Hành trình từ thiện của chàng trai nhặt "ve chai"

.

Ước mơ trở thành thầy giáo nhưng bị mắc hội chứng giảm trí nhớ bẩm sinh nên Đỗ Văn Thịnh (18 tuổi, trú quận Liên Chiểu) đành gác mong ước lại để vào đời với công việc đi giữ xe, nhặt ve chai kiếm sống. Dù chật vật với cuộc sống thường nhật nhưng em luôn giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình...

Thịnh phát cháo cho bệnh nhân.
Thịnh phát cháo cho bệnh nhân.

Vào một buổi trưa tại căn nhà nhỏ tối om, không có bàn ghế gì trên một con hẻm ở đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu), Thịnh đang tất bật chuẩn bị cho buổi từ thiện tại Bệnh viện Liên Chiểu chiều hôm đó. “Nhà chỉ có một ít dụng cụ để nấu ăn và chén dĩa nên nồi nấu, xô đựng cháo..., em phải đi mượn hoặc quyên góp được”, chàng trai tuổi 18 chia sẻ với giọng nói ngọng nghịu và nụ cười hồn nhiên.

Một ngày của Thịnh bắt đầu bằng công việc giữ xe ở quán phở gần nhà từ 6 đến 10 giờ sáng. Đến chiều tối, Thịnh đi nhặt ve chai để bán lấy tiền “nuôi heo” làm từ thiện. “Công việc tuy không vất vả nhưng vì hay quên nên chủ quán khi nào cũng sợ em làm mất xe của khách”, Thịnh kể.

Tiếp lời, anh Đỗ Văn Khương (46 tuổi, cha của Thịnh) chia sẻ: “Giờ Thịnh đã 18 tuổi nhưng hôm nào con về khuya, tôi cũng sợ. Vì có lúc con không nhớ đường về nhà hoặc sợ con quên xe đạp ở đâu”.

Không may mắn như những đứa trẻ khác, Thịnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, cả cha và mẹ đều không có việc làm ổn định. Năm 2012, cha mẹ ly hôn, Thịnh và em trai sống cùng cha. Cảnh “gà trống nuôi con” chật vật, cha của Thịnh mải miết với công việc phụ hồ nặng nhọc nhưng cũng chỉ đủ trang trải nhu cầu thiết yếu thường ngày cho 3 cha con. Thương cha, lại thêm căn bệnh giảm trí nhớ bẩm sinh ngày càng trầm trọng nên đến năm lớp 8, Thịnh xin nghỉ học để đi nhặt ve chai, phụ giúp cha nuôi em trai ăn học.

Đến nay, Thịnh đã có “thâm niên” 5 năm đi nhặt ve chai khắp các nẻo đường của thành phố. 18 tuổi nhưng cuộc sống lam lũ in hằn khiến vóc người em  nhìn chỉ bằng lứa thiếu niên 14 - 15 tuổi. Lúc mới đi nhặt ve chai, thấy thùng rác nào em cũng đều dừng lại với hy vọng tìm kiếm được thứ gì đó có thể bán được; khi thì vài vỏ chai nhựa, khi thì thùng giấy... Lâu dần, nhiều người dân biết hoàn cảnh của Thịnh nên để dành chai lọ, vỏ lon bia, nước ngọt và các đồ phế liệu khác cho em; từ đó, công việc của Thịnh cũng đỡ vất vả hơn trước.

Nhắc về Thịnh, chị Vũ Thị Thương, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn (đường Dũng sĩ Thanh Khê, quận Liên Chiểu) luôn dành tình cảm yêu thương, khâm phục bởi vượt lên hoàn cảnh, Thịnh có một tấm lòng nhân hậu với những phận đời khốn khó: “Sắp tới, Thịnh cùng các bạn tổ chức một buổi phát quà cho trẻ em ở Trung tâm. Đây cũng là lần thứ 4 Thịnh về Trung tâm làm từ thiện”.

Bản tính hiền lành, Thịnh rất thích giúp đỡ người khác, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 11 tuổi, Thịnh xin đi theo các câu lạc bộ thiện nguyện để học hỏi. Thịnh dành phần lớn số tiền nhặt ve chai, khoảng 100.000 đồng mỗi ngày cho việc từ thiện. Từ những ngôi nhà tình thương đến các bệnh viện, nơi nào cũng có dấu chân của em đi qua.

Hôm gặp chúng tôi, 2 nồi cháo do em và các bạn tình nguyện viên của câu lạc bộ nấu được chuyển đến cho 150 bệnh nhân ở Bệnh viện Liên Chiểu. Chi phí mua gạo và thực phẩm nấu cháo khoảng 1,5 - 2 triệu đồng do Thịnh tiết kiệm và kêu gọi mọi người ủng hộ.

Hỏi Thịnh hay quên như vậy rồi cầm tiền lỡ mất thì sao, em kể: “Em phải sắm 3 cái sổ tay để ghi lại những ai đã quyên góp, số tiền, số điện thoại. Sổ khác thì ghi đã đi từ thiện ở đâu, giúp đỡ cho hoàn cảnh nào. Một cuốn nữa ghi lại đã mua những gì. Thế mà lắm khi vẫn quên hoặc làm mất sổ nên sau này em rút kinh nghiệm, nhờ cô ruột giữ hộ”. Chàng trai với tấm lòng nhân ái nở nụ cười hiền nhưng vương chút buồn nơi khóe mắt.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.