Chính thức khởi động đề án "Thành phố thông minh"

.

Hôm nay (10-4), UBND thành phố công bố đề án “Xây dựng thành phố thông minh” nhằm xác định mục tiêu mới với việc nắm bắt xu thế khách quan, đáp ứng đòi hỏi của quản lý đô thị. Bước phát triển này cũng nằm trong xu hướng phát triển chung của các đô thị lớn ở khu vực và trên thế giới. Đề án được triển khai sẽ giúp chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; người dân và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận thông tin mọi mặt trong đời sống một cách nhanh chóng, công khai, minh bạch, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo môi trường kinh doanh bền vững…

Việc xây dựng Thành phố thông minh dựa trên 6 trụ cột, trong đó có giao thông thông minh. Trong ảnh: Đường Võ Văn Kiệt nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN SƠN
Việc xây dựng Thành phố thông minh dựa trên 6 trụ cột, trong đó có giao thông thông minh. Trong ảnh: Đường Võ Văn Kiệt nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN SƠN

Để rõ hơn về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về việc tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào đời sống xã hội.

* Quá trình triển khai đề án “Xây dựng thành phố thông minh” đã có bước tiến dài, vậy đâu là những điểm nhấn, những dấu mốc nội dung nền tảng để sẵn sàng triển khai phát triển đô thị thông minh ở Đà Nẵng, thưa ông?

- Hơn 15 năm qua, Đà Nẵng đã xác lập nhiều cột mốc trong việc nỗ lực hành động xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử và Thành phố thông minh (TPTM). Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 06/2003/NQ-TU về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT.

Thành phố cũng ban hành Khung kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT theo Quyết định số 5258/QĐ-UBND vào năm 2010 và tiếp tục được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh vào các năm 2015 và 2018 theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.

Tiếp đó, thành phố ban hành đề án xây dựng TPTM hơn vào năm 2014 do Tập đoàn IBM tư vấn và bắt đầu triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giao thông, môi trường, cấp thoát nước, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, cung cấp dịch vụ công.

Dấu ấn đặc biệt trong ứng dụng CNTT là vào tháng 7-2014, Đà Nẵng đưa vào sử dụng hệ thống thông tin Chính quyền điện tử. Ngày 11-1-2018, UBND thành phố ban hành Kiến trúc tổng thể TPTM. Đây là tài liệu hoàn chỉnh về kiến trúc, tiêu chuẩn, công nghệ… theo tiêu chuẩn thế giới và phù hợp với hiện trạng CNTT, kinh tế - xã hội thành phố, bảo đảm việc triển khai đồng bộ, tương thích, hiệu quả và tiết kiệm.

Tiếp đó, ngày 29-11-2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 6439/QĐ-UBND về Đề án xây dựng TPTM giai đoạn 2018-2025.

UBND thành phố Đà Nẵng ký kết với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện một số nội dung về xây dựng Thành phố thông minh. Ảnh: TRIỆU TÙNG
UBND thành phố Đà Nẵng ký kết với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện một số nội dung về xây dựng Thành phố thông minh. Ảnh: TRIỆU TÙNG

* Việc thành phố 10 năm dẫn đầu về chỉ số Việt Nam ICT Index tác động gì đến quá trình xây dựng TPTM ở Đà Nẵng?

- CNTT là thành phần cốt lõi của TPTM. Trong suốt 10 năm gần đây, thành phố Đà Nẵng luôn đứng đầu cả nước về chỉ số Vietnam ICT Index (trong 14 năm đánh giá do Hội Tin học và Bộ TT&TT thực hiện từ năm 2004 ) chứng tỏ ứng dụng CNTT tại Đà Nẵng đi vào chiều sâu, thực chất và liên tục cập nhật, cải tiến.

Bộ tiêu chí ICT Index được cải tiến liên tục theo chuẩn mực quốc tế với hơn 100 tiêu chí con, đánh giá toàn diện các mặt hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, việc xây dựng chính sách cũng như xây dựng và ứng dụng CNTT- truyền thông (TT).

Đối với chỉ số thành phần hạ tầng kỹ thuật (gồm hạ tầng kỹ thuật xã hội như: tỷ lệ điện thoại cố định/di động, tỷ lệ thuê bao Internet, tỷ lệ thuê bao băng rộng... và hạ tầng kỹ thuật cơ quan Nhà nước như: tỷ lệ máy tính, tỷ lệ băng thông, triển khai các giải pháp an toàn thông tin...), Đà Nẵng đạt 0,93/1 điểm, tạo khoảng cách khá xa so với địa phương đứng ở vị trí thứ 2 (Bà Rịa - Vũng Tàu với 0,76/1) và vị trí thứ 3 (TP. Hồ Chí Minh với 0,58/1).

Về hạ tầng nhân lực, sau 2 năm liên tiếp đứng thứ 2 cả nước, năm nay Đà Nẵng vươn lên vị trí đầu bảng với số điểm 0,96/1. Ở chỉ số thành phần ứng dụng CNTT, Đà Nẵng cũng tiếp tục dẫn đầu với mức điểm 0,93/1. Đặc biệt, thành phố đạt điểm tối đa trong việc ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan Nhà nước.

