Hòa Liên là xã miền núi của huyện Hòa Vang, trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, sau ngày giải phóng, quê tôi chỉ còn lại mảnh đất cằn cỗi, xác xơ. Chiến tranh cướp đi không chỉ con người mà cả của cải vật chất, tinh thần của những người dân vốn đã tận cùng nghèo khó.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố và cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Hòa Liên thắp hương tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã. |
Ngày ấy, con đường từ quốc lộ dẫn về trung tâm xã dày đặc những “ổ gà”, “ổ voi” chằng chịt, mùa hè lầm bụi, mùa mưa ngập bùn. Bao nhiêu năm sau hòa bình, người dân quê tôi vẫn nghèo và lam lũ dù đã gắng hết sức vươn lên chống chọi với thiên nhiên. Đất đai khô cằn, người nông dân chuyển đổi từ làm nông sang nuôi vịt, trồng nấm rồi phát triển rừng...
Mồ hôi, nước mắt và bao sức lực đã đổ xuống, thấm vào đất quê hương, mong những vạt đồi khô cằn sỏi đá, những mảnh ruộng nứt nẻ vì thiếu nước trời sẽ mềm lại, hồi sinh để cây cỏ tốt tươi. Suốt nhiều năm sau chiến tranh, người dân ở một thôn của quê tôi vẫn phải ngày ngày đi gánh nước ăn xa hai, ba cây số nhưng không một lời kêu ca, trách móc. Và hàng trăm trẻ em không đủ phòng học vẫn phải đi học nhờ chen chúc trong căn nhà kho hợp tác xã nhưng khuôn mặt vẫn ánh lên những nụ cười hồn nhiên, hạnh phúc trẻ thơ.
Nghị lực và ý chí của người dân quê tôi như mạch nước ngầm chảy sâu dưới lòng đất cằn khô, không dễ gì nhận thấy nhưng vẫn ngày đêm âm ỉ, thôi thúc mỗi con người. Ở quê tôi, những vườn cây trái chưa thật xanh tươi nhưng lòng người thì thật ấm. Nhà tranh vách đất vẫn còn nhiều nhưng tình làng xóm, nghĩa bà con vẫn cứ tràn đầy. Họ đùm bọc nhau cùng vươn lên vượt qua đói nghèo bằng bàn tay cần mẫn và niềm tin mãnh liệt vào sự đổi đời.
Đối mặt từng ngày với gian khó của công cuộc mưu sinh nhưng người Hòa Liên không một ai quên, có một thời chiến tranh, khoai lúa nơi đây đã sản sinh ra những anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, bắn cháy xe tăng, máy bay hiện đại của kẻ thù chỉ bằng những khẩu súng cũ kỹ.
Toàn xã Hòa Liên có 188 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 800 liệt sĩ, hơn 200 thương binh, bệnh binh và 490 gia đình có công với cách mạng. Máu và nước mắt nhuộm đỏ mảnh đất anh dũng kiên cường này. Ngày xã Hòa Liên đón nhận danh hiệu anh hùng, trên con đường ngập bùn lầy lội, con em, dâu rể của quê hương vẫn đổ về nườm nượp trong niềm vui chan hòa. Người Hòa Liên mặc những bộ áo quần đẹp nhất, cầm cờ hoa đi bộ khắp các ngả đường.
Ngày vui nhất sau 23 năm giải phóng, ai cũng thấy như mình trẻ lại, môi cười rạng rỡ mà nước mắt rưng rưng. Những cựu chiến binh, thương binh ngực lấp lánh huân chương, những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng bước đi trong vòng tay con cháu, những cô gái, chàng trai trẻ trung sinh ra sau chiến tranh, và chắc chắn có cả hương hồn linh thiêng của những anh hùng, dũng sĩ đã trở thành liệt sĩ... Tất cả người Hòa Liên đã tụ họp về đây để cảm nhận hai tiếng QUÊ HƯƠNG một cách trân trọng, tự hào.
Hòa Liên quê tôi hôm nay đã và đang không ngừng đổi mới. Con đường hầm Nam Hải Vân chạy ngang qua xã mỗi ngày nối đuôi nhau tấp nập hàng ngàn chuyến xe ra Bắc vào Nam. Khu du lịch sinh thái Nam Ô - Xuân Thiều, Khu Công nghệ cao, Công nghệ thông tin sầm uất mọc lên tươi mới giữa núi non xanh thẳm làm thay đổi diện mạo vùng quê sau 44 năm giải phóng.
Bên cạnh ruộng vườn, đồi núi là các khu tái định cư của người dân sau giải tỏa nằm san sát, nhà cửa khang trang, đường sá rộng rãi sạch đẹp không khác gì phố thị. Người Hòa Liên không còn là những nông dân cày cuốc mà đang tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa từng ngày.
Cuộc sống đang bước sang trang mới trên vùng đất từng là chiến trường ngập tràn máu lửa năm xưa. Quá khứ-hiện tại, truyền thống-tương lai, tất cả luôn hòa quyện, đồng hành cùng nhau hướng đến ngày mai tươi sáng. Và những người con của quê hương Hòa Liên như tôi thật tự hào được là người viết tiếp những trang sử rạng rỡ ấy trong những ngày hòa bình, no ấm hôm nay.
Bài và ảnh: HỒNG HẠNH