Từ giữa tháng 2-2019, Trung tâm Tim mạch-Bệnh viện Đà Nẵng đi vào hoạt động tại địa chỉ 138-140 Hải Phòng. Đây là công trình y tế được UBND thành phố phê duyệt năm 2015, tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng. Với cách thức tổ chức, vận hành hoàn toàn mới cùng đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên sâu và trang thiết bị hiện đại, Trung tâm Tim mạch được kỳ vọng là cơ sở khám, điều trị các bệnh lý về tim mạch hàng đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng. |
* Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết:
Trung tâm Tim mạch-Bệnh viện Đà Nẵng được xây dựng với diện tích sàn gần 12.000m2, gồm 9 tầng nổi và 1 tầng hầm. Trung tâm có quy mô 200 giường bệnh, phân thành 4 khoa gồm: Tim mạch tổng quát, Tim mạch can thiệp, Tim bẩm sinh cấu trúc, Ngoại tim mạch. Bên cạnh đó, Trung tâm thành lập thêm 4 bộ phận có nhiệm vụ hỗ trợ kịp thời các khoa chuyên môn gồm: Gây mê hồi sức ngoại, Hồi sức nội tim mạch, Thăm dò chức năng tim mạch, xét nghiệm và Khám bệnh. Theo bác sĩ Nhân, Trung tâm được xây dựng với quy mô lớn và bài bản, mỗi tầng đều có các khoa, phòng chức năng riêng biệt.
Đơn cử như tầng 1 là khoa Khám bệnh và cấp cứu tim mạch. Đây là nơi tiếp nhận khám, cấp cứu một số bệnh về tim mạch như: nhồi máu cơ tim, phình tách động mạch, cấp cứu khẩn cấp liên quan đến tim mạch. Thay vì vào cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng như trước, giờ đây bệnh nhân có thể vào thẳng Trung tâm Tim mạch để được khám và điều trị kịp thời. Các tầng còn lại được bố trí, sắp xếp thực hiện các chức năng cụ thể, riêng biệt như: triển khai khám tầm soát và thăm dò chức năng tim mạch; điều trị tim bẩm sinh và cấu trúc, dị tật khi sinh ra; kiểm soát nhiễm khuẩn…
* Trung tâm Tim mạch hoạt động theo hướng điều trị chuyên sâu. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Tim mạch có hàng trăm bệnh lý liên quan nhưng trước đây chúng ta chỉ phân thành 2 khoa chính là Nội tim mạch và Ngoại tim mạch. Nay Trung tâm Tim mạch đi vào hoạt động với 4 khoa chính và 4 bộ phận hỗ trợ chuyên môn; từ cơ sở đó, chúng tôi đưa vào vận hành phòng mổ Hybrid được đánh giá là phòng mổ hiện đại bậc nhất trong lĩnh vực phẫu thuật, can thiệp tim mạch ở Việt Nam. Nếu trước đây bệnh nhân đang can thiệp mà xảy ra biến chứng thì phải tạm dừng việc can thiệp để chuyển bệnh nhân lên phòng mổ; hoặc ngược lại, đang mổ nhưng không thể mở thêm vết thương để can thiệp, buộc bác sĩ phải đóng vết mổ để chuyển xuống can thiệp, sau đó lại chuyển ngược lên phòng mổ. Đó là quy trình cũ, mất thời gian và gia tăng nguy cơ rủi ro cho người bệnh.
Phòng mổ Hybrid vừa tích hợp mổ và can thiệp với các trang thiết bị như hệ thống tim phổi nhân tạo sẽ hỗ trợ tối đa cho người bệnh, giảm thiểu nguy cơ rủi ro rất cao. Bên cạnh đó, Trung tâm thiết lập phòng Hồi tỉnh và Hồi sức ngoại khoa, trong đó, phòng Hồi sức ngoại khoa được trang bị hiện đại theo tiêu chuẩn của phòng hồi sức bệnh nặng. Trước đây, bệnh nhân được mổ ở tầng 2, sau đó phải đưa lên tầng 5 hồi sức. Quá trình vận chuyển rất nguy hiểm và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nay với sự kết hợp liên hoàn mổ-hồi tỉnh-hồi sức tạo thành hệ thống 1 chiều khép kín, cách ly hoàn toàn nên bệnh nhân đều bảo đảm an toàn trước, trong và sau khi điều trị. Về công tác bảo đảm an toàn cho người bệnh, đơn vị thành lập thêm Trung tâm Kiểm soát nhiễm khuẩn có nhiệm vụ hấp, tiệt trùng các trang thiết bị, bảo đảm tính chất kịp thời và vô cùng tuyệt đối, giảm tỷ lệ nhiễm trùng, lây nhiễm chéo.
* Lợi ích lớn nhất khi người bệnh được điều trị tại đây là gì?
- Đó chính là được can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Trước đây, do khoa Tim mạch phân bổ nhỏ lẻ, rải rác nên các kỹ thuật liên quan thiếu liên hoàn. Bây giờ các khoa, phòng có chức năng và nhiệm vụ cụ thể, giúp vừa thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu vừa có sự can thiệp, phối hợp kịp thời từ các đơn vị liên quan. Đơn cử như Đơn vị can thiệp tim mạch và hồi sức tim mạch nội tại tầng 8 được trang bị 2 phòng máy can thiệp tim mạch hiện đại để can thiệp các bệnh lý về mạch vành và các bệnh lý bệnh tim cấu trúc.
