Bà Đinh Thị Mỹ Hạnh, Trưởng ban Công tác Mặt trận Phước Trường 2 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho biết, thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” cũng như tăng cường cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, khu dân cư (KDC) Phước Trường 2 đã triển khai mô hình “KDC thân thiện môi trường, thực hiện tang văn minh, tiến bộ”.
Mô hình này tuyên truyền người dân phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày để bảo vệ môi trường; tuyên truyền vận động nhân dân lựa chọn hình thức hỏa táng khi có người thân qua đời nhằm giảm những tập tục lạc hậu, mê tín, giảm tốn kém, thực hành tiết kiệm…
KDC Phước Trường 2 có gần 180 hộ dân với 5 tổ dân phố (từ tổ 7 đến 11). Cuộc sống trước đây thuần nông với nghề trồng hoa, trồng rau và làm nghề biển. Sau thời kỳ đất đô thị hóa, đất khu vực Phước Trường “sốt”, diện tích đất trồng trọt được tiết giảm triệt để. Chỉ còn lại ít mảnh nhỏ chưa được chủ đất đầu tư xây dựng, người dân tranh thủ mượn trồng hoa màu tạm để mưu sinh.
Cũng bởi tư duy thuần nông nên đa phần người dân vẫn có thói quen bạ đâu vứt rác đấy. “Trước đây, khu vực Phước Trường nhếch nhác, mất mỹ quan lắm. Mặc dù chúng tôi tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nhưng họ cứ theo thói quen cũ. Mô hình bảo vệ môi trường và “Tang văn minh, tiến bộ” nhằm tác động, nâng cao nhận thức của người dân để họ bảo vệ chính môi trường sống mỗi ngày”, bà Hạnh chia sẻ.
Từ giữa tháng 10-2018, Ban Công tác Mặt trận Phước Trường 2 triển khai mô hình “Tang văn minh, tiến bộ”, đồng thời vận động người dân bảo vệ môi trường, phân loại rác thải. Đại diện các hộ đã ký cam kết thực hiện mô hình “KDC thân thiện môi trường, thực hiện tang văn minh, tiến bộ” vì môi trường xanh - sạch - đẹp và cũng để góp phần bảo vệ môi trường chung của thành phố.
“Hiện có 40 hộ tích cực phân loại rác thải, thu gom được hơn 300.000 đồng. Chúng tôi sẽ so sánh, đối chiếu qua sổ nhật ký phân loại để đưa ra đánh giá, nếu đạt hiệu quả cao sẽ nhân rộng mô hình”, bà Hạnh cho biết.
Cái khó là không dễ thay đổi ý thức, nhận thức của người dân, một phần do thói quen “thuần nông”, một phần do trình độ học vấn hạn chế. Chẳng hạn, khi bà Phó Trưởng ban Công tác Mặt trận đi gom phế thải từ các thùng đựng rác phân loại, có người nói rằng “cần bao nhiều tiền từ việc thu gom thì họ đưa, khỏi mất công phân loại rác”. Song, các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận đã kiên trì lý giải về những lợi ích trước mắt và lâu dài của việc phân loại rác, thu gom rác. Số tiền từ việc thu gom rác được đưa vào quỹ hỗ trợ, cho vay vốn đối với các hộ khó khăn, hộ nghèo hoặc hỗ trợ các trường hợp đột xuất trong KDC.
Hiệu quả mô hình dù chưa như mong đợi nhưng bà Hạnh tin rằng, với sự nỗ lực và mềm dẻo của cán bộ cơ sở và sự hợp tác, đồng thuận của số đông người dân, KDC Phước Trường 2 sẽ luôn sạch, đẹp; người dân nơi đây sẽ chung tay bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
TRỌNG HUY