Thôn Tân Hạnh chuyển mình mạnh mẽ

.

Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thôn Tân Hạnh (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) đang có bước chuyển mình theo hướng tích cực: cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện; an ninh trật tự (ANTT) được bảo đảm; người dân tập trung phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Niềm vui của bà con thôn Tân Hạnh tại buổi tiếp công trình đường dây điện chiếu sáng dài 520m, với tổng kinh phí 206 triệu đồng.
Niềm vui của bà con thôn Tân Hạnh tại buổi tiếp công trình đường dây điện chiếu sáng dài 520m, với tổng kinh phí 206 triệu đồng.

Con đường bê-tông nối hai thôn Tân Hạnh và Trà Kiểm rộng 7,5m chạy giữa những ruộng lúa, hàng cây xanh là niềm tự hào của người dân xã Hòa Phước. Đây là một trong những thành quả bước đầu của phong trào Nhà nước và nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương này, khi người dân sẵn sàng đóng góp kinh phí, tháo gỡ tường rào, cổng ngõ, hiến hàng trăm mét đất với quyết tâm có con đường đẹp hơn, rộng thoáng hơn.

Ông Trần Toàn, Trưởng thôn Tân Hạnh cho biết, làng quê thay đổi đã phần nào tác động tích cực đến ý thức và thói quen sinh hoạt của bà con nhân dân. Theo đó, người dân chủ động hơn trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường, bảo đảm ANTT, tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình.

“Hơn 4 năm trước, cùng với thôn Trà Kiểm, chúng tôi đã phối hợp với Công an xã Hòa Phước và các xã Điện Thắng Bắc, Điện Hòa (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) xây dựng liên khu ANTT vùng giáp ranh, yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác, tích cực phối hợp với lực lượng an ninh địa phương phòng chống nạn cướp giật, trộm cắp trên địa bàn. Với mô hình “Tiếng mõ an ninh” ra đời năm 2016, mỗi hộ trong thôn đều tự trang bị dây thừng, gậy, bộ mõ làm bằng ống tre. Khi gặp tình huống khẩn cấp, người già, phụ nữ dùng gậy đánh mõ; đàn ông, con trai cầm gậy, đèn pin cùng đội dân phòng chạy đến chốt chặn tại 4 điểm đặt barie (rào chắn) ngăn đối tượng chạy thoát”, ông Toàn nói.

Ông Dương Ngọc Đức, Trưởng Công an xã Hòa Phước khẳng định, mô hình “Tiếng mõ an ninh” của bà con Tân Hạnh đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng Công an xã trong quá trình truy bắt tội phạm, giữ trật tự trên địa bàn thôn. Ông Đức cho rằng, thôn Tân Hạnh nằm tiếp giáp với một số phường, xã thuộc tỉnh Quảng Nam nên tình hình ANTT có những diễn biến phức tạp hơn so với các địa bàn khác trong xã. Tuy nhiên, nhờ công tác phối hợp nhuần nhuyễn, nắm rõ địa bàn, rõ đối tượng và sự đồng lòng của bà con nhân dân nên thời gian qua, ít phát sinh những tình huống phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương.

Cùng với “Tiếng mõ an ninh”, hệ thống đèn điện chiếu sáng ngày càng hoàn thiện cũng giúp cơ sở hạ tầng tại thôn Tân Hạnh thêm phần khang trang. Được biết, từ đầu năm 2018, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã xây dựng và bàn giao công trình đường dây điện chiếu sáng với chiều dài 520m, tổng kinh phí 206 triệu đồng cho thôn Tân Hạnh.

Sinh ra và lớn lên tại làng quê Tân Hạnh, ông Bùi Văn Thanh cho hay, bản thân ông rất vui khi thấy quê hương ngày một khang trang, sạch đẹp. Được biết, vợ chồng ông Thanh là một trong số ít gia đình vẫn bám vào nghề làm chõng tre để ổn định kinh tế gia đình.

“Thời trai trẻ, tôi bôn ba khắp nơi kiếm sống nhưng cuối cùng cũng quay về làng, bám vào nghề làm chõng tre đến bây giờ. Tuy vất vả nhưng nguồn thu từ nghề giúp chúng tôi trang trải cuộc sống gia đình. Hiện nay, ngoài nghề làm chõng, vợ chồng tôi còn làm thang tre, mành tre, nôi tre mỗi khi có khách hàng đặt mua”, ông Thanh chia sẻ.

Ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước khẳng định, sự thay đổi tích cực của thôn Tân Hạnh thời gian qua là kết quả từ sự đồng thuận, sẻ chia và gắn kết của bà con nhân dân trong phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, góp phần đưa Hòa Phước hoàn thiện và nâng tầm chuẩn nông thôn mới.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.