"Ngày nông thôn mới" ở Hòa Bắc

.

Thứ năm hằng tuần, cán bộ, nhân viên xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) lại tham gia thực hiện “Ngày nông thôn mới” kết hợp làm công tác tuyên truyền vận động tại các thôn.

Có mặt tại Hòa Bắc một buổi sáng cuối tháng 1, trời lất phất mưa, chúng tôi thấy hàng chục cán bộ, nhân viên xã Hòa Bắc cùng với nhiều người dân địa phương tất bật giẫy cỏ và xây bồn hoa hai bên tuyến đường chính đi qua thôn An Định. Mọi người hồ hởi dọn vệ sinh, kéo xe chở cát, trộn hồ, bê gạch, xây bồn hoa. Chủ tịch UBND xã Lê Thị Thu Hà cũng trực tiếp cầm cuốc giẫy cỏ, vừa làm vừa cho biết, từ năm 2018, lãnh đạo xã phát động phong trào “Ngày nông thôn mới” vào thứ năm hằng tuần, tiến hành cả buổi sáng và buổi chiều.

Theo đó, UBND xã tổ chức khảo sát, chọn công việc phù hợp cho mỗi tuần để thực hiện. Trong ngày đó, chỉ có dân quân đang trực gác và bộ phận giải quyết hồ sơ làm việc tại cơ quan xã, còn hầu hết cán bộ, nhân viên đều tham gia thực hiện “Ngày nông thôn mới”; đồng thời tiến hành tại thôn nào thì huy động nhân dân ở thôn đó cùng tham gia. “Ở xã miền núi này, chỉ tuyên truyền suông là không đạt kết quả, mà cán bộ phải miệng nói tay làm và hễ thấy cán bộ làm là bà con nhân dân sẽ làm theo”, chị Hà chia sẻ.

Với “Ngày nông thôn mới”, xã Hòa Bắc đã làm nhiều việc thiết thực phục vụ đời sống nhân dân như: dọn vệ sinh môi trường, ra quân an toàn giao thông, giúp dân lao động sản xuất... Đội ngũ cán bộ xã kết hợp trong thời gian thực hiện “Ngày nông thôn mới” để vận động nhân dân nêu cao ý thức bảo vệ rừng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện nếp sống văn hóa văn minh...

Qua đó, “Ngày nông thôn mới” làm tăng thêm sự gần gũi, gắn bó giữa cán bộ với nhân dân địa phương. Bà Trương Thị Mại (thôn An Định) bộc bạch: “Thấy cán bộ xã đến làm công trình trong thôn, ai cũng phấn khởi và gọi nhau cùng tham gia lao động xây dựng quê hương”. Bí thư Đảng ủy xã Hồ Tăng Phúc cho biết, toàn xã xác định thực hiện “Ngày nông thôn mới” là việc làm thiết thực về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ở Hòa Bắc còn có nhiều mô hình làm theo Bác đạt hiệu quả cao như: “3 chuyên, 4 cần”, “Cây giống giúp hộ nghèo”, “Nuôi heo đất”, “Thùng rác môi trường”, “Đội thanh niên xung kích”. Đặc biệt, mô hình “Hũ gạo tình thương” duy trì thường xuyên tại 12 chi bộ trên địa bàn xã, đem lại nhiều kết quả khả quan. Với mô hình này, đảng viên từng chi bộ tự nguyện đóng góp kinh phí mua gạo ăn hỗ trợ hằng tháng cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn và hướng dẫn cách làm ăn thoát nghèo.

Đơn cử như Chi bộ Quân sự mỗi tháng đóng góp hỗ trợ 700.000 đồng và hỗ trợ trồng vườn chuối năng suất cao, giúp hộ ông Nguyễn Vũ ở thôn Nam Yên thoát nghèo bền vững. Hay như bà Trần Thị Vàng (thôn Nam Yên) già yếu, neo đơn, đã được 15 đảng viên ở cùng thôn hỗ trợ thường xuyên 10kg gạo/tháng và tích cực vận động các nhà hảo tâm ủng hộ thêm, giúp bà Vàng có cuộc sống ổn định...  

Từ “Ngày nông thôn mới” đến những mô hình làm theo Bác tại xã Hòa Bắc đã tạo ra nhiều khởi sắc và góp phần làm nên bao đổi thay trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa. Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường, các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Hòa Bắc, nhất là phong trào “Ngày nông thôn mới” có tác dụng và ý nghĩa sâu sắc, là cách làm mang tính đột phá, cần được tuyên truyền nhân rộng.  

LÊ VĂN THƠM
 

;
;
.
.
.
.
.