Theo ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, kết quả từ đánh giá về Vietnam ICT Index của Đà Nẵng là điều kiện lý tưởng để xây dựng TPTM.

* Trong khung kiến trúc đô thị thông minh, đâu là vấn đề trụ cột và thứ tự ưu tiên thực hiện trong giai đoạn trước mắt là gì ?

- Khung kiến trúc tổng thể TPTM đã được UBND thành phố phê duyệt theo Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 11-1-2018 xác định: 6 trụ cột trên cơ sở mô hình khung kiến trúc ứng dụng CNTT-TT ở 17 lĩnh vực cần triển khai. 6 trụ cột khung kiến trúc TPTM cho Đà Nẵng gồm: quản trị thông minh; kinh tế thông minh, giao thông thông minh; môi trường thông minh, đời sống thông minh và công dân thông minh.

Trong trụ cột Quản trị thông minh tập trung thực hiện nâng cấp mở rộng mạng đô thị (MAN); nâng cấp và mở rộng trung tâm dữ liệu theo giải pháp điện toán đám mây; khai thác mạng không dây diện rộng với công nghệ 4G và 5G; xây dựng trung tâm giám sát, điều hành, xử lý tập trung theo hướng đa nhiệm vụ; phát triển nền tảng chia sẻ dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu về không gian đô thị, đất đai, hạ tầng đô thị, nhân hộ khẩu và công dân đô thị; hệ thống thông tin chính quyền điện tử; thí điểm khu đô thị thông minh tại quận Liên Chiểu…

Đối với trụ cột Kinh tế thông minh, bước đầu tập trung vào lĩnh vực du lịch với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển hệ thống giám sát du lịch, phát hành thẻ du lịch thông minh; đăng ký lưu trú trực tuyến, phát triển ứng dụng thực tại ảo trong du lịch. Về Giao thông thông minh, thành phố triển khai trung tâm giám sát điều hành; hình thành cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải và khai thác cổng thông tin giao thông điện tử để hướng dẫn hỗ trợ các hoạt động giao thông.

Trụ cột Môi trường thông minh thực hiện cơ sở dữ liệu quan trắc về môi trường, quản lý chất thải rắn, xử lý chất thải; giám sát hoạt động cấp nước, thoát nước tự động. Về Đời sống thông minh thực hiện hoàn thiện hệ thống giám sát an ninh trật tự, điện chiếu sáng; giám sát trường học; xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục và học bạ điện tử; cơ sở dữ liệu về giáo dục dạy nghề; cơ sở dữ liệu về hồ sơ sức khỏe công dân; bệnh viện điện tử….

Vấn đề Công dân thông minh tập trung giải quyết hỗ trợ khởi nghiệp, Nhà nước với công dân, thanh toán không dùng tiền mặt. Tất cả các nội dung bao quát các lĩnh vực đời sống, xã hội và giao cho các sở ngành liên quan thực hiện và phối hợp thực hiện.

* Thành phố cần có khuyến nghị gì về chính sách lẫn nguồn lực đầu tư trong thực hiện TPTM?

-Thành phố sẽ đề xuất với các bộ, ngành Trung ương có cơ chế liên quan đến hình thức đầu tư như: hợp tác công - tư, có cơ chế để kết hợp 3 nhà (nhà đầu tư, nhà giải pháp và Nhà nước); tính mức thuế dịch vụ CNTT-TT phù hợp… Việc xây dựng TPTM ở Đà Nẵng cũng dựa vào sự hợp tác phát triển, “đi tắt, đón đầu” khi tiếp cận các ứng dụng CNTT trong Mạng lưới TPTM khu vực ASEAN thông qua các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực.

Về nội lực, thành phố khuyến khích cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, cung cấp lẫn khai thác và cung cấp các dịch vụ về TPTM. Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất, kiến nghị bộ, ngành Trung ương giải quyết các vướng mắc về chính sách xã hội hóa trong hợp tác đầu tư công-tư (PPP), chính sách chia sẻ dữ liệu CNTT, các bộ quy chuẩn thông tin hay quy chế quản lý sử dụng tài nguyên CNTT.

*Xin cảm ơn ông.

Ba giai đoạn thực hiện đề án Thành phố thông minh

Giai đoạn đến năm 2020 thực hiện sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh. Tổng kinh phí thực hiện 939 tỷ đồng, trong đó, thu hút đầu tư từ hình thức hợp tác công-tư (PPP) chiếm 550 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 46 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025 thực hiện thông minh hóa các ứng dụng với tổng kinh phí 1.191 tỷ đồng. Trong đó, vốn PPP chiếm 700 tỷ đồng, vốn vay ODA chiếm 150 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 36 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026-2030 thực hiện thông minh hóa các ứng dụng CNTT trên cơ sở tổng kết hoạt động giai đoạn 2021-2025.

TRIỆU TÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.