Trung đoàn Bộ binh 143 thành lập ngày 6-9-1978 tại cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai-Kon Tum). Khi mới thành lập, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Gia Lai-Kon Tum, sau đó trở thành Trung đoàn chủ lực của Sư đoàn 315 (Quân khu 5), tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giải phóng Campuchia.
Đại tá Cao Xuân Đại (trái), Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 143, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 143, trao đổi với đại tá Nguyễn Thọ Thăng. |
Các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 143 vẫn lưu giữ bao kỷ niệm sâu sắc với niềm tự hào về một thời chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đại tá Nguyễn Thọ Thăng, 73 tuổi, ở phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), nguyên Trưởng tiểu ban Cán bộ Trung đoàn 143 nhớ như in, sau khi đất nước vừa thống nhất (1975), giới cầm quyền ở Campuchia do bọn Pôn Pốt cầm đầu (thường gọi là Khơ me Đỏ) gây hấn trên biên giới Tây Nam nước ta và hò hét thực hiện dã tâm “1 diệt 30” (tức là 1 lính Khơ me Đỏ phải giết 30 người Việt Nam). Trung đoàn 143 ra đời trong tình hình dầu sôi lửa bỏng ấy với 3 tiểu đoàn bộ binh và một số đơn vị trực thuộc.
Vừa thành lập xong, Trung đoàn đã tổ chức đánh địch trong hành tiến, lập chiến công vang dội tại điểm cao 65, tiêu diệt hơn 100 tên giặc. Tiếp đó, đơn vị phối hợp vận động tập kích, tiêu diệt 1 tiểu đoàn trinh sát thuộc Sư đoàn 801 Khơ me Đỏ tại khu vực Cổ Cò (tỉnh Gia Lai-Kon Tum) và chuyển sang phòng ngự trên đường 19B từ ngầm Ô-za-dao đến khu vực Bò Kẹo, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa..
Đêm 22-12-1978, Trung đoàn bí mật vượt sông Tô Lê San, nhanh chóng đánh chiếm vị trí bàn đạp, tạo thế chiến dịch, rồi tiếp tục tấn công, làm chủ điểm cao 129 ở khu vực Bô Khăm - Pa Cáp, phát triển chiến đấu, đánh chiếm Bung Lung, Tà Lọt, Tà Dạt, Viên Sai… thuộc hai tỉnh Ratanakiri và Stung Treng.
Ngày 1-1-1979, Trung đoàn 143 tiếp tục tấn công, làm chủ điểm cao 149 và nhiều mục tiêu khác, sau đó thực hiện phương châm “Tiến công địch ở phía trước, truy quét địch ở phía sau”, nắm dân và phát động quần chúng, làm cho địch không có chỗ dựa trong nhân dân.
Sau ngày Campuchia được giải phóng (7-1-1979), Trung đoàn 143 liên tục tổ chức truy quét tàn quân Khơ me Đỏ, phối hợp với các đơn vị bạn, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng trên vùng đông bắc Campuchia. Những người lính Trung đoàn 143 đã làm nên chiến công vang đội trên đất nước Chùa Tháp, thiết thực góp phần xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia ngày càng bền chặt. Nhiều chiến công của đơn vị đã đi vào lịch sử của quân đội hai nước anh em. Tiêu biểu như trận tấn công vào khu C-Bản Khẻm trên đất Lào, do Trung đoàn trưởng Cao Xuân Đại chỉ huy, đập tan Sở Chỉ huy Sư đoàn 801 và Trung đoàn 82 Khơ me Đỏ vào cuối tháng 11-1981, tiêu diệt gần 400 tên địch. Hay như trận tấn công các điểm cao 743, 753, 741 trên khu vực ngã ba biên giới Campuchia-Lào-Thái Lan trong năm 1985, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, làm chủ sở chỉ huy tiền phương của quân Khơ me Đỏ.
Lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, Trung đoàn 143 đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Angkor Wat hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hiện nay, CCB Trung đoàn 143 có hơn 2.000 người, cư trú tại nhiều địa phương trong nước. Hằng năm, Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 143 tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, nghĩa tình đồng đội, thăm hỏi, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, CCB Cao Xuân Đại, 70 tuổi, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 143, hiện ở phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) đã tìm được hơn 300 mộ liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ, tận tình giúp cơ quan chức năng đưa hài cốt đồng đội vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ hoặc đưa về quê nhà theo nguyện vọng của người thân. Với nhiều thành tích tiêu biểu trong chiến đấu và công tác uống nước nhớ nguồn, nguyên Trung đoàn trưởng Cao Xuân Đại luôn sống trong lòng tin yêu, quý trọng của CCB Trung đoàn.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM