Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

.

Chiều 12-3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; truyền hình trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố. Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và khách quốc tế. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tham dự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Theo đó, ngày 12-7-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan Nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy; trong đó, lần đầu tiên vai trò của Trục liên thông văn bản quốc gia được định nghĩa chính thức, cùng với các nguyên tắc, yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử được quy định đầy đủ.

Đến nay, 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống; văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan Nhà nước (trong 1 tháng đầu năm nay, có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử).

Theo ông Mai Tiến Dũng, việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là minh chứng thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua và cụ thể hoá chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử. Ngoài ra, với việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm, tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian…).

Được biết, từ năm 2016, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (QLVBĐH) của thành phố Đà Nẵng đã liên thông 3 cấp địa phương và kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia để liên thông văn bản 4 cấp. Riêng năm 2018,  toàn thành phố tiếp nhận 1.537/2.121 văn bản được gửi liên thông từ Trục liên thông quốc gia và các cơ quan thành phố Đà Nẵng gửi lên Trục liên thông văn bản quốc gia là 3.421 văn bản cho các cơ quan Trung ương.

Ấn nút khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh vai trò nêu gương và sự quyết tâm, sát sao trong chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền các cấp để tạo chuyển biến thực sự về phương thức, lề lối làm việc theo xu hướng mới, tiên tiến nhằm gỡ bỏ mọi rào cản cả vô hình và hữu hình từ cán bộ có tâm lý ngại thay đổi, do sợ phải minh bạch, công khai công việc...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, từ đánh giá chung cho thấy, Việt Nam vẫn còn đi chậm trong xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó việc vận hành hệ thống liên thông văn bản quốc gia. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đều đã triển khai liên thông văn bản điện tử từ đầu những năm 2000. Về Chính phủ điện tử, xếp hạng của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Câu hỏi đặt ra là phải làm sao để học hỏi được kinh nghiệm của những nước đi trước để lựa chọn các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến hơn của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm rút ngắn khoảng cách, thay vì đi tuần tự như các mô hình phát triển cũ”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bước đầu việc kết nối, liên thông phần mềm, thử nghiệm Trục liên thông văn bản quốc gia đã được diễn ra thuận lợi, an toàn và đạt kết quả tốt. Trục liên thông văn bản quốc gia không chỉ tiết kiệm chi phí hành chính, giảm thời gian xử lý văn bản và tiến tới loại bỏ tình trạng “ngâm hồ sơ”, giúp lãnh đạo cơ quan biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc trên hệ thống, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.