Đà Nẵng với ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4

.

Nói về Đà Nẵng với ngày thống nhất đất nước 30-4, các nhà sử học đất Quảng thường nhắc đến một đoạn trong hồi ký Trên những chặng đường cách mạng của Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công: “Theo kế hoạch cũ, sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột là tiến vào phối hợp với quân của Miền đánh vào Sài Gòn rồi mới quay ra giải phóng Đà Nẵng, vì cho rằng Đà Nẵng là căn cứ phòng ngự từ xa, cứng nhất của địch ở miền Nam (…).

Đà Nẵng ngày mới. Ảnh: Thanh Tình
Đà Nẵng ngày mới. Ảnh: Thanh Tình

Nhận định địch bỏ Tây Nguyên, tình thế mới đã xuất hiện, tôi điện xin phép anh Ba (Bí thư thứ nhất Lê Duẩn - BVT) và Bộ Chính trị đề nghị cho đánh ngay Đà Nẵng (…) Anh Ba thay mặt Bộ Chính trị đồng ý. Điện: “Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi”. Điện anh Ba tuy đồng ý nhưng không có tính ra lệnh mà cách nói để cho cấp dưới tùy thời linh hoạt ứng biến”(1).

Và đúng 17 giờ 30 ngày 29-3-1975, nghe Bí thư Võ Chí Công từ thành phố bên sông Hàn đích thân gọi điện báo tin đã giải phóng Đà Nẵng, Bộ Chính trị và Bí thư thứ nhất Lê Duẩn rất phấn khởi.

Trong cuốn hồi ký vừa nêu, ông Võ Chí Công nhớ như in cuộc điện đàm ấy: “Anh Ba nói: Tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch. Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ bị sụp đổ không còn lâu nữa. Giải phóng Đà Nẵng, con đường vào Sài Gòn được rộng mở, quân ta có thể tiến thần tốc, đánh như chẻ tre.

Tiêu diệt căn cứ Đà Nẵng đã tạo một thời cơ mới cho toàn miền Nam sớm được giải phóng”(2). Rõ ràng giải phóng Đà Nẵng theo kế hoạch cũ hay theo kế hoạch mới do ông Võ Chí Công đề xuất, tất cả đều xuất phát từ yếu tố địa chính trị rất quan trọng của Đà Nẵng trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn…

Trong các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn 44 năm trước, có nhiều người Đà Nẵng, trong đó có một người vinh dự được trực tiếp chứng kiến và hơn thế nữa, được trực tiếp tác động đến khoảnh khắc chính thức cáo chung của chế độ Sài Gòn.

Người ấy là Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 Xe tăng Quân Giải phóng, quê làng Nại Hiên Tây bên tả ngạn sông Hàn. Chính ủy Bùi Văn Tùng vừa mới trở lại thành phố quê hương chôn nhau cắt rốn vào ngày 29-3 sau mấy mươi năm xa cách, đã tiếp tục cùng đồng đội rong ruổi cuộc trường chinh tiến về Sài Gòn - và để rồi đúng vào thời điểm 11 giờ 30 ngày 30-4, đường hoàng bước vào phòng khánh tiết trong Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Ở Đài Phát thanh Sài Gòn, nhân danh các đơn vị quân đội cách mạng tấn công dinh Độc Lập, Chính ủy Bùi Văn Tùng tự tay thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, buộc Tổng thống - Đại tướng Dương Văn Minh đọc trên sóng phát thanh.

Rồi cũng chính người Đà Nẵng dạn dày chiến trận này đã thảo và đích thân đọc lời tiếp nhận sự đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh: “Tôi, Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203, đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm dinh Độc Lập long trọng tuyên bố: thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng. Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.

Xin nói thêm, đến nay tác quyền của hai diễn ngôn lịch sử này đã được khẳng định hai năm rõ mười là của Trung tá Chính ủy Bùi Văn Tùng, người cán bộ chính trị có quân hàm cao nhất trong các đơn vị chiếm dinh Độc Lập ngày hôm ấy.

