Tính chính đáng về sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

.

1. Tính chính đáng trong nắm giữ quyền lực để «lo cho cái chung» là chủ đề luôn được quan tâm giải quyết trong đời sống cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện xã hội được tổ chức thành nhà nước. Tính chính đáng bao gồm: Tính công ích, tính hợp lệ trong cách thức đạt quyền lực và sử dụng quyền lực đúng mục đích và hiệu quả.

Trên thực tế, sự biến chuyển của các chế độ chính trị, của quyền lực có thể coi là sự thay đổi trong xác định về tính chính đáng chính trị. Bởi lẽ đó, ở Việt Nam, cá nhân hay tổ chức nào có thể nắm giữ quyền lực để lo cho Dân, cho Nước không chỉ là là nỗ lực trong mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là sự quan tâm theo dõi, thẩm định khách quan từ phía người dân, xã hội.

Từ trước đến nay, tính chính đáng của thể chế một Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam về căn bản được lý giải theo phương diện  lịch sử - pháp lý. Một mặt, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là điều kiện tiên quyết bảo đảm thắng lợi của tiến trình đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mặt khác, khi đã có chính quyền, điều đó đã được hợp pháp hóa bằng các định chế có tính pháp lý cao nhất - từ Hiến pháp 1959 đến các Hiến pháp sau đó.

Có được địa vị đó là nhờ Đảng đã không ngừng được xây dựng, củng cố cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; mỗi đảng viên của Đảng đã không ngừng rèn luyện, tu dưỡng cả về tài và đức. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Nhân dân ta hết sức tin tưởng và yêu mến Đảng ta, vì Đảng ta là người lãnh đạo họ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(1). Vì lẽ đó, “Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta” (2).

Thực tế cũng cho thấy, từ khi trở thành đảng cầm quyền, bên cạnh những lợi thế trong việc nắm giữ các nguồn lực để «lo cho nước, cho dân», Đảng ta cũng đối diện với nhiều thách thức: Áp lực về yêu cầu phát triển kinh tế; thách thức trong thực hiện dân chủ và công bằng xã hội; trong đánh giá, sử dụng con người cũng như trong phân bổ các giá trị - lợi ích... Trải nghiệm công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước sau ngày miền Bắc được giải phóng, chính Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, Đảng thực sự là lực lượng tiêu biểu về đạo đức, tầm trí tuệ và tính hiệu quả trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

2. Cần phải ghi nhận những nỗ lực của Đảng trong thời kỳ đổi mới, nhưng quả thực vẫn còn khá nhiều việc khiến chúng ta trăn trở suy nghĩ: Đâu là cách nâng tầm để Đảng thực sự là đội tiên phong về trí tuệ của dân tộc và thời đại? Tại sao dân chủ trong Đảng vẫn còn mang tính hình thức? Thước đo phản ánh sự gần dân, trọng dân là gì? Giải pháp căn bản nào để chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn sự suy giảm uy tín của Đảng…

Từ sau Đại hội XII đến nay, với thế và lực mới, Đảng ta đã tập trung giải quyết quyết liệt hơn hai vấn đề có tính đột phá - hoàn thiện thể chế và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, nguồn nhân lực xã hội nói chung. Nhờ chọn trúng, giải quyết tương đối thành công cả hai vấn đề căn cốt trên mà bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong Đảng, trong xã hội ngày càng gia tăng, quan hệ giữa Dân với Đảng thêm đồng thuận, môi trường cho sự phát triển ngày càng trong lành và bền vững hơn.

Tuy nhiên, thách thức đối với sự phát triển vẫn còn nhiều. Vả lại, dường như đâu đó vẫn còn “bộ phận không nhỏ” đang cố “giấu mình”, tìm cách luồn lách để “leo cao”, chui sâu - nhất là trong bối cảnh các cấp bộ Đảng đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Giải pháp cho vấn đề đặt ra để tiếp tục khẳng định tính chính đáng trong sự cầm quyền của Đảng ta hiện nay, phải chăng cần thống nhất trong nhận thức và thực hành một số nội dung cơ bản sau: 
Thứ nhất: Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội vừa là sứ mệnh mà nhân dân giao phó cho Đảng, vừa là một quy phạm mang tính pháp lý, nguyên tắc hiến định. Vì thế, những cá nhân, tổ chức nào của Đảng không làm tròn sứ mệnh đó, không chỉ  tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét xử lý, quan trọng hơn, tùy  mức độ gây hậu quả đối với nước với dân, cần có cơ chế để Nhân dân thể hiện thẩm quyền nhất định trong phán xử «khung hình phạt» của pháp luật.

Thứ hai: Xây dựng những chế định, phản ánh mức độ «gần dân, trọng dân” của các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý. Nội dung các định chế này cần phải ánh tương đối toàn diện năng lực nắm bắt nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân; bàn luận  dân chủ, kỹ lưỡng với dân trong quá trình xác lập những chủ trương và giải pháp triển khai thực hiện các chính sách phát triển đó. Tính đúng đắn, hiệu lực - khả thi và có hiệu quả của các quyết sách liên quan đến quốc kế dân sinh là bộ tiêu chí không chỉ phản ánh năng lực hoạch định, cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước của mọi cấp độ chủ thể có thẩm quyền mà còn phản ánh hàm lượng “gần dân, trọng dân” của đội ngũ cán bộ, đặc biệt phản ánh tài và đức của người có trọng trách, người đứng đầu.

Thứ ba: Để tiếp tục xứng đáng là tấm gương của dân chủ cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong toàn bộ hoạt động của Đảng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh và những khái cạnh liên quan đến việc lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ở mọi cấp độ. Xem thực hành dân chủ là tiêu chí cơ bản nhất trong việc hoàn thiện phương thức hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên và của các tổ chức Đảng.

Xây dựng Đảng thành môi trường của lòng khoan dung, quan hệ ứng xử có lý, có tình, mỗi cán bộ, đảng viên đều biết qua đối thoại để cảm hóa, thuyết phục, đoàn kết trong Đảng, và chỉ như vậy mới có thể tạo lập sự đồng thuận xã hội - nguồn sức mạnh của “toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

PGS.TS Hồ Tấn Sáng

(1) Hồ Chí Minh. Toàn tập,  Nxb CTQG,  Hà Nội, 2000, tập 12, tr .510.
(2) Hồ Chí Minh. Toàn tập,  Nxb CTQG,  Hà Nội, 2000, tập 12 tr. 438.

 

;
;
.
.
.
.
.