Hiện Trung tâm Tim mạch đã thực hành chuẩn 98% dịch vụ kỹ thuật tim mạch của Bộ Y tế quy định. Trong ảnh: Can thiệp tim mạch cho một bệnh nhân bằng công nghệ DSA. |
Nơi đây còn được bố trí đầy đủ trang thiết bị và nhân lực chuyên môn. Theo đó, các bệnh nhân đưa vào can thiệp xong được chuyển ra hồi tỉnh, rồi vào hồi sức giúp rút ngắn quy trình và thời gian vận chuyển; đặc biệt tạo sự phối hợp tuyệt đối của các chuyên khoa cùng tham gia. Nếu trước đây các bác sĩ được phân bổ rải rác ở các phòng, khoa trong bệnh viện, thì nay bác sĩ nội ngoại tập trung một chỗ nên loại bỏ được tình trạng mời, đợi khoa này khoa kia mất thời gian. Các vấn đề về tim mạch được hỗ trợ và chẩn đoán nhanh chóng, chính xác. Điều này giúp các bác sĩ tham gia hội chẩn thuận lợi, tạo sự liên hoàn và tập hợp các trang thiết bị để cấp cứu, can thiệp cho bệnh nhân kịp thời.
* Để trở thành Trung tâm Tim mạch hàng đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên, công tác nhân sự đã được chuẩn bị như thế nào?
- Trung tâm hiện có khoảng 130 người gồm: bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và nhân viên hỗ trợ tại các bộ phận chuyên môn. Công tác đào tạo nhân lực được triển khai từ năm 2014 với lộ trình bài bản. Các bác sĩ trong từng lĩnh vực được đưa sang các quốc gia có nền y học tiên tiến đào tạo. Ngoài ra, chương trình hợp tác với Thụy Sỹ, Mỹ, Nhật Bản được thực hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng từ nhiều năm qua. Hiện Viện Tim Quốc gia đã ký kết hỗ trợ chuyên ngành các vấn đề liên quan đến can thiệp và bệnh lý tim mạch khó, tạo sự liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng-Hà Nội. Hiện Trung tâm Tim mạch đã thực hành chuẩn 98% dịch vụ kỹ thuật tim mạch của Bộ Y tế quy định.
* Ngoài nhiệm vụ khám, chữa các bệnh lý liên quan, Trung tâm còn được xem là “cái nôi” đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tim mạch của khu vực. Ông chia sẻ thêm vấn đề này?
- Ngoài các khoa và bộ phận chuyên môn, chúng tôi còn có thêm Trung tâm Đào tạo. Cơ sở đào tạo này do Tổ chức Trái tim vì trái tim (Heart for heart) của Đức tài trợ. Sự khác biệt nằm ở chỗ Tổ chức Trái tim vì trái tim hợp đồng với một bác sĩ hàng đầu thế giới về tim mạch sang Trung tâm Tim mạch trực tiếp giảng dạy, đào tạo với sự cho phép của Bộ Y tế. Học viên là các bác sĩ của Trung tâm và các bệnh viện khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Một điểm mới, tiên tiến nữa là Trung tâm hỗ trợ mô hình điều trị. Nghĩa là cách đào tạo truyền thống vẫn theo phương pháp “nghe - nhìn” với cơ hội thực hành rất ít do chi phí hạn hẹp. Mô hình điều trị của Trung tâm Tim mạch được đầu tư đầy đủ với kinh phí rất lớn giúp các bác sĩ rút ngắn thời gian đào tạo, tăng thời gian thực hành.
Ngoài ra, các trang thiết bị hỗ trợ chương trình đào tạo sẽ kết nối trực tiếp từ phòng trực tuyến vào các phòng mổ, phòng can thiệp, phòng hội chẩn. Những hình ảnh này được chuyển trực tiếp từ Trung tâm khi đang can thiệp đến các hội nghị quốc tế. Những ca bệnh phức tạp, khó được phân tích, mổ xẻ tại các cuộc họp với sự tham gia của các chuyên gia về tim mạch trên thế giới. Qua đó, học viên sẽ có cơ hội tiếp thu, lĩnh hội những kiến thức, tinh hoa của y văn thế giới trong lĩnh vực tim mạch.
* Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!
* Bệnh nhân Đặng Văn Sơn, 80 tuổi, Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình: Khang trang, hiện đại, tận tình Tôi bị bệnh tắc mạch vành nhiều năm nay, điều trị các nơi nhưng không có tiến triển. Ngay khi biết Trung tâm Tim mạch thành phố Đà Nẵng đi vào hoạt động, tôi đã đăng ký để được can thiệp. Có thể nói, đây là cơ sở y tế khang trang nhất tôi từng nằm điều trị. Giường bệnh thoải mái, hiện đại, không phải nằm chung với bệnh nhân khác, có thiết kế rèm che rất tiện lợi, tạo cho người bệnh cảm giác riêng tư. Đội ngũ nhân viên y tế nhiệt tình, tận tâm, chủ động hỏi han người bệnh nên tâm lý chung khi nằm điều trị ở đây rất thoải mái. * Bác sĩ Hồ Văn Phước, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch: Cơ hội phát triển Việc đưa Trung tâm Tim mạch đi vào hoạt động đã chấm dứt tình trạng quá tải ở khoa Tim mạch trước đây. Với các trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện có, Trung tâm là môi trường hết sức thuận lợi cho bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Đặc biệt, với các chương trình hợp tác, đào tạo chuyên sâu cùng các trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực tim mạch giúp đội ngũ nhân viên y tế phát huy hết khả năng, sở trường của bản thân kịp thời cứu chữa những bệnh nhân trong cơn hiểm nghèo. |
PHAN CHUNG thực hiện