Tình trạng các doanh nghiệp trốn tránh hoặc cố tình trì hoãn việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động ngày càng tăng. Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm thu hồi và xử lý nhưng tình trạng nợ đọng kéo dài vẫn còn, ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi của người lao động.
Nợ BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi của người lao động. TRONG ẢNH: Người lao động làm bếp phục vụ bữa ăn cho công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. |
Theo BHXH thành phố, tính đến cuối tháng 3-2019, tổng số tiền các doanh nghiệp nợ là trên 278,3 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH hơn 243 tỷ đồng, BHTN 11,1 tỷ đồng, BHYT 32,5 tỷ đồng, ảnh hưởng đến hơn 68.000 lao động. Trong số các doanh nghiệp nợ, có 1.222 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ hơn 148 tỷ đồng. 979 đơn vị thuộc diện nợ khó thu, như: Công ty CP Cơ khí-Lắp máy Sông Đà Chi nhánh 5 (nợ gần 12 tỷ đồng), Công ty CP ĐTXD&TM Vina Waco 25 (nợ gần 6 tỷ đồng...). Việc thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ở những đơn vị nợ với số tiền lớn, thời gian kéo dài gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã được thanh tra chuyên ngành xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn không chịu khắc phục tình trạng nợ đọng lâu dài.
Theo báo cáo của BHXH thành phố, nguyên nhân trước hết là do nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH của đơn vị, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chưa cao. Cùng với đó, người dân, người lao động hiểu biết về các chính sách, pháp luật về BHXH còn chưa đầy đủ, ít đấu tranh khi chủ sử dụng lao động vi phạm luật về BHXH.
Một số bộ phận người lao động do chưa nhận thức được hết tính ưu việt của chính sách BHXH mà chỉ quan tâm đến nguồn thu nhập hiện tại được hưởng, sợ bị trích mất một phần tiền lương để tham gia BHXH, làm giảm thu nhập của bản thân nên sẵn sàng thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động để không tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.
Theo bà Lê Thị Sinh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ - BHXH thành phố, để tăng cường công tác thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN, thời gian qua, đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này.
Theo đó, BHXH thành phố tập trung rà soát phân loại và thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, phân tích nguyên nhân từ đó đưa ra các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ. Trong năm 2018, BHXH đã thực hiện thanh tra liên ngành và chuyên ngành 197 đơn vị và thu hồi hơn 42 tỷ đồng, ban hành 37 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị sử dụng lao động với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, BHXH thành phố đã chuyển 6 hồ sơ vụ việc đến công an thành phố xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ, do công tác khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN còn nhiều vướng mắc về thẩm quyền, quy trình, thủ tục hồ sơ khởi kiện. Một số doanh nghiệp sau khi có quyết định thanh, kiểm tra thì chấp hành đầy đủ nhưng một thời gian sau lại tái diễn vi phạm. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy điện thường phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền của chủ đầu tư nên thường xảy ra tình trạng nợ BHXH, BHYT”, bà Sinh cho biết.
Để đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, BHXH thành phố vừa có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố trích chuyển từ tài khoản các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN chuyển vào tài khoản chuyên thu BHXH đối với những đơn vị đã qua thanh tra và có xử phạt vi phạm hành chính; tiếp tục có ý kiến để Chính phủ có giải pháp xử lý số tiền nợ của các đơn vị mất tích, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, đồng thời xem xét đưa số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên vào nợ xấu để quản lý, xử lý.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG