Phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái là một trong những cách xây nên nền tảng hạnh phúc trong gia đình và xã hội.
Trẻ em Đà Nẵng truyền tải thông điệp về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. |
An toàn cho mọi người, trong đó có phụ nữ, trẻ em đang là vấn đề đáng quan ngại hiện nay khi mà các vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục, phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình ngày càng gia tăng. Tại Đà Nẵng, từ năm 2016 đến 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 464 vụ bạo lực gia đình mà hầu hết nạn nhân là phụ nữ, gần 40 trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Ngoài ra, có 4.200 vụ ly hôn; trong đó, có đến hơn 3.500 vụ xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn gia đình, 63 vụ đánh đập và ngược đãi...
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố bức xúc: “Chỉ chưa đầy 2 tháng đầu năm 2019, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nghe những thông tin rúng động và đau xót, như vụ bắt cóc, hiếp dâm và sát hại nữ sinh viên ở Điện Biên. Đáng chú ý, vụ người cha ở Thái Bình đưa con vào Đà Nẵng giết con và phi tang xác tại sông Hàn... gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Nhiều vụ việc gây bức xúc trong thời gian gần đây, như: vụ án tại Nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười, vụ đánh vợ gây thương tích, dẫn đến chết người ở quận Sơn Trà, hay gần đây nhất là vụ án ghen tuông, giết vợ ở quận Cẩm Lệ..., trong đó, những người phụ nữ là nạn nhân và vết thương thể xác lẫn tinh thần đó sẽ đeo bám suốt cuộc đời họ”.
Bà Thu Hà khẳng định, trẻ em, phụ nữ là “một nửa” của yêu thương, hạnh phúc. Vì thế, xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là đánh đổi hạnh phúc, vi phạm pháp luật, quyền con người, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của từng gia đình và toàn xã hội. Những vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em luôn khiến cho chúng ta bức xúc, lo lắng khi môi trường xã hội, môi trường học đường không còn thực sự an toàn. Vì vậy, cùng với Trung ương Hội LHPN Việt Nam, năm 2019, Hội LHPN thành phố đã chọn chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” là nội dung hoạt động xuyên suốt của các cấp Hội.
“Đây cũng là điểm nhấn góp phần tạo nên một môi trường hạnh phúc cho chính từng gia đình và lan tỏa ra toàn xã hội”, bà Hà khẳng định.
Tại Đà Nẵng, để bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi bị xâm hại, bạo lực, những năm qua, các ngành, các cấp đã đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các trung tâm trợ giúp pháp lý tăng cường trợ giúp pháp lý đến các xã, phường miền núi, vùng ven biển, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều đối tượng phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực.
Ngoài ra, thành phố cũng có nhiều hoạt động, mô hình thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, như: mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại 56/56 phường, xã thông qua các CLB hòa giải, tư vấn cho các hộ gia đình có vấn đề về bạo lực gia đình; mở đường dây nóng kết nối với Hội LHPN, Công an khu vực, tổ dân phố... để dễ dàng can thiệp về bạo lực gia đình; đồng thời, duy trì hoạt động của 714 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 109 nhóm, tổ tư vấn phòng chống bạo lực gia đình, 122 tổ phản ứng nhanh và 33 tổ hòa giải của Hội LHPN các cấp.
Năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa vào hoạt động chi nhánh Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khu vực miền Trung-Tây Nguyên tại Đà Nẵng. Đây cũng là giải pháp góp phần hỗ trợ, tư vấn, kết nối, xử lý kịp thời các trường hợp trẻ em, phụ nữ bị bạo lực, xâm hại.
UBND thành phố cũng giao cho Hội LHPN xây dựng mạng lưới người có ảnh hưởng trong xã hội để truyền tải thông điệp về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đến nay, đã thành lập được 16 CLB những người có ảnh hưởng gồm nam giới và phụ huynh để cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân/người có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố.
Có thể thấy, thành phố đã và đang bằng nhiều biện pháp, giải pháp kêu gọi các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội chung tay hành động nhằm xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Cùng với các giải pháp đó, chính bản thân phụ nữ và trẻ em cũng phải có tiếng nói của mình, mạnh dạn phản đối tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới cũng như biết cách tự bảo vệ mình, giữ gìn hạnh phúc ngay tại tế bào xã hội là gia đình. Một khi phụ nữ, trẻ em an toàn cũng chính là hạnh phúc, bình an của mỗi gia đình, là sự phát triển bền vững của đất nước.
Bài và ảnh: THANH TÌNH