* Chốt chặn vận chuyển heo vào phía Nam
Chiều 18-3, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố tiến hành kiểm tra việc cung ứng, kinh doanh, chế biến thịt heo tại các siêu thị trên địa bàn. Tại buổi kiểm tra, các siêu thị đã xuất trình giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm động vật (thịt heo) đủ điều kiện ATTP, có cam kết bảo đảm ATTP, thịt heo thuộc chuỗi ATTP… do các đơn vị cung cấp uy tín trên địa bàn thành phố chứng nhận từng lô hàng nhập vào siêu thị. Các siêu thị cũng đã lấy mẫu thịt heo gửi Chi cục Thú y vùng 4 để xét nghiệm virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi và được chứng nhận không phát hiện virus gây bệnh này trên các mẫu xét nghiệm.
Lãnh đạo Ban quản lý ATTP thành phố hoan nghênh các siêu thị đã chủ động thực hiện việc lấy mẫu thịt heo hằng ngày để xét nghiệm và công bố kết quả đến người tiêu dùng; đồng thời lưu ý các siêu thị tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chế biến thịt heo… Trong những ngày đến, Ban quản lý ATTP thành phố tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi tại các chợ, doanh nghiệp cung cấp thịt heo, cơ sở giết mổ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền cơ sở tập trung tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi. Bộ cũng chỉ đạo tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép heo cảnh mini qua biên giới; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép heo cảnh mini không rõ nguồn gốc, heo cảnh nhập lậu.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 253 xã, 57 huyện của 18 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 26.807 con. Bệnh dịch này đã lan vào đến huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đề nghị chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm heo từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam; bố trí đủ nhân lực và kinh phí hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch tạm thời, cấp kinh phí mua hóa chất sát trùng, máy phun tiêu độc khử trùng. Các địa phương thành lập ngay 2 chốt kiểm dịch tạm thời tại tỉnh Quảng Bình và bố trí đầy đủ các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với heo và sản phẩm heo vận chuyển qua địa bàn tỉnh.
HOÀNG HIỆP