20 năm gắn bó với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chị Huỳnh Thị Kiều Mỹ (54 tuổi), cộng tác viên (CTV) DS phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) có nhiều đóng góp tích cực trong việc vận động người dân thực hiện KHHGĐ.
Chị Huỳnh Thị Kiều Mỹ (phải) luôn tích cực năng nổ đến nhà các hộ dân để vận động, tuyên truyền KHHGĐ. |
Năm 1999, chị Huỳnh Thị Kiều Mỹ bắt đầu tham gia làm CTV DS. Giữa lúc con còn nhỏ, bố mẹ chồng tuổi cao, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn nhưng chị vẫn kiên trì, gắn bó với việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ.
Hiện, tổ dân phố 31 và 32 do chị phụ trách có khoảng 150 hộ dân; hầu hết kinh doanh, buôn bán nhỏ, một số ít người làm công nhân, lao động chân tay và một vài hộ đi biển... Chính vì vậy, việc tập hợp người dân dự các buổi truyền thông rất khó khăn. Để đầy đủ mọi người tham gia, chị phải đến từng nhà, nắm rõ thời gian rảnh của từng người để sắp xếp.
Trong khi đó, trước đây, khi chưa chia phường Thanh Lộc Đán thành phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây, chị phụ trách cả khu phố Phục Đán. Chị kể, lúc ấy, chưa có điện thoại, liên lạc với các chị em rất khó khăn. Thế nhưng, bất cứ khi nào chị em cần, chị luôn sẵn sàng hỗ trợ, nhất là trở thành “xe ôm” khi chị em đi khám bệnh, đặt vòng tránh thai.
Đơn cử, không chỉ chở chị Trần Thị Minh Th. đi đặt vòng tránh thai, chị còn nhờ gia đình trông hộ con của chị Th. và mua đồ ăn, sữa cho trẻ. Một trường hợp khác, sau khi sinh mổ, chị Đặng Thị L. quyết định đặt vòng tránh thai theo sự tư vấn của chị Mỹ. Lần thứ nhất không được, chị L. “bắt đền”, la mắng chị Mỹ và từ chối đặt vòng. Tuy nhiên, chị Mỹ vẫn nhẹ nhàng khuyên, kiên trì tư vấn và tình nguyện hỗ trợ, chở chị L. đi đến nơi khác.
Chị Mỹ bộc bạch: “Phụ nữ vốn đã khổ rồi, nếu hoàn cảnh khó khăn mà sinh nhiều con càng khổ hơn. Chính vì vậy, giúp được gì cho chị em là tôi hạnh phúc”.
Không chỉ là CTV DS, chị Mỹ còn đảm nhiệm nhiều chức vụ ở địa phương: Tổ trưởng tổ vay vốn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 11 (phường Thanh Khê Tây). Những lúc đến nhà dân thu tiền lãi, tiền vay hay mời họp, chị lại tranh thủ nói chuyện, tâm sự với các chị em về công tác dân số. Cứ như vậy, mưa dầm thấm đất, nhiều chị em đã hiểu được lợi ích của các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản...
“Nhờ tư vấn rồi tuyên truyền qua pa-nô, áp-phích hay các kênh thông tin truyền thông đại chúng, chị em dần tiếp cận các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; từ đó, tự giác, biết lo lắng cho sức khỏe của mình, chủ động khám phụ khoa, sử dụng các biện pháp KHHGĐ. Khi có vấn đề về sức khỏe, nhiều chị em chủ động đến trạm y tế nhờ tư vấn, không ngại ngùng giấu bệnh. Nhiều chị em còn dặn dò CTV DS phải thông báo cho họ khi có những đợt truyền thông, khám thai, khám phụ khoa”, chị Mỹ vui vẻ.
Chị Mỹ chia sẻ, để làm tốt vai trò CTV DS, ngoài sự gần gũi, biết lắng nghe và chia sẻ, chị còn không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, kết hợp với đọc sách báo, xem phim, nghe đài về vấn đề DS. Lúc nào, chị cũng mang theo cuốn sổ bên mình, ghi chép chi tiết và đầy đủ các kiến thức về DS.
Ngoài ra, chị còn đến từng nhà khảo sát và thiết lập danh sách những cặp vợ chồng có “nguy cơ cao” sinh con thứ ba, những cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn... và dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên. Nhờ sự kiên trì của chị, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai tăng lên qua hằng năm. Đặc biệt, qua 20 năm làm CTV DS, chị đã góp phần giúp đỡ nhiều gia đình không sinh con thứ ba ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thục Uyên, cán bộ chuyên trách DS phường Thanh Khê Tây cho biết, với sự tâm huyết, nhiệt tình, lăn xả vào công việc, không ngại khó, ngại khổ, linh hoạt trong tuyên truyền, chị Mỹ đã từng bước giúp người dân thay đổi nhận thức, chấp nhận quy mô gia đình ít con. Các chỉ tiêu giao cho địa bàn, chị đều vận động người dân thực hiện rất tốt.
Bài và ảnh: THU THẢO