Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều thông tin giả, bịa đặt, đặc biệt là giả các văn bản hành chính Nhà nước nhằm thông tin sai sự thật việc quy hoạch dự án, xây cầu, tách, nhập đơn vị hành chính để “thổi” giá đất, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế-xã hội của thành phố.
Sau khi “cò” tung tin giả chia tách huyện Hòa Vang, đất đai được “thổi” giá lên cao ảnh hưởng cuộc sống người dân. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố xung quanh vấn đề này.
* Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt, thậm chí có cả văn bản hành chính giả gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố. Bà cho biết nguyên nhân, cũng như hậu quả của việc giả mạo này?
- Như chúng ta đều biết, hiện nay, sử dụng mạng xã hội để nắm thông tin và cung cấp thông tin là một lợi thế bởi nó không chỉ nhanh mà còn lan tỏa. Lợi dụng điều này, nhiều người đã vi phạm pháp luật khi đăng những nội dung sai trái lên mạng xã hội.
Thời gian qua, Đà Nẵng xảy ra một số vụ giả mạo văn bản của lãnh đạo thành phố, chính quyền các cấp. Các văn bản, thông tin giả này trên môi trường mạng đều nhằm mục đích tạo cơn sốt ảo về giá đất từ những đối tượng đầu cơ bất động sản. Tin giả nhưng hậu quả thật. Chúng ta cũng đã thấy không ít cơn sốt đất tại Đà Nẵng thời gian qua mà nguyên nhân một phần là nhiều người tin theo thông tin sốt giá đất tại các khu vực được đối tượng đầu cơ bất động sản đăng tải trên mạng xã hội nên đổ xô đi mua.
* Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu như thế nào để lãnh đạo thành phố chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc xử lý tình trạng này, thưa bà?
- Liên quan thông tin những đối tượng có mục đích trục lợi, đầu cơ về bất động sản, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các đơn vị liên quan kịp thời có văn bản, thông tin chính thức khẳng định thông tin giả trên mạng xã hội liên quan đến tạo cơn sốt đất ảo.
Đơn cử, đầu tháng 11-2018, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin đính kèm văn bản được cho là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký về việc “phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”.
Nhận thấy đây là văn bản giả mạo, chúng tôi lập tức phối hợp với các cơ quan liên quan để xác minh thông tin. Qua xác minh thông tin, Phòng Quản lý đô thị Văn phòng UBND thành phố xác định đây là văn bản giả mạo, không phải là văn bản thật, lập tức Sở Thông tin và Truyền thông ban hành thông tin báo chí và cung cấp ngay trong ngày cho các cơ quan báo chí hoạt động tại Đà Nẵng thông tin rộng rãi để người dân không mắc bẫy đối tượng đầu cơ đất.
Mới nhất, đầu tháng 3-2019, phát hiện trên mạng xã hội có thông tin cho rằng Đà Nẵng sẽ có quận mới được thành lập ở huyện Hòa Vang, xác định thông tin này cũng với mục đích tạo cơn sốt đất, chúng tôi đã phối hợp với Sở Nội vụ để kịp thời cung cấp thông tin chính thức cho báo chí. Đồng thời Sở Nội vụ lập tức ban hành văn bản khẳng định không có việc tách huyện Hòa Vang thành 2 đơn vị hành chính, đồng thời phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông gửi thông tin ngay trong ngày đến các cơ quan thông tấn báo chí để kịp thời truyền thông rộng rãi về thông tin này.
Trong công tác xử lý thông tin trên môi trường mạng nói chung, hiện nay, chúng ta có Luật An ninh mạng, Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới làm căn cứ pháp lý để yêu cầu các trang thông tin điện tử và mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1-3-2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Khi nhận được những thông tin vi phạm quy định pháp luật trên mạng xã hội, bằng nghiệp vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành các bước kiểm chứng thông tin với người vi phạm và tùy mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử phạt theo luật định. Đối với các địa chỉ người dùng cần công tác điều tra chuyên môn, Công an thành phố sẽ tiến hành thực hiện.
* Sở Thông tin và Truyền thông có khuyến cáo gì với người dân về tình trạng trên?
