Dân vận khéo trong giải tỏa, đền bù

.

Huyện Hòa Vang hiện là địa phương đang triển khai nhiều dự án quan trọng của thành phố. Việc phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, làm tốt công tác dân vận đã tạo bước chuyển mạnh mẽ, vận động người dân thực hiện các chủ trương về đền bù, giải tỏa để thực hiện các dự án.

Công tác giải tỏa đền bù đường vành đai phía nam đoạn qua xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang cơ bản hoàn thành, các đơn vị đang tiến hành thi công các hạng mục.
Công tác giải tỏa đền bù đường vành đai phía nam đoạn qua xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang cơ bản hoàn thành, các đơn vị đang tiến hành thi công các hạng mục.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang Ngô Minh Lệ cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 200 dự án đã và đang triển khai với hơn 17.000ha đất phải thu hồi, liên quan đến hơn 5.200 hộ dân ở 11 xã của huyện. Chính vì vậy, Đảng bộ và chính quyền huyện luôn xác định công tác dân vận đóng vai trò rất quan trọng để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong giải tỏa, đền bù để triển khai các dự án.

Để làm tốt công tác giải tỏa, đền bù, một trong những yếu tố quan trọng huyện Hòa Vang luôn đặc biệt quan tâm là phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo thống nhất cao từ trên xuống dưới.

Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: Mỗi khi triển khai một dự án, huyện thành lập một Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB), giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và từng hội đồng phải liên hệ mật thiết với các ban, ngành có liên quan của thành phố đến cán bộ tổ dân phố, khu dân cư để đồng loạt triển khai các khâu công việc, nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân.

Đặc biệt, theo ông Thương, quy trình GPMB hình thành và được triển khai đồng bộ theo nguyên tắc “dân chủ - công khai - công bằng - đúng luật” mang lại hiệu quả thiết thực. Trước tiên là công khai quy hoạch, dự án; thông qua phương án bồi thường thiệt hại, bố trí đất tái định cư đã được UBND thành phố phê duyệt; thực hiện công khai, minh bạch kết quả phê duyệt về mức bồi thường thiệt hại; trực tiếp đối thoại để giải thích về những thắc mắc, kiến nghị của từng hộ; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận đơn, thư; thường xuyên thông tin quá trình triển khai thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện.

Cùng với đó, công tác GPMB trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, là tâm điểm của nhiều cuộc họp, buổi đối thoại giữa chính quyền và người dân nhằm kịp thời phát hiện và đề xuất thành phố xử lý những vướng mắc, phát sinh. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hiện nay trên địa bàn huyện, hơn 60% hộ dân liên quan đến các dự án đã tự giác tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc bàn giao mặt bằng. Số hộ dân còn lại đang triển khai hồ sơ pháp lý để tiến hành thu hồi đất.

Theo đánh giá của ông Ngô Minh Lệ, đa số những hộ dân còn lại trên địa bàn huyện hiểu và đồng thuận, nhất trí cao, cùng với chính quyền địa phương tích cực trong công tác phối hợp, triển khai làm các thủ tục pháp lý để giải phóng, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Một trong những kinh nghiệm huyện Hòa Vang rút ra trong công tác vận động giải tỏa, đền bù là luôn áp dụng phương châm “mưa dầm thấm lâu”, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đối thoại trực tiếp với nhân dân.

“Đối với những trường hợp vướng mắc, lãnh đạo huyện, xã đều đến tận nơi, trực tiếp thuyết phục, kiên trì giải thích cho đến khi người dân hiểu, đồng tình. Nhờ đó, công tác dân vận đã phát huy sức mạnh to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, giúp diện mạo đô thị nông thôn Hòa Vang ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ổn định và phát triển”, ông Ngô Minh Lệ khẳng định.

Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ

;
;
.
.
.
.
.