Sau ngày thống nhất đất nước 30-4, nhất là sau khi được tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã phấn đấu trở thành một trong những trung tâm phát triển của đất nước, và quan trọng hơn là đã chuyển hóa từ một đô thị chủ yếu phục vụ chiến tranh sang một điểm đến du lịch hấp dẫn đối với khách thập phương.

Trong quá trình chuyển hóa ngoạn mục ấy, Đà Nẵng có hai lĩnh vực thay đổi rõ rệt nhất là giáo dục đại học và giao thông nội thị.

Trước năm 1975, nếu như giáo dục phổ thông ở Đà Nẵng - với thương hiệu Trung học Phan Châu Trinh danh tiếng - vẫn có thể “sánh vai” cùng giáo dục phổ thông ở các thành phố lớn của miền Nam như Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ… thì giáo dục đại học ở Đà Nẵng mờ nhạt hơn nhiều so với giáo dục đại học ở Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt…

Mãi đến năm 1974, khóa đầu tiên của Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà - cơ sở đào tạo đại học duy nhất ở Đà Nẵng đương thời - mới được khai giảng.

Vậy mà từ sau năm 1975, nhất là từ sau năm 1994 - năm thành lập Đại học Đà Nẵng - cho đến nay, giáo dục đại học Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ, cả công lập và ngoài công lập, nhất là đối với hai nhóm ngành kỹ thuật và kinh tế, đến mức có người từng nghĩ đến khả năng nâng cấp Đại học Đà Nẵng từ một đại học vùng thành một đại học quốc gia, hay chí ít thành một đại học vùng với tư cách đơn vị tài chính cấp I...

Xin nói thêm: theo Bảng xếp hạng UniRank các trường đại học Việt Nam năm 2019 do Tổ chức For International Colleges and Universities (4ICU) vừa công bố, Đại học Đà Nẵng xếp thứ 3/67 trường đại học hàng đầu của Việt Nam (xếp cao nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tương tự, trên lĩnh vực giao thông nội thị, số lượng đường phố ở Đà Nẵng tăng rất nhanh, nhanh đến mức cạn kiệt quỹ tên đường, phải đặt cùng tên khác số thứ tự cho những con đường trong một khu vực, chẳng hạn như có tới bốn chục con đường cùng mang tên An Thượng, từ An Thượng 1 đến An Thượng 40…

Cầu đường bộ trên sông Hàn cũng liên tục được xây dựng, từ chỗ chỉ có hai cầu - cầu Trịnh Minh Thế và cầu Nguyễn Hoàng trước năm 1975, đến nay tăng gấp ba lần - cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý và cầu Tiên Sơn, đã cùng với các cầu khác trên sông Cẩm Lệ, sông Yên và sông Cu Đê góp phần mang lại cho Đà Nẵng thương hiệu Thành phố những cây cầu…

Nói về Đà Nẵng với ngày thống nhất đất nước 30-4, các nhà sử học đất Quảng cũng thường nhắc đến thực tế Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung đang còn tình trạng lãnh thổ chưa toàn vẹn.

Năm 1975 - nói như Chính ủy Bùi Văn Tùng - “thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng”, nhưng sự thật đó không có nghĩa là đất nước đã được hoàn toàn giải phóng, không có nghĩa là thành phố Đà Nẵng đã được hoàn toàn giải phóng.

Bởi ai cũng biết từ ngày 19-1-1974, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đang trực thuộc xã Hòa Long, quận Hòa Vang (nay là xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép.

Không phải ngẫu nhiên mà khi đặt tên đường Trường Sa cho một con đường ven Biển Đông và nối tiếp đường Hoàng Sa, người Đà Nẵng đã đặt tên 30 Tháng 4 cho con đường mà lúc đang thi công vẫn gọi là đường Trường Sa bởi con đường này nằm trên phường Hòa Cường - nơi có gần mười liệt sĩ hy sinh khi Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 14-3-1988.

BÙI VĂN TIẾNG

(1) Dẫn theo Hoàng Minh Nhân và Hoàng Hương Việt, Đà Nẵng - Khoảnh khắc 29 tháng 3, NXB. Văn học, 2005, trang 27.
(2) Sách đã dẫn, trang 37.

;
;
.
.
.
.
.