Chiều 19-3, sau khi tiếp nhận thông tin của phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ đề nghị Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo tiêu độc khử trùng kỹ càng xe chở heo.
Trước đó, lúc 14 giờ 36 phút, chiếc xe tải chở heo BKS 37C-152.55 của tỉnh Nghệ An (vùng có dịch tả heo châu Phi) dừng tại chốt kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật ở phía nam đèo Phước Tượng (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tại đây có lực lượng công an và thú y túc trực. Khi lái xe mang hồ sơ, giấy tờ xuống xuất trình, cán bộ thú y chỉ phun thuốc tiêu độc khử trùng một bên thùng xe, còn lại bên kia thùng xe không phun thuốc.
Trong khi đó, tại Trạm kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật Kim Liên của thành phố Đà Nẵng, bên cạnh kiểm tra giấy tờ, cán bộ thú y phun thuốc xung quanh thùng xe và kiểm tra lâm sàng heo bằng mắt thường, bảo đảm không có heo có các dấu hiệu mắc bệnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục lưu thông vào phía nam.
Còn tại một điểm rửa xe và cấp nước mui cho xe ở dưới chân đèo Hải Vân (thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), phóng viên ghi nhận có cùng lúc 3 xe chở heo BKS (36C-163.39, 36C-132.86, 36C-122.70) của tỉnh Thanh Hóa, cũng là vùng có dịch tả heo châu Phi đang đỗ tại đây để cho heo uống nước và tắm bằng các vòi phun. Nước từ trong thùng xe chảy lênh láng xuống mặt đất và chảy xuống một mương thoát nước ở gần đó.
Ông Cao Xuân Thái cho hay sẽ có ý kiến với chính quyền địa phương (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) về điểm tắm heo ở dưới chân đèo Hải Vân. Trước đây, dịch bệnh trên đàn heo từng xảy ra tại các điểm cho heo uống nước, tắm heo dọc quốc lộ 1A. (QUÝ NƯƠNG)
* Ngày 19-3, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố cho biết, để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi vào Đà Nẵng, đơn vị vừa ban hành công văn đề nghị Sở Công thương, UBND các quận, huyện chỉ đạo Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng, phòng kinh tế, phòng hạ tầng, ban quản lý chợ các quận, huyện… tuyên truyền rộng rãi đến người dân, hộ tiểu thương về sự nguy hiểm, đường lây lan bệnh và các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi; khuyến cáo hộ tiểu thương không vận chuyển, kinh doanh sản phẩm heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y; thực hiện vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ hằng ngày.
Các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh sản phẩm từ heo tại các chợ, thường xuyên thực hiện tiêu độc, khử trùng tại chợ, nhất là khu vực kinh doanh sản phẩm động vật; kịp thời thông báo và phối hợp với Ban quản lý ATTP thành phố xử lý các trường hợp vi phạm. (HOÀNG HIỆP)