code để nhận diện, khẳng định chất lượng sản phẩm. Du khách khi mua chỉ cần dùng điện thoại soi chiếu kiểm tra vào tem dán QR code trên sản phẩm sẽ nhận được thông tin cần thiết.

“Chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm. Không chỉ chất lượng được khẳng định mà giá cả cũng công khai. Đây là điều du khách rất quan tâm”, chị Nguyễn Thị Sen, du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ.

Toàn thành phố hiện có 70 chợ truyền thống, trong đó có 8 chợ hạng 1, 23 chợ hạng 2 và 39 chợ hạng 3. Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương, sau khi thí điểm tại chợ Hàn và nhận được những tín hiệu tích cực, mới đây, UBND thành phố ban hành Quyết định số 6117/QĐ-UBND ngày 13-12-2018 về việc đồng ý tiếp tục triển khai đề án dán tem QR code trên một số sản phẩm thực phẩm khác như rau, củ, quả ngành nông nghiệp và mở rộng tới các chợ hạng 1, hạng 2.

Theo đó, trong năm 2019, bằng nguồn vốn thành phố và huy động một phần từ doanh nghiệp, thương nhân, các hộ kinh doanh sẽ áp dụng dán tem QR code cho các loại thực phẩm khác tại chợ Hàn, chợ Cồn và thí điểm một vài sản phẩm ở chợ hạng 2 tại các quận, huyện.

“Tất nhiên, để thực hiện điều đó, sở phải đặt ra một số tiêu chí để các tiểu thương, ban quản lý các chợ áp dụng, hướng đến. Trong đó nhấn mạnh các chợ bảo đảm tiêu chí ATVSTP; cơ sở được cung cấp tem QR code phải bảo đảm, đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về ATVSTP; các yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin phải đáp ứng và hỗ trợ tối đa cho thương nhân các tài liệu hướng dẫn, cài đặt phần mềm, cập nhật thông tin”, ông Bắc cho biết.

PHAN CHUNG
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.