Nhắc đến ông Võ Văn Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián (quận Thanh Khê), người ta nghĩ ngay đến mô hình “4 không, 4 nên” đã làm đổi thay nhiều nếp sống văn hóa của nhân dân phường.
Ông Võ Văn Đoàn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián (phải) tặng hoa cho đại diện các khu dân cư trong một lần tổ chức chương trình chung tay xây dựng “Thành phố 4 an”. Ảnh: NVCC |
Năm 2014, từ thực tế cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, ông Đoàn đề xuất với Đảng ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường xây dựng mô hình “4 không, 4 nên” với các tiêu chí cụ thể, thiết thực để dễ dàng vận động nhân dân thực hiện.
“4 không” gồm: không đổ nước thải ra đường kiệt, hẻm; không vứt rác bừa bãi ra đường; không đốt giấy vàng mã khi không có thùng và không vãi gạo muối ra đường khi cúng giỗ; không để vật nuôi phóng uế bừa bãi trong khu dân cư. “4 nên” là: đổ rác đúng thời gian và địa điểm quy định; thường xuyên, tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường; tận dụng diện tích đất, không gian để phát triển cây xanh và thể hiện sự không đồng tình đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi khởi xướng, ông Đoàn đưa các nội dung của “4 không, 4 nên” tuyên truyền rộng khắp đến các khu dân cư thông qua các buổi họp dân, Ngày hội Đại đoàn kết. Thời gian đầu thực hiện, nhiều hộ dân chưa quen nên mô hình gặp không ít khó khăn.
“Có những thói quen từ lâu đời đã ăn sâu vào ý thức của người dân nên không thể vận động họ bỏ ngay được. Các tiêu chí như không đốt vàng mã và vãi gạo, muối ra đường khi cúng bái thời gian đầu thực hiện vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân. Tôi phải mời các sư thầy ở chùa đến nói chuyện về việc đốt, rải vàng mã là không đúng theo đạo Phật. Dần dần, bà con mới hiểu và làm theo”, ông Đoàn chia sẻ.
Thời gian đầu, ông vận động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đương chức thực hiện trước để làm gương. Khu vực nào có nhiều hộ theo đạo Phật, ông Đoàn mời các sư thầy về nói chuyện. Để việc tuyên truyền được thường xuyên, liên tục, ông Đoàn cho in hơn 4.300 tờ rơi phát đến từng hộ, treo 80 băng-rôn tại các khu dân cư.
“Một hộ có 4 người thì phải làm sao cho ít nhất 2 người đọc được tờ rơi rồi từ đó mọi người vận động, nhắc nhở lẫn nhau cùng thực hiện. Để thay đổi nhận thức người dân là điều không dễ, phải làm thường xuyên, liên tục, “mưa dầm thấm lâu”. Tờ rơi phát từ những ngày đầu khởi xướng nhưng đến bây giờ, có những hộ vẫn cất dưới bàn kính, đóng khung treo trên tường, dán ở cửa. Đó chính là bước thay đổi nhận thức rõ rệt nhất trong từng người dân”, ông Đoàn vui mừng.
Theo ông Đoàn, từ khi đưa vào thực hiện “4 không, 4 nên”, ý thức bảo vệ môi trường của người dân thay đổi rõ rệt. Tình trạng mạnh ai vứt rác ra đường trước đây không còn nữa. Mọi người có ý thức hơn trong việc đổ rác, tập kết rác thải. Các hộ nuôi động vật cũng chú ý hơn trong vấn đề vệ sinh, không để ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Hầu hết các hộ đều có thùng sắt để đốt vàng mã, trang bị khay đựng cháo hoa, gạo muối sau khi cúng. Điều này vừa giúp giữ gìn mỹ quan đô thị, vừa tránh tình trạng lây lan cháy nổ.
“Hiện nay, hơn 95% hộ dân tại phường Chính Gián thực hiện tốt các tiêu chí “4 không, 4 nên”. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ mới chuyển đến hoặc hộ thuê nhà là chưa thực hiện tốt do chưa nắm rõ quy định. Chúng tôi thường xuyên đến tận nhà các hộ này để tuyên truyền, vận động thực hiện đúng theo mô hình “4 không, 4 nên” để cùng chung tay xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, văn minh”, ông Đoàn nói.
Bí thư Đảng ủy phường Chính Gián Trương Thanh Toàn nhận định: “Mô hình “4 không - 4 nên” là một trong những mô hình thiết thực, trực tiếp tác động đến nhận thức và hành động của nhân dân, giúp xây dựng môi trường sạch đẹp, đóng góp hiệu quả vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.
LAM PHƯƠNG