Sáng 4-4, Đoàn khảo sát số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Ngọ Duy Hiểu làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nhằm đánh giá 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương vào sáng 4-4. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Thị Thúy Linh cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cũng như người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, xem việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN) là động lực tăng năng suất lao động, phát triển DN và từng bước nâng cao đời sống của NLĐ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, kết quả nổi bật nhất phải kể đến số DN xây dựng Thỏa ước lao động tập thể từ 150 tăng lên 806; DN có nội quy lao động từ 180 lên 796; DN có tổ chức Công đoàn từ 204 lên gần 1.000. Ngoài ra, tỷ lệ lao động làm trong DN có ký hợp đồng lao động từ 80% tăng lên 98,38%; từ năm 2015 đến nay trên địa bàn thành phố không xảy ra cuộc đình công nào tại DN.
Đến cuối năm 2018, trên địa bàn thành phố có 23.669 DN với 341.805 lao động; trong đó có 70 DN Nhà nước, 22.961 DN dân doanh, 638 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Về công tác xây dựng Đảng, hiện có 244 DN có tổ chức Đảng với 8.236 đảng viên; trong đó tổ chức Đảng trong DN Nhà nước là 54 đơn vị, tổ chức Đảng ở khối DN dân doanh là 173 đơn vị, tổ chức Đảng ở khối DN FDI là 17 đơn vị.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, những năm qua, rất ít xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công tại Đà Nẵng là nhờ thành phố thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 22-CT/TW. Bên cạnh đó, thành phố cũng phát huy hiệu quả vai trò quản lý Nhà nước trong việc chăm lo xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng nhà ở, khu chung cư cho người có thu nhập thấp; đồng thời triển khai hiệu quả đề án xây dựng nhà cho NLĐ, đề án hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho NLĐ…
Mặt khác, thành phố duy trì hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với đại diện NLĐ, tổ chức Công đoàn cũng như thực hiện có hiệu quả đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với NLĐ… Đây cũng là những giải pháp sẽ được thành phố duy trì tổ chức trong thời gian tới nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ tranh chấp lao động; từ đó, hạn chế đình công, góp phần xây dựng hài hòa mối quan hệ lao động, giúp ổn định tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn nhất định, đó là: nhận thức về mối quan hệ lao động của một số NSDLĐ còn hạn chế, chưa đặt lợi ích của NLĐ gắn với sứ mệnh lâu dài của DN, xem nặng lợi ích trước mắt. Mặt khác, công tác tuyên truyền pháp luật đến NLĐ còn khó khăn do áp lực về thời gian sản xuất, dẫn đến còn nhiều DN vi phạm pháp luật lao động như: nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; điều kiện lao động ở một số DN không đảm bảo, đời sống NLĐ ở nhiều DN còn khó khăn do mức thu nhập thấp…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đề nghị Đảng, Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đã ban hành; đồng thời cần sớm ban hành các chính sách nhằm thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp công nhân trong tình hình mới.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TW trên địa bàn thành phố. Ðể tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 22-CT/TW và triển khai Kết luận số 96-KL/TW, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các DN, tổ chức đại diện NLĐ, đại diện NSDLĐ, MTTQ và hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức và đổi mới phương thức học tập, quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách, quy định của Ðảng, Nhà nước về quan hệ lao động trong DN theo hướng thiết thực.
Thành phố cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm; tiếp tục củng cố, phát huy vai trò tổ chức Đảng trong DN, làm tốt công tác phát triển đảng viên; kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, tiền lương tối thiểu, an toàn và vệ sinh lao động; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý; hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, cải thiện điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần cho người lao động.
Tổ chức Công đoàn các cấp của thành phố cần đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động; tăng cường sự gắn bó giữa DN với NLĐ.
TRỌNG HÙNG