Phát triển văn hóa luôn cần được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, rất cần huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng và phát triển văn hóa một cách bền vững.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. |
Nhân dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có những chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về những thành tích quan trọng của ngành cũng như những trăn trở, lo âu để phát triển tốt hơn các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch thời gian tới.
Món quà vô cùng quý giá
Thưa ông, năm 2018 là được coi là “mùa vàng” đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với tư cách "tư lệnh ngành", ông tự hào về thành tích nào nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Có thể nói năm 2018 là một năm nhiều dấu ấn đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với khởi đầu là chiến thắng ấn tượng của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, giành Huy chương Bạc Giải bóng đá U23 châu Á.
Tiếp nối là thành công của Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 với 38 huy chương các loại, trong đó có 4 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc, 18 Huy chương Đồng, xếp thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Asian Games 2018, đồng thời Đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam lần đầu tiên vào bán kết.
Khép lại năm dương lịch 2018, Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã xuất sắc giành Cup Vô địch Giải AFF Cup 2018 - một món quà vô cùng quý giá dành tặng người hâm mộ thể thao Việt Nam sau 10 năm mong đợi. Và mới đây, trong những ngày đầu của năm 2019, hàng triệu trái tim người hâm mộ một lần nữa vỡ oà trong niềm hạnh phúc khi tiếp tục đón nhận món quà mà Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam mang về cho Tổ quốc tại Giải Cúp bóng đá châu Á năm 2019 (Asian Cup 2019) khi lần đầu tiên lọt vào Top 8 đội mạnh của bóng đá châu Á. Thành tích này đã khẳng định bước tiến mới của bóng đá Việt Nam trên đấu trường bóng đá Châu lục.
Về các lĩnh vực văn hóa, công tác quản lý lễ hội ngày một nề nếp hơn, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm, việc thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được triển khai sâu rộng ở cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có nhiều đổi mới, tạo sự lan tỏa, thẩm thấu vào các mặt của đời sống xã hội. Đồng thời, đã có nhiều tiến bộ trong công tác quản lý điện ảnh, di tích, thư viện, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm... Bên cạnh đó, nghệ thuật biểu diễn cũng đang có những chuyển biến tích cực, nhan sắc Việt Nam cũng khẳng định vị thế trên đấu trường sắc đẹp quốc tế.
Ngành Du lịch lần đầu tiên đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2018, tăng gần 2 lần so với năm 2015. Du lịch Việt Nam được vinh danh là điểm đến hàng đầu của châu Á do tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Award (WTA) trao tặng.
Lo âu lớn nhất của Bộ trưởng
Bên cạnh thành tựu và nhiều niềm vui lớn của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm qua, trăn trở lớn nhất của Bộ trưởng hiện nay là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nghị quyết số 33-NQ/TW nêu rõ một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới là: “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách...”. Chính vì vậy, lo âu lớn nhất của tôi vẫn là làm sao để chống sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Phải thực sự nói rằng, dù ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có rất nhiều cố gắng trong năm vừa qua ở những hoạt động mang tính dài hạn như tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới, nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đến những hoạt động cụ thể như tăng cường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng đạo đức, lối sống trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cùng với nhiều địa phương ban hành quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, ban hành bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, lan tỏa những chiến thắng trong thể thao, đặc biệt của đội tuyển bóng đá để khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề khắc phục sự xuống cấp đạo đức xã hội vẫn là một thực trạng còn nhức nhối. Đây có lẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất mà ngành tiếp tục phải đầu tư thực hiện trong những năm sắp tới, để hướng đến mục đích tạo ra sự chuyển biến về nhận thức và hành vi, từ đó xây dựng một nền tảng đạo đức tốt đẹp cho xã hội trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, chống xuống cấp đạo đức là công việc của cả hệ thống chính trị, cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả và cộng đồng trách nhiệm của tất cả các cấp, các bộ, ngành, địa phương, từng gia đình, trường học và toàn xã hội.
Văn hóa không thể đứng riêng lẻ
Bộ trưởng có thể chia sẻ hiện nay ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gặp những điểm nghẽn nào cần giải quyết?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Điểm nghẽn thứ nhất là về đội ngũ cán bộ. Chúng ta đang rất thiếu những chuyên gia đầu ngành và những nhà quản lý giỏi, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Bác Hồ đã nói “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Xây dựng được một đội ngũ cán bộ của ngành đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao sẽ là nhân tố quan trọng để các công việc của ngành được thực hiện tốt, từ đó có tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, văn hóa không thể đứng riêng lẻ, phát triển văn hóa luôn cần được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Chính vì vậy, trăn trở thứ hai của tôi chính là cần xác định giải pháp cụ thể hơn nữa để thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước, giải quyết những vấn đề đang bức xúc trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch như mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển, dân tộc và quốc tế, xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hay những vấn đề về chống xuống cấp đạo đức trong xã hội…
Tôi nhận thấy, cơ chế hoạt động cơ bản đầy đủ và có hệ thống, tuy nhiên, nếu có vấn đề được xem là khúc mắc hiện nay thì cũng nằm ở khâu triển khai, không phải hoàn toàn do cơ chế.
Thêm một điểm nữa phải tháo gỡ là cần huy động được sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng và phát triển văn hóa một cách bền vững.
Phát triển một nền văn hóa du lịch thông minh
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch gì để phát triển một nền văn hóa du lịch thông minh, bền vững trong thời gian sắp tới?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Ngành Du lịch đang tích cực, chủ động đưa ra các giải pháp nhằm phát huy tối đa những lợi thế do cuộc Cách mạng này mang lại để phát triển du lịch nhanh và bền vững.
Đặc biệt, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã nhấn mạnh đến yêu cầu ưu tiên phát triển du lịch thông minh. Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch thông minh được xác định là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu của khách du lịch qua thiết bị di động, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước... là những mục tiêu quan trọng cần hướng tới khi phát triển du lịch thông minh.
Chính phủ cũng vừa phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW.
Đề án tập trung vào năm nhóm giải pháp cơ bản sau: Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch; Phát triển hệ thống thông tin ngành du lịch và các ứng dụng gắn với Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, chính phủ điện tử; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch; Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; Hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.
Với những giải pháp đã đề ra, tôi tin tưởng và hy vọng rằng với việc ưu tiên phát triển du lịch thông minh thời đại 4.0 sẽ là cơ hội để giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới về du lịch.
Quản lý tốt các hoạt động lễ hội hơn nữa
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, vì vậy, việc tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Chuẩn bị bước vào mùa lễ hội xuân 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những chỉ đạo quyết liệt nào nhằm tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội tốt hơn nữa?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nhằm tổ chức và quản lý tốt các hoạt động lễ hội năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao các đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra lễ hội tại các địa phương trong toàn quốc.
Đối với một số địa phương còn xảy ra những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội tổ chức năm 2018, cần xây dựng phương án chuyển đổi hình thức tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ quyết liệt chỉ đạo các lễ hội được tổ chức năm 2019 và giai đoạn tiếp theo kiên quyết không để tồn tại việc lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phải đảm bảo đúng mục tiêu của lễ hội là giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, tính nhân văn cho người dân nhằm bảo tồn phát huy được những nét đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thông qua các hoạt động lễ hội.
Theo Chinhphu.vn