Phát huy kết quả tích cực trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội

.

5 năm qua, việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Bộ Chính trị khóa XI (viết tắt là Quyết định 217, 218-QĐ/TW) trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả tích cực.

Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành phố về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tại UBND quận Ngũ Hành Sơn.
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành phố về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tại UBND quận Ngũ Hành Sơn.

MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy trong việc thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Điều đó thể hiện qua việc Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 17-4-2014 để triển khai các quyết định này đến toàn thể đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố; chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, Đảng Đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố phổ biến, quán triệt đến các cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân; chỉ đạo Ban Dân vận Thành ủy tham mưu ban hành các văn bản cụ thể hóa Quyết định số 218-QĐ/TW triển khai thực hiện phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị.

Thành ủy còn chỉ đạo Trường Chính trị thành phố đưa nội dung 2 quyết định này vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị; chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Đảng Đoàn HĐND phối hợp với Đảng Đoàn Mặt trận thành phố ký kết các quy chế phối hợp, triển khai thực hiện các nội dung của 2 Quyết định số 217, 218-QĐ/TW.

Trên cơ sở đó, đại diện Ban Thường trực MTTQ Việt Nam thành phố luôn được mời tham dự và có ý kiến tại các cuộc họp giao ban định kỳ của Thường trực HĐND, UBND thành phố và các cuộc họp lấy ý kiến về chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân. Định kỳ hằng năm, Thường trực Thành ủy trực tiếp cho ý kiến phê duyệt các chuyên đề giám sát của Mặt trận phối hợp với đoàn thể chính trị - xã hội thành phố thống nhất trình (trên cơ sở đã hiệp y với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và UBND thành phố), để từ đó Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố có đầy đủ cơ sở và điều kiện để triển khai thực hiện.

Theo đó, hoạt động giám sát - phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và chính quyền của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố ngày càng được đẩy mạnh, đi vào nền nếp và có kết quả tích cực. Mặt trận các cấp và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã chủ trì 63 đoàn giám sát với những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc, liên quan quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Mặt trận các cấp thực hiện tốt công tác giám sát thường xuyên với nhiều nội dung tạo được lòng tin trong nhân dân.

Công tác phản biện xã hội được thực hiện với 37 hoạt động (Mặt trận thành phố 11 nội dung; Mặt trận quận, huyện 7 nội dung; Mặt trận phường, xã 19 nội dung). Các nội dung góp ý, phản biện đều được cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao và được tiếp thu, điều chỉnh. Công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Mặt trận các cấp thực hiện ngày càng thiết thực.

Người dân phát huy được quyền làm chủ khi tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là phát huy được vai trò của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư và lực lượng cốt cán. Việc thu thập ý kiến, nắm bắt tình hình dư luận xã hội trong nhân dân, chủ động kiến nghị người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện việc đối thoại với nhân dân tiếp tục được Mặt trận và đoàn thể chú trọng thực hiện.

Ngoài ra, vai trò của Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội thành phố các cấp còn được phát huy hiệu quả qua các hoạt động nhân dân tham gia ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử và tại các kỳ họp HĐND các cấp, tham gia bầu cử, giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, giám sát chính quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân.

Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn, hạn chế là công tác quán triệt phổ biến, tuyên truyền ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao. Việc xác định nội dung phản biện có nơi còn lúng túng, thiếu thông tin. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở tham gia công tác phản biện xã hội còn ít. Việc giải quyết kiến nghị của chính quyền ở một số địa phương còn chậm.

Để tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian đến, Đà Nẵng cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung quy chế, quy định của Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của thành phố về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.

Thứ hai, chính quyền các cấp thành phố kịp thời tiếp thu, xử lý, giải quyết; quan tâm, xem xét và giải quyết thỏa đáng những đề xuất, kiến nghị sau giám sát và góp ý của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân gửi đến; thực hiện tốt việc tham mưu tổ chức đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. 

Thứ ba, Mặt trận và đoàn thể các cấp cần chủ động chọn lựa những nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở nghị quyết, chương trình hành động, nhiệm vụ được giao và tình hình của địa phương. Thứ tư, Mặt trận các cấp cần nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW, nhất là việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm; chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ làm công tác giám sát tại cơ sở.

Cuối cùng, Mặt trận các cấp tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về “giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” trên địa bàn thành phố.

TRẦN THỊ MẪN

;
;
.
.
.
.
.