- Trong môi trường phát triển số hóa mạnh mẽ như ngày nay, mạng xã hội cũng như “con dao hai lưỡi”. Nhiều người rất khó để phân biệt được đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, bịa đặt. Và như chúng ta đã thấy, thời gian qua, xuất hiện không ít thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn bịa đặt, vu khống, sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức và cá nhân, gây hoang mang và bất bình trong dư luận xã hội.
Trong thời gian đến, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp Công an thành phố Đà Nẵng tiếp tục rà soát, ngăn chặn và xử lý các thông tin vi phạm đăng tải trên mạng xã hội; triển khai thực hiện nội dung Chương trình phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giữa Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng và Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; đồng thời tiếp tục thông tin tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật đối với các hoạt động cung cấp sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội để người dân được biết và thực hiện.
Hiện nay, nhiều người sử dụng mạng xã hội nhưng không ít người trong số này chưa phân biệt được thông tin chính thống từ các cơ quan báo chí chính thống, các trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước, mà hễ tiếp cận thông tin trên mạng thì đều cho là thông tin được biết, đã được tiếp nhận. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tin giả, tin xấu, tin độc có cơ hội sinh sôi trên môi trường mạng và bị kẻ xấu lợi dụng.
Thông qua Báo Đà Nẵng, chúng tôi cũng mong thông tin đến với người dân ở góc độ sử dụng mạng xã hội: hãy tìm hiểu thêm về các quy định pháp luật liên quan sử dụng mạng xã hội; cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội; gương mẫu, chuẩn mực khi tham gia môi trường mạng, không phát ngôn tùy tiện, không chia sẻ, bình luận các thông tin vi phạm pháp luật.
Khi phát hiện thông tin trên mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật, như: xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; những thông tin sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác… thì lưu lại các bằng chứng thông tin này qua hình thức sao chụp lại hình ảnh thông tin được đăng tải trên mạng xã hội và cung cấp cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ, xử lý.
* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Xử lý kiên quyết trường hợp vi phạm Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố cho biết, trước thông tin các vụ việc giả mạo công văn Chủ tịch UBND thành phố cũng như các vụ việc tung tin giả mạo trên mạng xã hội gần đây, Công an thành phố đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ vào cuộc xác minh, làm rõ. Trong đó, vụ giả mạo công văn của Chủ tịch UBND thành phố về việc phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đối tượng đã được Công an thành phố Đà Nẵng xác minh, làm rõ. Theo điều tra của Công an, người tung văn bản giả mạo nói trên có tên là Huế (làm việc tại một ngân hàng ở Quảng Bình). Huế có lô đất tại đường Bùi Tá Hán. Thời điểm đó, tình hình đất đai ở Hòa Xuân “nóng” nên Huế muốn bán đất của mình nên đã tìm cách tung tin. Theo đó, Huế lên mạng tìm các văn bản liên quan do Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ ký rồi cắt, lắp ghép thành một văn bản giả mạo có nội dung như trên. Khi đưa lên mạng, có 7 người chia sẻ. Khi làm việc với cơ quan Công an, Huế thừa nhận hành vi của mình. Sau khi cơ quan Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân làm việc thống nhất hướng xử lý, xác định thẩm quyền thuộc về phía cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình... Riêng nội dung thông tin giả đăng trên facebook vào đầu tháng 3-2019 về việc thành phố Đà Nẵng chuẩn bị có quận mới được thành lập mang tên quận Hiếu Đức, bao gồm 4 xã: Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Tiến, Sở Nội vụ cũng đã có văn bản bác bỏ thông tin và cho rằng thông tin tách quận là không chính xác. Ngoài ra, ngày 9-3, chính quyền huyện Hòa Vang có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp điều tra, xử lý nghiêm đối tượng tung tin đồn tách huyện Hòa Vang, thành lập quận mới. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết thêm, thời gian qua, tình hình bất động sản trên địa bàn thành phố tiềm ẩn phức tạp, các “cò đất” làm náo loạn; một số sàn giao dịch có dấu hiệu lừa đảo. Trước chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Công an thành phố sẽ làm kiên quyết, đưa ra xử lý kiên quyết trước pháp luật các vụ việc điển hình nhằm ổn định tình hình. NGỌC PHÚ |
AN NHIÊN thực hiện